Góc Anh Ngọc: Trong câu hát "Show must go on"…

02/07/2012 14:23 GMT+7 | Ăn, ngủ cùng Euro

(TT&VH) - Cảm giác nghẹn ngào xuất hiện khi Adam Lambert bắt đầu ca lên những lời đầu tiên của "Show must go on" (tạm dịch: Buổi diễn phải được tiếp tục) và mái tóc bạc như cước của Bryan May cùng xuất hiện với cây guitar trên những màn hình lớn của khu fanzone. Cảm giác ấy như lan truyền trong hàng vạn người đứng chật khu quảng trường trung tâm Kiev một ngày trước trận chung kết.


Chùm ảnh về show diễn của Queen

1. Đấy là lúc show diễn của Queen trước công chúng Ukraina sắp kết thúc. Không biết đến bao giờ, họ và những cảm giác họ mang đến cho tất cả, mới trở lại...

...Elton John đã biểu diễn trước đấy hơn một tiếng, hát những bản kinh điển của một thời đã làm hàng triệu người say mê theo ông, nhưng âm hưởng của buổi biểu diễn ấy không lan tỏa và vang xa như những tiếng hát của các thành viên Queen, giờ đã mập hơn, tóc đã bạc hết, nhưng ánh mắt thì vẫn sáng như thế, như thuở vẫn còn Freddy Mercury. Khi những hình ảnh của Freddy xuất hiện trong khoảnh khắc của bản ballad bất hủ anh đã hát trước khi chết vì AIDS vào năm 1991, cả quảng trường một lần nữa nghẹn lại và nhớ người anh hùng của một thứ âm nhạc đã đi cùng họ qua bao nhiêu thế hệ.

Adam Lambert không phải và không bao giờ là Freddy. Anh trẻ hơn nhiều. Giọng anh không mạnh mẽ như Freddy. Cái nhìn của anh không sắc lạnh và bất cần đời để cháy mình trong từng câu hát như Freddy. Nhưng mỗi câu hát anh cất lên, mỗi bài hát anh thực hiện, mỗi cử chỉ của anh trên sân khấu đều gợi lại những ấn tượng hết sức mạnh mẽ về một con người đã sống hết mình, đã cháy bùng trong mỗi ca từ, lúc đam mê yêu cuộc sống đến tận cùng, lúc bế tắc và phá phách vì cô đơn và bất lực trước cuộc đời, để rồi cuối cùng cái chết của anh là một bi kịch.

Hơn 20 năm đã qua rồi, Freddy và tinh thần của anh vẫn sống mãi với tất cả. Sống như chưa từng được sống. Và sống ngay cả sau khi đã chết về thể xác. Như Freddy.


Quảng trường Maidan đã ngập tràn nỗi đam mê như thế, một ngày trước trận chung kết. Không có sự hạ màn nào cho một giải đấu vốn đã đem đến cho hàng triệu triệu người hâm mộ những cảm xúc lớn lao bằng một đêm diễn như thế.

Trước Queen, Elton John đã hát và đôi khi người ta cảm thấy trong ông sự hoài niệm về chính mình. Ông không còn trẻ nữa. Nhạc của ông cũng đầy hoài niệm như ánh mắt của chính ông, trong lần trở lại biểu diễn sau 5 năm. Nhưng người ta vẫn đu đưa theo nhịp của những "Sacrifice" hay "Sad Song".

Freddy Mercury thì khác. Anh không còn hát nữa, nhưng hồn nhạc của anh vẫn tồn tại trong những "Love of my life", "Bohemian Rhapsody", "We are the champions"... mà các đồng đội của anh đã hát trong đêm Maidan. Bryan May và Roger Taylor đã già, nhưng những ngón nhạc của họ thì gần như vẫn thế. Maidan không phải Wembley như ngày nào họ diễn ở đó, không phải những sân vận động lớn với hàng vạn người đứng chật cứng, hát theo ở những nơi khác trong thế giới Phương Tây, nhưng tinh thần của âm nhạc không bao giờ thay đổi. Giữa những ông bố cho con ngồi lên cổ, giữa những cánh tay giơ lên, những ánh mắt đầy ngưỡng mộ và xúc động, những nụ hôn rất dài trao nhau của các đôi trai gái trong tiếng nhạc của một đêm hội hết sức đặc biệt, ẩn hiện sự tiếc nuối.



Tất cả hiểu rằng sau đêm Elton John- Queen và đêm chung kết, sẽ không còn EURO nữa, và không thể nào biết được khi nào giải đấu ấy sẽ trở lại đất nước đẹp đẽ nhưng đầy mâu thuẫn nội tại này.

Một thế hệ nữa, hay hai thế hệ nữa, sau khi chúng ta đã chết đi, EURO mới trở lại, và liệu tinh thần của Freddy có còn tồn tại đến ngày ấy hay đã tàn lụi? Nhưng tinh thần "Respect" (tôn trọng, khẩu hiệu chống phân biệt chủng tộc của UEFA) sẽ vẫn tồn tại. Cả "Fair-play" (chơi đẹp). Cả tình yêu và nỗi đam mê với bóng đá nữa. Hẳn rồi.



2. EURO 2012 là một cơ hội tuyệt vời để Ukraina quảng bá hình ảnh của mình ra thế giới. Họ đã thành công lớn lao về mặt tổ chức và tạo ra những ấn tượng tốt trong lòng những ai đã đến. Nhưng buổi biểu diễn của Elton John và Queen lại là một cơ hội tuyệt vời cho chính giới trẻ Ukraina hòa nhập gần hơn nữa với thế giới Phương Tây mà họ thèm khát.

1/4 thế kỉ sau ngày Scorpions hát "Wind of change" (Làn gió đổi thay) và bức tường Berlin sụp đổ, những đổi thay thực sự đang diễn ra trên đất nước này, nhưng không quá khó để nhận ra sự giằng xé giữa những thế hệ và tư duy đang diễn ra một cách mạnh mẽ và đầy nhức nhối.

Lớp trẻ khao khát đón nhận những gì tinh túy nhất mà Phương Tây đem lại, và việc gia nhập thế giới EU vẫn kéo dài mãi bởi bị giằng co trong cuộc chiến Đông-Tây. Khi họ nuốt lấy từng lời của Elton John và Queen, có lẽ hồn của những thanh niên đứng ngập quảng trường Maidan ấy hoặc đang trở về những ngày tháng lịch sử của đất nước hơn 20 năm trước mà nhiều người trong số họ lúc đó còn rất trẻ hoặc chưa sinh ra, hoặc đang hướng về trước, đến một cuộc sống khác, cởi mở, giàu có của chủ nghĩa tiêu thụ. Sự tiếp nhận của lớp trẻ đối với thế giới ấy luôn có, đã có, và họ biến buổi biểu diễn của những huyền thoại kia thành một cuộc vui lớn cho chính niềm hy vọng của họ. Xe hơi, cuộc sống sung túc, McDonald's, âm nhạc. Văn hóa, lối sống, tư duy. Tất cả...

Nhưng Elton John và Queen đến đây còn vì một sứ mệnh khác: cuộc chiến chống AIDS. Buổi biểu diễn miễn phí này để đưa ra những thông điệp chống AIDS. Sự cởi mở quá mạnh mẽ như một nhu cầu, một khát khao quá lớn trong việc đi ra thế giới khi bức tường Berlin sụp đổ song hành với cách sống tình dục truyền thống của họ đã khiến 1,6% số người lớn Ukraina nhiễm HIV/AIDS, tỉ lệ cao nhất châu Âu. Cái giá của sự cởi mở không bao giờ rẻ. Kể cả tự do yêu. Đêm Maidan, Bryan May đã hát bản ballad kinh điển "Too much love will kill you".



Khi đêm diễn kết thúc, đồng hồ đã chỉ nửa đêm. Pháo hoa bắn lên đỏ trời Kiev phía trên khu trung tâm rộng lớn. Những nụ hôn lại được trao, dài như cả thế kỉ. Những đôi chân vẫn nhảy trên đường phố ngổn ngang vỏ chai bia. Những đôi mắt đẹp vẫn chưa thôi ngước lên màn hình sau 4 tiếng liên tục sống trong cảm xúc hạnh phúc và khao khát tột cùng. Khao khát yêu mãnh liệt đến mức đôi khi vật vã trong cô đơn như Freddy đã ca trong những bản ballad của mình. Khao khát ra thế giới mới trong hy vọng đổi đời như hàng vạn sinh viên đã trả lời phỏng vấn trong một cuộc điều tra xã hội học là họ muốn bỏ nước ra đi để kiếm tìm vận may, sự giàu có và thừa nhận. Khao khát được sống như họ muốn ở một nơi chưa thể cho họ được những điều ấy.

Lớp trẻ mới lớn lên sau khi Ukraina tách ra thành một nước độc lập vào năm 1991 đã sống qua những tháng ngày Cách mạng Cam, đã muốn thúc đẩy hơn nữa quá trình dứt khoát hướng ra phía Tây, dứt bỏ hoàn toàn với quá khứ. Và nữa, khao khát được kéo dài mãi những đêm EURO nay đã đi đến hồi kết.

EURO đi rồi, để lại sau lưng, ở Ukraina, bao nuối tiếc và trăn trở, khi một tháng qua đi, sắp quay lại thực tại ngổn ngang mà họ muốn quên. Hôm qua, báo chí Phương Tây đã mở lại cuộc chiến chống Ukraina. Nhật báo Independent lại viết về tham nhũng và Tymoshenko cùng phiên xét xử bà sau EURO. Những câu chuyện ấy không bao giờ chấm dứt.


3. Sẽ nhớ mãi ánh mắt xanh buồn bã của một cô gái xinh đẹp lúc buổi diễn kết thúc. Nàng cứ đứng đó, một mình, dựa vào tấm bảng quảng cáo điện có dòng chữ "Kiev đón chào bạn" mà người ta dựng lên cho dịp EURO. Nàng nhìn mãi vào màn hình lớn lúc đó không còn Queen nữa.

Bryan May đã chào tất cả, sau một đêm hát mà tuổi tác không hề cản trở họ đem đến cho lớp trẻ Ukraina khát khao thay đổi những cảm xúc về tình yêu và nhiệt huyết sống vô cùng. Chợt văng vẳng câu hát mà Elton John đã ca vang trước đó trên quảng trường Maidan trong bài "Blue Eyes" trứ danh: "Blue eyes/Baby's got blue eyes/Like a deep blue see/On a blue blue day/ Blue eyes/Baby's got blue eyes/When the morning comes/I'll be far away" (Mắt xanh/Em có đôi mắt xanh/Như biển sâu xanh thẳm/Mắt xanh/Em có đôi mắt xanh/Khi sáng sau đến/Anh đã xa em rồi)...

                        Bài và ảnh: Anh Ngọc (từ Kiev)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm