03/11/2019 08:18 GMT+7 | Giải trí
(giaidauscholar.com) - Trong danh sách 168 ca khúc thuộc tuyển tập của NASA Moon Tunes dành cho các phi hành gia trong chuyến du hành trở lại mặt trăng vào năm 2024, có thể dễ dàng nhận thấy là phần đa thuộc về những nghệ sĩ huyền thoại, đã qua kiểm chứng của thời gian.
Tuy nhiên, với đúng tiêu chí âm nhạc cho mọi người, tuyển tập cũng bao gồm những cái tên vô cùng quen thuộc trong những buổi tiệc tùng của giới trẻ.
Kết quả lựa chọn cho tuyển tập NASA Moon Tunes mới kết thúc hôm 28/6 vừa qua, do đó, Cơ quan Hàng không và Vũ trũ Mỹ (NASA) đã không bị bỏ lỡ những tên tuổi đang nóng nhất trong làng nhạc và quen thuộc với cả thế hệ 2KX (thập niên 2000). Đó là Ariana Grande, Adele và Daft Punk.
Bước tiến của phụ nữ trong “NASA”của Ariana Grande
NASA sẽ khó mà tìm được ca khúc nào đại diện cho mảng nhạc pop đại chúng phù hợp hơn ca khúc NASA của Ariana Grande, điều đã thể hiện rõ ngay ở cái tên ca khúc cũng như tên nghệ sĩ.
2019 là năm của Ariana. Ở tuổi 25, cô đã phải gánh chịu nhiều nỗi buồn hơn khả năng chịu đựng của thân hình chỉ hơn 1,5m: Ám ảnh về vụ đánh bom khiến 22 người thiệt mạng tại đêm nhạc của cô ở Manchester năm 2017 vẫn chưa nguôi ngoai thì ngay năm sau, cô bị tẩy chay vì bạn trai cũ Malcolm McCormick đột tử, rồi một lần nữa tan nát trái tim khi vụ đính hôn chóng vánh với Pete Davidson sớm trở thành quá khứ.
Nhưng thay vì đổ gục trong đau khổ, Ariana đã biến nỗi đau thành sức mạnh và sáng tạo, thể hiện thành album đanh thép Thank U, Next phát hành vào tháng 2/2019, chưa đầy sáu tháng sau album Sweetener ngọt ngào và đình đám.
Album đã đưa Ariana lên một đỉnh cao mới trong sự nghiệp khi là album pop có lượng stream lớn nhất năm vào thời điểm đó, với ba ca khúc 7 Rings, Breaking Up With Your Girlfriend, I’m Bored, album Thank U, Next có ba ca khúc lần lượt chiếm ba vị trí đầu trên Billboard Hot 100, điều chưa ai từng làm được kể từ The Beatles năm 1964. Giới phê bình cũng đánh giá album rất cao với điểm trên Metacritic lên tới 86/100.
Có thể nói, ở Thank U, Next hội tụ đầy đủ hai yếu tố của một đỉnh cao: chất lượng âm nhạc và câu chuyện phía sau. Nhưng nỗi buồn của một cô gái có liên quan gì tới NASA và mặt trăng? Rất liên quan là đằng khác.
NASA là ca khúc thứ ba trong album, do Ariana viết. Mối liên kết thể hiện ngay ở lời giới thiệu được trình bày bởi Shangela, một nữ hoàng giả trang của Mỹ: “Một bước đi nhỏ của một phụ nữ nhưng là bước nhảy vọt khổng lồ của giới nữ”. Đây là biến thể của câu nói nổi tiếng từ Neil Amstrong, người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng: “Đây là bước đi nhỏ của một con người nhưng là bước nhảy vọt khổng lồ của nhân loại”.
Toàn bộ ca khúc cũng thể hiện đúng tinh thần này (và đó cũng là tinh thần của cả album Thank U, Next), đó là: Dù đang yêu (hay đau khổ vì tình yêu), người phụ nữ vẫn hoàn toàn có thể bước đi độc lập trên đôi chân của mình, tự tìm niềm vui và luôn biết tự yêu mình. Ngoài ra, “Em biết xa cách cũng có lợi/Giống như em là vũ trụ còn anh là NASA”.
Ngay khi ca khúc NASA ra mắt vào tháng 2, NASA đã vô cùng thích thú khoe lên Twitter: “Này Ariana Grande, chúng tôi thấy NASA thành xu hướng sáng nay và đã nghĩ đó là về một trong những khám phá mới của chúng tôi. Nhưng hóa ra đó là vì cô cần chút không gian”.
“Skyfall”với chỉ 10 phút ghi âm của Adele
Giống như NASA, Skyfall của Adele gần như là lựa chọn không thể bỏ qua của NASA.
Skyfall vốn được biết đến là nhạc nền của bộ phim 007 đình đám cùng tên. Trong phim, “skyfall” (bầu trời sụp đổ) cũng là tên dinh thự, nơi lưu giữ ký ức tuổi thơ - thứ định hình nên cả cuộc đời về sau của James Bond.
Ban đầu, Adele đã khá do dự vì luôn là áp lực khi nhận viết ca khúc cho một bộ phim 007. Ngoài ra, “Các ca khúc của tôi luôn rất cá nhân. Tôi viết từ trái tim mình” - Adele hoài nghi với đạo diễn Sam Mendes. Ông đơn giản đáp rằng: “Vậy hãy viết một ca khúc về mình”. Tuy nhiên, là người cầu toàn, Adele đã nghiền ngẫm toàn bộ kịch bản phim và nhất là về Bond trước khi đặt bút viết nhạc.
Thành quả đã bù đắp tất cả. “Khi chúng tôi ghi âm, đó là một trong những khoảnh khắc đáng tự hào nhất của đời tôi. Khi 60 tuổi, tôi sẽ chải tóc phồng và nói với mọi người rằng, tôi trước đây từng là một cô gái của Bond. Chắc chắn đấy” - Adele nhớ lại. Với tình cảm dâng tràn, cô cũng chỉ mất có 10 phút để hoàn thành phần lớn bản thu âm!
Daniel Craig - người thủ vai 007 trong phim - đã bật khóc khi lần đầu nghe ca khúc. Sẽ có nhiều người đồng cảm với anh và đó cũng là điều tất yếu: cái gì tới từ trái tim sẽ đến với trái tim nhanh nhất và ai cũng có thể tìm thấy mình trong lời bài hát: “Hãy cứ để bầu trời sụp đổ/ Khi nó vỡ vụn/ Chúng ta sẽ đứng thẳng hiên ngang/ Cùng nhau đối mặt với tất cả”.
Đây cũng chính là hình ảnh của Adele trong năm nay. Sau nhiều lần chết đi sống lại vì tình, Adele có lẽ đã phải trải qua cú sốc nặng nhất khi chính thức ly hôn vào tháng 9 vừa qua. Tuy vậy, hiện có tin đồn cô đã vực dậy, hạnh phúc bên bạn trai mới là Skepta và chuẩn bị ra album mới vào cuối năm nay, sau bốn năm ngắt quãng.
Thành tích của Skyfall cần nhiều trang giấy để liệt kê hết nhưng tình cảm nó để trong lòng người nghe mới là điều vô cùng. Dù trời có sụp xuống, chúng ta vẫn sẽ đứng vững hiên ngang. Quả là thông điệp tuyệt vời cho mọi người, nhất là các phi hành gia.
Đối thoại thật trên Apollo 17 của Daft Punk
Ngay khi NASA thông báo về tuyển tập NASA Moon Tunes, đông đảo người hâm mộ Daft Punk đã lên tiếng kêu gọi bình chọn cho bộ đôi vì “Còn ca khúc nào xứng đáng lên mặt trăng hơn là Contact của Daft Punk”?
Kết quả còn hơn cả mong đợi của mọi người: Bên cạnh Contact,Around The World của Daft Punk cũng lọt vào danh sách. Một thành tích không hề nhỏ giữa mênh mông âm nhạc trên toàn thế giới. Vậy, có điều gì đặc biệt ở đây?
Contact nằm trong album phát hành năm 2013 -Random Access Memories. Ở ngay đầu ca khúc, có thể nghe thấy một phi hành gia đang nói về một vật thể lạ. Trên thực tế, Daft Punk thật sự đã gửi yêu cầu xin một bản ghi trên vũ trụ từ NASA và NASA đã gửi cho anh trích đoạn từ chính nhiệm vụ Apollo 17!
Người nói trong ca khúc là Gene Cernan, chỉ huy tàu Apollo 17, khi anh cùng với các phi hành gia là Jack Schmitt và Ronald Evans đang trên đường tới mặt trăng vào tháng 12/1972. Rất tiếc, vật thể lạ Cernan đề cập nhiều khả năng chỉ là một mảnh tên lửa S-IVB.
Tất nhiên, không phải chỉ vì một đoạn nói ngắn của Cernan mà Daft Punk được lựa chọn. Cần phải nói tới chất lượng âm nhạc của phần còn lại và tiếng tăm của bộ đôi trên thế giới. Random Access Memories đã đứng đầu Billboard 200 năm đó, đồng thời đứng đầu BXH ở hơn 25 quốc gia khác. Album nhận được sự khen ngợi hết lời từ giới phê bình với điểm Metacritic lên tới 87/100 và đạt vô số giải thưởng lớn, trong đó có nhiều giải Grammy. Riêng Contact, đây là ca khúc Daft Punk đặc biệt muốn gợi không gian về vũ trụ.
Around The Wold, tương tự, cũng là hit lớn. Lời bài hát, với duy nhất một câu, là “vòng quanh thế giới”, do robot hát đi hát lại. Nhà khoa học máy tính Colin Morris đã phân tích 15.000 hit trên Billboard Hot 100 về tính lặp lại và cho thấy đây là ca khúc lặp đi lặp lại nhiều nhất. Nhà phê bình Michel Gondry thì nhạc nhiên vì sự đơn giản và thiên tài của ca khúc. Nó chỉ dùng có năm nhạc cụ, rất ít mẫu âm và cứ lặp đi lặp lại, nhưng lại sáng tạo và gây hứng phân bất ngờ.Năm 2011, NME đã xếp nó đứng thứ 21 trong danh sách “150 ca khúc hay nhất 15 năm qua”.
Những ca khúc làm ai cũng muốn nhún nhảy, mang hơi hướng không gian và lại có giọng của một phi hành gia (hoặc robot như trên các tàu không gian), chẳng phải đó chính là sựa lựa chọn hoàn hảo cho NASA Moon Tunes?
(Còn nữa)
Thư Vĩ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất