Góc Anh Ngọc: Khi Seedorf vẫn tiếp tục gieo hạt

04/03/2014 17:44 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Bây giờ, ở nước Ý, người ta không nói đến việc Juve có đoạt Scudetto thứ 3 liên tiếp hay không nữa, mà chủ yếu là sẽ vô địch vào thời điểm nào, trước mấy vòng.

Câu hỏi về Juve giờ đã xong. Chỉ còn những câu hỏi bỏ ngỏ, không phải về số phận của Roma hay Napoli: cuộc cách mạng của Thohir sẽ ra sao, và Milan Seedorf sẽ đi xa đến đâu. Hôm nay, ta nói đến Milan trước.

Khi Clarence Seedorf rời sân lúc trận đấu kết thúc, không ít khán giả trên sân San Siro đã nán lại vỗ tay anh. Cả Conte, HLV của phía chiến thắng cũng ra bắt tay người bạn-kẻ đối địch trong cả một chặng đường sự nghiệp cầu thủ và bây giờ, trên băng ghế huấn luyện. Milan không chiến thắng, nhưng họ đã tạo nên trận đấu, đã chơi một thứ bóng đá đỉnh cao trong suốt gần một tiếng, cho đến khi bắt đầu kiệt sức.

Milan chơi trận đấu hay nhất trong năm và trong thời Seedorf, nhưng họ thiếu quá nhiều điều để có thể chiến thắng, và sau đó, mở ra một bước ngoặt quan trọng như trước trận vị HLV trẻ người Hà Lan đã từng mong muốn. Không phải chỉ thiếu vài cm trong những pha dứt điểm của Poli hay Kaka. Thiếu nhiều hơn thế.

Từ một năm nay, Milan đã không còn thắng được những đội bóng lớn từng là đối thủ của họ trong những trận chiến được chờ đợi nữa. Hai trận thua trước Juve, theo những hoàn cảnh khác nhau, trận lượt đi, dưới tay Allegri là thua toàn diện, trận lượt về, dưới tay Seedorf, đá tốt hơn, nhưng cùng là thất bại, cho thấy sự khác biệt quá lớn về mặt kĩ thuật và cả đẳng cấp với Juve.

Sự khác biệt ấy không thể tính được bằng điểm số (hiện Milan cách Juve 34 điểm), mà thể hiện bằng cái cách mà Milan đã thua Juve ở San Siro kể cả khi chơi hay hơn, nhanh hơn, bằng áp lực dồn dập trong suốt hiệp 1. Những gì Milan đã chứng tỏ trong trận đấu với Juve, cũng như với Atletico Madrid trước đó cho thấy, Milan đã đánh mất cái chất lì lợm của một đội bóng lớn mà trước kia họ đã từng. Milan đã tấn công một Juve không ở thể lực tốt nhất và không chơi như trong các trận đấu lớn trước đó theo cái kiểu hăm hở của một đội bóng tỉnh lẻ.

Không có Balotelli không phải là lí do cho việc không có bàn thắng. Không có một người như Tevez hay một người như chính Seedorf ngày xưa ở giữa sân để tạo một chỗ dựa về mặt tâm lí và chiến thuật mới là vấn đề. Xem Milan đá, vẫn cảm thấy gờn gợn về sự phối hợp giữa từng nhóm cầu thủ, về việc họ vẫn phòng ngự như những gã nghiệp dư, về việc họ đã đâm đầu vào những hàng thủ ở Serie A, từ yếu kém nhất cho đến mạnh nhất nhì và rồi bị đánh bật trở lại, bị đối phương chờ đợi họ mắc sai lầm và tung ra những đòn chết người.

Rõ ràng, Milan của Seedorf bây giờ đã khác thời điểm mà họ bị một đội gần cuối bảng như Sassuolo chọc thủng lưới đến 4 bàn, đã “biết đá” hơn, nhưng tất cả đều nhìn thấy là Seedorf vẫn đang khó khăn với việc tạo ra cho Milan một cơ chế điều chỉnh nhịp độ, kiểm soát bóng, hỗ trợ phòng ngự và tổ chức tấn công từ tuyến hai.

Nhưng dù sao, người ta có thể nhìn thấy ở Milan sự tiến bộ. HLV người Hà Lan đã thổi một luồng sinh khí mới vào các học trò, và sự tiến bộ ấy có thể nhìn thấy qua từng trận, ít nhất là ở mặt tinh thần (nhưng sự xuống sức ở hiệp 2 là một vấn đề lớn, và cơ chế kiến tạo ghi bàn đang trục trặc). Từ việc chuyển sơ đồ 4-2-3-1 khiên cưỡng và thiếu khả năng che chắn cho hàng thủ sang 4-4-1-1 với Kaka đá ngay phía sau trung phong cắm cùng sự bùng nổ của Taarabt và Poli, Milan đã thay đổi một phần bộ mặt của mình.

Bây giờ, với Seedorf, mọi kết quả, dù thắng, thua hay hòa đều là những bài học lớn cho anh trong việc tái thiết đội bóng không chỉ ở phần xác, mà chủ yếu là ở phần hồn của nó. Sau trận thua Juve, anh bảo: “Tôi vẫn đang gieo hạt”. Người ta hiểu anh nói gì. Seedorf đang xây nên một Milan mới từ những thất bại theo kiểu này, và vị trí của đội không hề được cải thiện, với giấc mơ Châu Âu xa dần, nhưng ít ra, cũng đã nhen nhóm một chút hy vọng.

Trên thực tế, nếu Seedorf đang gieo hạt, thì người hâm mộ và cả giới chuyên môn đang nóng lòng chờ đợi vụ mùa chín sớm. Tháng 3 là tháng tất cả mong ngóng kết quả: Milan sẽ đá 4 trận sân khách, 3 ở Serie A với Udinese, Lazio và Fiorentina, 1 ở Champions League với Atletico. Ngoài ra, họ có hai trận sân nhà, 1 với Parma đang lên chân và 1 trận (có lẽ) dễ thở hơn, khi đối thủ chỉ là Chievo đang ngụp lặn phía dưới bảng xếp hạng.

Điều gì sẽ xảy ra, nếu tháng 3 tiếp tục là một tháng đen tối, với những thất bại tiếp nối nhau? Chẳng có vấn đề gì cả. Đấy không phải là thảm họa, vì cả mùa này đã là một thảm họa rồi. Nhưng các milanista vẫn hy vọng và chờ đợi. Trong lịch sử của đội bóng đỏ đen, đã từng bao lần họ đỏ ít và đen nhiều như thế này rồi…

Trương Anh Ngọc (Phóng viên TTXVN tại Italy, từ Roma)

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm