14/12/2017 18:15 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Nếu như giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là nhu cầu cấp thiết đưa đến đề xuất phải xây dựng Luật ngôn ngữ Việt Nam, thì sự phát triển hài hòa và bình đẳng ngôn ngữ của các dân tộc được đánh giá là một trong những nội dung cơ bản không thể thiếu của đạo luật này.
Đây cũng là vấn đề được GS.TS Nguyễn Đức Tồn, nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, đặt lên hàng đầu trong những đề xuất chi tiết đúc rút sau 15 đề tài nghiên cứu cấp Bộ về việc xây dựng Luật ngôn ngữ Việt Nam.
Cần phát triển bình đẳng và toàn diện ngôn ngữ
Đề cập đến vấn đề xây dựng Luật Ngôn ngữ ở Việt Nam hiện nay,GS.TS Nguyễn Đức Tồn cho rằng, trước hết, trong phần Mở đầu của Luật cần khẳng định đạo luật nhằm tạo điều kiện để bảo tồn và phát triển bình đẳng ngôn ngữ các dân tộc ở Việt Nam.
Cụ thể, ông dẫn giải: “Đạo luật ngôn ngữ của nước ta cần phải đảm bảo tạo mọi điều kiện cho sự phát triển bình đẳng và toàn diện, cho sự bảo toàn tiếng mẹ đẻ, đảm bảo quyền tự do lựa chọn và sử dụng ngôn ngữ giao tiếp cho mỗi dân tộc và mỗi công dân Việt Nam”. Theo đó, luật ngôn ngữ ra đời cần có những điều khoản mang tính dân chủ cao.
Và tiếng Việt, theo GS.TS Nguyễn Đức Tồn,là “ngôn ngữ quốc gia”, “phương tiện giao tiếp chung giữa các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam”, “Nhà nước cần yêu cầu công dân học ngôn ngữ này, quan tâm và bảo vệ nó, tích cực sử dụng trong hoạt động nói, viết và sáng tác”. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định: "Phát triển tiếng Việt nhưng không được lấn át quyền ngôn ngữ của các dân tộc khác”.
“Việt Nam có 54 dân tộc tương ứng với 54 nền văn hóa. Mỗi dân tộc một ngôn ngữ, một nền văn hóa riêng" - GS.TS Nguyễn Đức Tồn nói - "Ngôn ngữ là một thành tố của văn hóa, sự phát triển hài hòa về ngôn ngữ, văn hóa sẽ dẫn đến đảm bảo quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Đây là điều kiện quan trọng góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc”.
Luật muốn nghiêm phải có chế tài
Quay trở lại vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, GS.TS Nguyễn Đức Tồn nhận định: “Chúng ta phải phân biệt haiphạm vi giao tiếp sử dụng tiếng Việt: quy thức và phi quy thức. Hiện nay, những hiện tượng vi phạm chuẩn mực và sự trong sáng của tiếng Việt, như người ta vẫn thấy, thường chỉ trong phạm vi giao tiếp phi quy thức, tức là trong văn phong không chính thức mà nhiều nhất là ở 'biệt ngữ' của giới trẻ. Môi trường giao tiếp quy thức đôi khi cũng xảy ra nhưng không điển hình”.
Ông bổ sung thêm: “Không nên vì một vài trường hợp sử dụng không đúng, không chuẩn mà có sự đánh giá tiêu cực về tiếng Việt, bởi trên thực tế, trong phạm vi giao tiếp quy thức việc sử dụng tiếng Việt vẫn rất tốt. Bên cạnh đó, tiếng Việt đang phát triển nhanh chóng cả về lượng và chất, đủ khả năng đáp ứng tốt nhu cầu giao tiếp của xã hội”.
Trong số những đề xuất của GS.TS Nguyễn Đức Tồn có nhắc đến việc thành lập một cơ quan quản lí nhà nước về ngôn ngữ và văn tự, tránh tình trạng “thả nổi”, “mạnh ai nấy làm”. Cơ quan này có chức năng quản lí, điều hành thống nhất về mọi hoạt động ngôn ngữ và xây dựng chữ viết cho các dân tộc thiểu số trong cả nước, đồng thời hỗ trợ Chính phủ đào tạo cán bộ nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa dân tộc thiểu số, giáo viên song ngữ.
GS.TS Nguyễn Đức Tồn khẳng định:“Luật Ngôn ngữ muốn nghiêm thì phải có chế tài”. Ông cho rằng luật ngôn ngữ chỉ chế định phạm vi giao tiếp quy thức kèm theo đó là phạm vi chế tài. Mức chế tài có thể tăng dần từ nhắc nhở, phê bình, cảnh cáo, đến phạt kinh tế.
“Luật ngôn ngữ không điều chỉnh việc sử dụng ngôn ngữ trong phạm vi giao tiếp cá nhân hay trong hoạt động của các tổ chức tôn giáo, tổ chức xã hội”, GS.TS Nguyễn Đức Tồn nhấn mạnh. “Do đó trong những phạm vi giao tiếp không chính thức này, giải pháp tốt nhất là giáo dục và khuyến khích người dân lấy Luật ngôn ngữ làm quy chuẩn để điều chỉnh hoạt động giao tiếp như một cách thể hiện ứng xử của người có văn hóa”.
“Một khi trình độ dân trí cao thì ranh giới giữa các phạm vi giao tiếp quy thức và phi quy thức sẽ mờ dần, nói ở đâu cũng bằng thứ ngôn ngữ chuẩn mực”, GS.TS Nguyễn Đức Tồn kết luận.
Luật ngôn ngữ không ngăn cản những cách sử dụng sáng tạo tiếng Việt Theo GS.TS Nguyễn Đức Tồn, muốn giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt không gì hiệu quả hơn bằng Luật ngôn ngữ. “Nhiệm vụ quan trọng bây giờ là phải xây dựng luật ngôn ngữ để đảm bảo cho việc sử dụng tiếng Việt đi vào nề nếp, chuẩn mực, trong sáng, từ đó hiệu quả giao tiếp được nâng cao. Công tác tuyên truyền, vận động phong trào giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt tuy đã có tác dụng tốt, song sẽ tốt hơn nữa, có hiệu quả cao hơn nữa khi có luật ngôn ngữ và biện pháp bảo đảm việc thực thi pháp luật nghiêm minh”. “Luật ngôn ngữ không ngăn cản những cách sử dụng sáng tạo tiếng Việt, làm cho tiếng Việt ngày càng hoàn thiện và phát triển mà chỉ ngăn chặn những hành vi làm tổn hại, vẩn đục tiếng Việt. Cũng như bao đạo luật khác, Luật ngôn ngữ khi được ra đời và vận hành trong thực tiễn, tất nhiên cũng sẽ có sự cải cách, sửa đổi nếu có những điểm lỗi thời và không còn phù hợp”. |
(Kỳ 8: “Bài toán” chính sách cho ngôn ngữ)
Hà My
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất