14/02/2014 09:03 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Người đàn ông với mái tóc bạc dài chấm vai, nụ cười và cả ánh mắt rất buồn ấy không còn thực hiện những màn múa rối tay đã từng khiến ông nổi tiếng khắp thế giới ở quảng trường Navona nữa. Một biến cố lớn ở Roma đã buộc ông phải đưa ra quyết định từ bỏ những show diễn đã gắn bó với ông trong gần 20 năm. Nhưng Marcel không rời Navona. Bởi vì ông vẫn đang chờ. Chờ một cô gái Việt Nam.
Khi tôi viết những dòng đầy xúc động cho ông trong cuốn sách đầu tay Nước Ý, câu chuyện tình của tôi (xuất bản năm 2012), Marcel chưa bỏ diễn. Người nghệ sĩ đường phố đã luôn đứng đó, phía trước đài phun nước Moro ở một góc Navona, quảng trường lớn nhất của thủ đô nước Ý.
Tại cái sân khấu nhỏ là một mặt thùng gỗ, với ánh sáng trắng do hai chiếc đèn neon tạo ra, vây quanh bởi một đám đông khán giả đông đúc mà chủ yếu là du khách và trẻ con, những khán giả luôn thay đổi hàng đêm, thậm chí hàng giờ, bởi những buổi diễn rất ngắn, chỉ chừng 7 phút, ông diễn những show của đời mình.
Những nhân vật trong gần 20 năm diễn rối tay ở Navona của ông không đổi, trong đó có hề Charlot và cả Michael Jackson, trong điệu nhảy moonwalk huyền thoại. Ông cũng không đổi, trừ việc tóc thêm bạc hơn, nụ cười thêm buồn hơn và xa xăm hơn. Chỉ có những ngón tay mặc quần áo nhân vật cứ thế thoăn thoắt như đang bay trên sân khấu của ông trong những phân đoạn nhỏ mà Michael Jackson lượn qua sân khấu và Charlot tỏ tình với người mà anh yêu mến. Tình yêu, yêu trong tuyệt vọng, là thông điệp mà ông gửi đến cho tất cả trên những ngón tay, trong những bản nhạc ngắn ngủi.
Nhưng những câu chuyện mà báo chí viết về ông, cũng như sau này, khi rất nhiều lần nói chuyện với tôi cả buổi, lúc tôi đã trở lại Italy, đều khẳng định ông diễn rối tay vì một lí do khác: một cuộc tình kết thúc trong chờ đợi. Như trong câu chuyện cổ tích, ông gặp một cô gái khi ông không còn trẻ nữa, và đã là người tự do khi cuộc hôn nhân kết thúc.
Tình yêu ấy sưởi ấm đời ông. Ông đem lòng yêu người ấy, và rồi, khi câu chuyện bỗng nhiên kết thúc, cô bỏ đi. Ông hứa với cô, rằng ông sẽ biểu diễn rối tay ở đây, quảng trường Navona, nơi họ gặp nhau lần đầu tiên, để chờ cô quay lại. Ông gọi tên cô gái ấy là "Pettinino" (Cái lược nhỏ), bởi cô gái ấy luôn cài một cái lược nhỏ ở sau mái tóc.
Mối tình lãng mạn và sự chờ đợi trong bao năm tháng ấy càng làm cho ông trở nên nổi tiếng. Người ta nhắc đến một bài hát phổ thơ ông sáng tác năm 1998 với tựa đề "Cuộc đời trên những ngón tay". Bài thơ đọc rất xúc động, có đoạn viết: Anh đi giữa bao người/Anh nghĩ đã nhìn thấy em/Em biến mất và xuất hiện ở đó/Xuất hiện và biến mất/Ánh trăng chầm chậm soi quảng trường Navona/Một cuộc đời trôi giữa những ngón tay anh.
Sau này, người nghệ sĩ kể với tôi: "Tôi đã chờ cô gái ấy. Tất cả các đêm. Kể cả những đêm rất lạnh. Tôi vẫn chờ. Bạn bè tôi họ đã nói lại rằng có thể cô ấy đã đến Navona ba bốn lần gì đó. Có thể thế. Bản thân tôi thì không hề biết. Tôi không thấy cô ấy. Mà tôi biết được do một người bạn của tôi kể lại cho tôi biết. Cô ấy đã đến, đứng nhìn tôi từ đằng xa và xem tôi diễn. Sau đó cô bỏ đi, không nói một lời. Biết vậy, tôi đã rất buồn và thất vọng".
Hai năm trước, ngày mà Marcel bỏ rối tay để phản đối việc chính quyền thành phố Roma ra quy định hạn chế hoạt động của những nghệ sĩ đường phố tại các quảng trường chính của thủ đô, những người hâm mộ ông bị sốc.
Báo chí Ý viết về ông với sự tiếc nuối. Truyền hình quốc gia RAI đến tận nơi để quay buổi diễn và phỏng vấn ông. Đấy là tháng 4/2012. Một buổi diễn lúc 5 giờ chiều, vẫn ở chỗ quen thuộc bao năm qua ông vẫn đứng, bất chấp khả năng sẽ bị phạt, vì giờ đó, người ta cấm các nghệ sĩ biểu diễn. Khi Marcel bắt đầu buổi diễn, nhịp sống trên quảng trường như ngừng lại. Các nghệ sĩ đường phố từ khắp nơi ở Roma và nước Ý đến dự. Hàng trăm khán giả có mặt.
Số khán giả ấy lớn chưa từng có với một buổi diễn trước kia của ông. Họ đến để chia tay ông và chia tay những màn múa rối đã từng làm nên một phần lịch sử của Navona hiện đại. Lũ trẻ con viết thư cho ông bảo ông đừng bỏ diễn. Một thỉnh nguyện thư với hàng nghìn chữ kí được gửi lên Tòa thị chính Roma đòi cho phép Marcel hoạt động trở lại. Vô ích. Những con rối vải bị cất đi. Những bản nhạc quen thuộc và ngắn ngủi ở một góc Navona tối tối trong gần 20 năm liên tục giờ không vang lên nữa. Người nghệ sĩ mặc áo vàng từng làm bạn với biết bao người cũng thôi chuyển động với những ngón tay. Navona mất đi linh hồn của nó.
Cả thế giới đều biết rằng Marcel ở Navona biểu diễn rối tay để đợi chờ một người con gái. Người ấy đi mãi, đến giờ không trở lại. Nhưng việc ông thôi không diễn nữa, dù với bất cứ lí do gì, có đồng nghĩa với việc ông không chờ đợi được thêm nữa? Tình yêu lãng mạn và sự chờ đợi đã từng giúp ông có động lực để tiếp tục biểu diễn rối tay ở Navona, biến ông trở thành một biểu tượng của quảng trường, nhưng nó cũng khiến cho ông héo hon mòn mỏi. Ông vẫn là "The lord of the fingers" (Chúa tể của những ngón tay) trong mắt bao người. Ông vẫn là một biểu tượng của Navona. Ông vẫn còn yêu, nhưng sau biết bao năm đợi chờ, ông không còn muốn sự chờ đợi ấy khiến cho mình ngày càng trở nên tuyệt vọng. Ông bảo: "Tôi đã chờ đợi cô ấy trong biết bao nhiêu năm. Nhưng đến một lúc, tôi hiểu là mình không thể chờ đợi mãi được nhữa. Tôi phải sống và cuộc sống của tôi phải tiếp tục. Không thể khác được”. Khi nhận ra điều ấy, ông đã bước qua tuổi 65...
Nhưng Marcel sống trên quảng trường Navona, gắn bó với nó trong bao nhiêu năm cuộc đời. Ông bỏ múa rối tay, nhưng ông không bỏ Navona. Là một nghệ sĩ đa tài, ông đã vẽ tranh từ lâu, đã từng có một triển lãm tranh, và giờ ông có một giá bán tranh do ông vẽ ở Navona. Những bức tranh vẫn theo chủ đề về tình yêu đôi lứa như ngày xưa ông múa rối tay, vẫn vẽ hề Charlot đang yêu trong hy vọng và vô vọng, như chính ông một thời, trên cái sân khấu nhỏ với ánh đèn yếu ớt ở Navona.
Những nét vẽ nguệch ngoạc, nhưng giản dị và trong sáng. Cũng như Charlot, ông đã yêu và bây giờ đang yêu. Charlot yêu một cô gái nghèo trong phim. Marcel yêu một cô gái lãng mạn trong đời thực. Cô có thật. Cô yêu ông vì vẻ đẹp tâm hồn ông, vì ngưỡng mộ tình yêu của ông, vì câu chuyện đời ông. Cô muốn bay qua cả vạn dăm xa cách để đến với ông. Mối tình cũ khiến ông mòn mỏi vì đợi chờ thì câu chuyện tình mới khiến ông như sống lại. Ông cười nhiều hơn, vui vẻ hơn, mắt sáng long lanh. Ông bảo: “Bây giờ, tôi không còn bận rộn như xưa, nhưng cuộc sống của tôi không vì thế mà kém lãng mạn đi. Nhờ cô ấy".
Điều khiến tôi ngạc nhiên và xúc động chính là tiết lộ của Marcel: người con gái ông đang yêu là một cô gái trẻ người Việt. Cô gái ấy biết đến ông và câu chuyện tình buồn của đời ông chính là nhờ đã đọc cuốn Nước Ý, câu chuyện tình của tôi. Thế rồi, khi tôi trở lại Ý cho nhiệm kì phóng viên thường trú thứ 2 tại đây, đến Navona, gặp lại ông, chúng tôi chụp chung tấm ảnh và đưa lên Facebook của cả hai. Cô gái trẻ là một người theo dõi Facebook của tôi. Và thế là...
Phần còn lại là một câu chuyện tình được kết nối bởi một cuốn sách, một mạng xã hội và hai trái tim ở cách xa nhau hơn một vạn dặm bay và 6 múi giờ. Bây giờ, họ chat với nhau hàng đêm và đã lên kế hoạch gặp nhau, hoặc ở Việt Nam, hoặc ở Ý, đất nước của tình yêu. Ông nói với tôi: “Nếu cô ấy có thể đến đây, tôi sẽ chở cô ấy trên một chiếc xe máy đi khắp Roma như trong phim "Kì nghỉ ở Roma". Sẽ rất tuyệt vời. Tôi sẽ nhảy với cô ấy trên quảng trường này, ôm cô ấy trong tay, và cuối cùng ghé vào tai cô, nói câu "Anh yêu em" bằng tiếng Việt".
Sáu năm trước, tôi đã đến Ý và trở thành khán giả trong những buổi múa rối tay của ông. Khi trở lại Việt Nam, tôi đã viết một cuốn sách cho những ai "đã, đang và sẽ yêu Italia". Nhưng quả thật, tôi chưa bao giờ mình nghĩ rằng, cuốn sách sẽ trở thành cầu nối cho những con người cụ thể của hai nước tìm đến nhau, bằng ngôn ngữ của trái tim. Câu chuyện của họ sẽ đi đến đâu, tôi không biết và cũng không muốn biết, nhưng cảm thấy từ mối tình ấy, cuộc đời luôn đẹp, khi ta còn biết yêu, và tuổi tác khi ấy chẳng có nghĩa lí gì nữa.
Marcel đã mỏi mòn chờ trông trong bao năm và rồi tuyệt vọng. Người ông đợi không bao giờ quay lại. Và người ông không hề biết trước kia nay bỗng xuất hiện và yêu ông theo một cách đầy cổ tích, để rồi bây giờ, họ chờ đợi nhau trong hạnh phúc và hy vọng. Cô gái Việt ấy có một cái tên, có một gương mặt, có một câu chuyện dài để kể về tình yêu của cô với ông. Nhưng tôi vẫn muốn giữ kín cái tên ấy như một sự huyền ảo, và muốn để những bức tranh mà ông đang vẽ kể lại câu chuyện tình của họ.
Ngày trước, ông thể hiện tình yêu và sự chờ đợi bằng những ngón tay. Bây giờ, ông yêu và chờ đợi bằng những bức tranh. Trong những bức tranh ấy, hề Charlot đang cười. Chàng hạnh phúc...
Trương Anh Ngọc (Phóng viên TTXVN tại Italy, từ Roma)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất