05/03/2018 12:30 GMT+7 | Giải trí
(giaidauscholar.com) - Chuyện tình của người đẹp và thủy quái trong "The Shape Of Water" đã mang đến chiến thắng lừng lẫy cho ê-kíp khi được vinh dự xướng tên ở hạng mục Phim xuất sắc nhất tại Oscar lần thứ 90.
Trong một buổi phỏng vấn với Đại học Quốc gia Mexico, đạo diễn Guillermo Del Toro cho biết rằng nếu dự án “The Shape of Water” (tựa Việt là Người đẹp và Thủy quái) thất bại, ông sẽ từ bỏ sự nghiệp đạo diễn. Thật may là việc đó đã không xảy ra, bởi “The Shape of Water” không chỉ giành giải Sư Tử Vàng tại Liên hoan phim Venice 2017 mà còn dẫn đầu số đề cử tại Oscar 2018 với 13 hạng mục. Đây cũng là tác phẩm được xướng tên ở hạng mục quan trọng nhất Phim xuất sắc nhất tại Oscar lần thứ 90 vừa diễn ra.
Bỏ qua những giải thưởng hào nhoáng, bản thân bộ phim thật sự là một câu chuyện cổ tích đầy lãng mạn dành cho những người lớn. Trong hai tiếng đồng hồ, khán giả có thể tạm gạt qua những lo toan bộn bề của cuộc sống “để đắm mình trong làn nước mát lạnh diệu kỳ của thế giới cổ tích do Del Toro tạo nên.
Người đẹp và quái vật thế kỷ 20
Câu chuyện phim chủ yếu diễn ra tại một trung tâm nghiên cứu bí mật của chính phủ Mỹ. Bối cảnh phim được đặt vào năm 1962, khi mà Chiến tranh Lạnh vẫn đang xảy ra với sự ganh đua trên mọi mặt trận của hai siêu cường là Mỹ và Liên Xô.
Trong thế giới hối hả chuyển động không ngừng ấy, vẫn có những người mộng mơ như chẳng hề màng thế sự. Ấy là cô gái câm Elisa (Sally Hawkins thủ vai). Ngày ngày, Elisa dành thời gian lắng nghe và chia sẻ với người bạn già Giles (Richard Jenkins) trước khi tới làm lao công ca đêm tại trung tâm nghiên cứu.
Tại đây, cô lại tiếp tục lắng nghe người bạn Zelda (Octavia Spencer) càm ràm về đủ mọi thứ, từ ông chồng lười biếng cho tới... thói mất vệ sinh của các nhà khoa học.
Sự yên bình ấy của Elisa thay đổi khi viên đại tá Richard (Michael Shannon) bắt được một sinh vật có hình dạng giống người từ rừng Amazon và đưa tới trung tâm để nghiên cứu. Richard bằng mọi cách thúc ép các nhà khoa học - đứng đầu là tiến sỹ Hoffstetler (Michael Stuhlbarg) - khai thác mọi thứ có thể từ “người cá” (Doug Jones) này.
Trái ngược với sự thực dụng và tàn bạo từ Richard, nàng lao công câm Elisa lại nảy sinh tình cảm đối với “người cá.” Từ sự tò mò ban đầu, thứ tình cảm dần chuyển thành thương mến, tạo ra một câu chuyện “người đẹp và quái vật” phiên bản thế kỷ 20...
Một bộ phim đẹp
Dù câu chuyện thực sự xoay quanh tình yêu giữa cô gái và thủy quái, nhưng tựa đề Việt “Người đẹp và thủy quái” không truyền tải được hết sự nên thơ, lãng mạn của tựa gốc tiếng Anh. “The Shape of Water” có ý nghĩa là “Dáng hình của nước” - một tựa phim khơi gợi trí tưởng tượng và mang chất lãng mạn, bay bổng như một bài thơ được sử dụng trong phim.
“Đẹp” cũng là từ thích hợp nhất để mô tả về “The Shape of Water,” bởi tác phẩm này tròn trịa về mọi mặt và đem tới những cảm xúc bay bổng, ấm áp cho người xem khi nghĩ về cuộc sống và tình yêu.
Thứ hiếm hoi không đẹp của bộ phim là gã đại tá Richard - đại diện cho những thứ xấu xa, thực dụng nhất của cuộc sống trần tục. Sự tàn nhẫn, bạo lực của gã như một cách Del Toro đả kích cái thế giới mà ông đã lớn lên.
Trong cuộc Chiến tranh Lạnh, hai siêu cường chạy đua nhiều khi không chỉ vì những thành tựu mà có lúc chỉ cần mình đứng yên còn phe kia tụt lại phía sau. Nhưng thật may, những kẻ như gã Richard lại chỉ là thiểu số trong thế giới thơ mộng của Del Toro.
Bối cảnh phim được đặt vào thập niên 1960, khi mà sự phân biệt đối với màu da và giới tính vẫn thể hiện rõ trong xã hội. Thế nhưng Richard - một gã đàn ông da trắng quyền lực, biểu trưng cho phe đa số - lại tỏ ra yếu thế trước những thân phận của phe thiểu số. Del Toro sử dụng “The Shape of Water” như một công cụ cho những người yếu thế của xã hội có dịp cho thấy “tiếng nói,” giá trị của mình, từ hai nhân vật chính không thể nói (Elisa và thủy quái), ông già đồng tính (Giles) cho tới cô lao công da đen (Zelda). Bằng những cách khác nhau, họ đều có những khoảnh khắc tỏa sáng, che mờ đi sự tiêu cực và thực dụng của Richard.
Vai nữ chính của Sally Hawkins thực sự xứng đáng là ứng cử viên hàng đầu cho tượng vàng Oscar “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. " Nhân vật của cô không thể nói, nhưng ánh mắt, biểu cảm gương mặt và ngôn ngữ ký hiệu của cô đã thể hiện trọn vẹn mọi ý tứ mà cô muốn giãi bày. Gương mặt của Hawkins có thể bị xem là già so với độ tuổi 41, cũng chẳng hề thuộc dạng ưa nhìn như nhiều minh tinh Hollywood cùng lứa khác.
Nhưng như chính Del Toro thừa nhận, ông viết vai Elisa để dành riêng cho Hawkins: “Tôi muốn nhân vật Elsa đẹp theo cách của riêng mình, không phải như nhan sắc của một người mẫu quảng cáo nước hoa. Một vẻ đẹp bình dị mà bạn có thể tin rằng mình có thể bắt gặp người phụ nữ này có thể là hành khách kế bên mình trong xe buýt. Ẩn sâu trong cô ấy là một vẻ đẹp, một vầng hào quang kỳ diệu tới mức thoát tục.”
Sally Hawkins thực sự đã hiện thực hóa trí tưởng tượng của Del Toro. Cô không “đẹp” theo chuẩn mực của số đông, mà vẻ đẹp ấy toát ra từ tâm hôn và sự nhân hậu. Người ta nhìn thấy đằng sau một cô gái câm tưởng như trầm tính này là một người phụ nữ đầy mơ mộng, lạc quan và sẵn sàng đứng lên bảo vệ tình yêu. Nàng là một đứa trẻ mồ côi với những vết sẹo ở cổ và không thể nói được từ nhỏ. Nhưng phải chăng ấy là một nàng tiên cá, đã phải đánh đổi giọng hát của mình lấy đôi chân trần thế để một ngày có thể gặp được định mệnh của đời mình là chàng thủy quái? Thứ “vầng hào quang thoát tục” mà Del Toro mường tượng từ trong đầu ấy có thể được cảm nhận được khi nhìn vào ánh mắt mơ màng của Elisa.
Đằng sau ánh mắt ánh lên hạnh phúc khi nhìn qua cửa sổ ấy là cả một đại dương tình cảm. Nàng mặc kệ nhân tình thế thái đang đảo điên theo cuộc chiến tranh và sống trong thế giới hạnh phúc của riêng mình, với những huyền thoại Fred Astaire và Ginger Rogers nhảy múa, với những đĩa than nhạc jazz nàng nghe ngày ngày, với tình yêu đang dần hình thành ở nơi tưởng như khô khan nhất... Thứ hào quang ấy được đơm hoa kết trái từ tình bạn, từ tình yêu, để rồi Elisa chẳng thế che giấu nổi nó. Như lời ca khúc “You’ll Never Know” trong phim: “Anh sẽ chẳng bao giờ biết được em quan tâm anh tới nhường nào/Kể cả khi em cố gắng, em cũng chẳng thể giấu nổi tình cảm mình dành cho anh.”
Mà đâu chỉ Elisa lãng mạn, câu chuyện “The Shape of Water” vẫn còn đó những vẻ đẹp của những người yếu thế khác. Từ người bạn già đồng tính Giles cho tới cô lao công da đen Zelda đều cho thấy sức mạnh của tình bạn, của sự đồng cảm giữa những thân phận cô đơn. Ấy là những con người nếu nhìn từ bên ngoài sẽ ngỡ rằng họ rất cô đơn, lạc lõng giữa một xã hội hối hả và vẫn tồn tại sự kỳ thị. Để rồi qua góc nhìn của Del Toro, mọi thứ đều trở nên thật đẹp và ấm áp.
“The Shape of Water” có lồng tuyến truyện phụ về gián điệp Liên Xô, tạo cảm giác như một bộ phim James Bond thập niên 1960. Nhưng toát lên trên tất cả vẫn là tinh thần nên thơ, lãng mạn của một phim cổ tích dành cho người lớn.
Bộ phim thực sự chỉ dành cho khán giả trên 18 tuổi, do có những cảnh nhân vật nữ khỏa thân. Song các cảnh phim này không hề mang lại cảm giác dung tục mà được thực hiện một cách đầy nghệ thuật, như một sự thăng hoa tất yếu của tình yêu. Trường đoạn nàng Elisa trần trụi trong làn nước là đỉnh cao của sự lãng mạn và trí tưởng tượng của Del Toro, cho thấy con người làm những điều phi lý, hoang đường nhất để được đắm mình trong tình yêu.
Bộ phim sẽ chẳng thể “đẹp” đến nhường ấy nếu thiếu đi những góc quay nghệ thuật và đặc biệt là phần âm nhạc bay bổng chắp cánh cảm xúc của Alexandre Desplat. Các ca khúc jazz trong phim như “La Javanaise”, “You’ll Never Know” hay “I Know Why”... gợi nhớ về một thời xa xưa với những bộ phim lãng mạn kinh điển. Phần nhạc phim lãng mạn, dập dìu với tiếng piano chủ đạo giúp xua tan đi sự lạnh lẽo của trung tâm nghiên cứu, sự hung bạo của những kẻ mất nhân tính...
Chỉ còn đó tình yêu và trí tưởng tượng thăng hoa. Âm nhạc thăng hoa của Desplat giống như làn nước trong phim, ôm trọn người xem và đưa họ tới thế giới cổ tích đầy hạnh phúc của Elisa và người tình “thủy quái.” Thứ âm nhạc ấy đẹp tựa một bài thơ, về dáng hình của nước:
“Chẳng thể nhận thấy hình dáng của Anh
Em cảm thấy Anh bao bọc quanh em
Sự hiện diện của Anh khiến đôi mắt Em ngập tràn tình yêu
Làm trái tim em thổn thức hạnh phúc
Bởi Anh ở khắp mọi nơi”.
Theo Vietnamplus
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất