02/12/2011 14:09 GMT+7 | Italy
(TT&VH) - Một lời tuyên bố đi kèm với một câu đe dọa. Silvio Berlusconi là thế. Vào cái ngày mà ông tuyên bố sẽ trở lại làm chủ tịch Milan, con người quyền thế nhất nước Ý trong 20 năm qua mà lịch sử sẽ cho ông một chỗ đứng trong đó, Berlusconi cũng ra mệnh lệnh cho Allegri: Milan phải trở lại đứng đầu bảng vào cuối năm. Bằng không…
Ở Milano, người ta bảo rằng, một cơn gió cách mạng thực sự sắp sửa thổi qua Milanello và sân San Siro trong những ngày tháng 12 lạnh giá này, khi họ chuẩn bị sinh nhật lần thứ 112. Cuộc cách mạng thứ nhất có tên Berlusconi: người mới giã từ vũ đài chính trị Italia chỉ trong ngày một ngày hai sẽ trở lại nơi ông đã thuộc về, đội bóng của ông, AC Milan. Quá trình tái bổ nhiệm Berlusconi trở lại chiếc ghế chủ tịch ông đã từng rời bỏ 2 lần vì các lí do khác nhau (tháng 12/2004, vì luật “xung đột quyền lợi”, và tháng 4/2008, khi được tái cử thủ tướng Italia). Cuộc cách mạng thứ hai có tên Allegri. Bất chấp việc trong 17 tháng qua, vị HLV người xứ Toscana đã đem đến cho Milan một sắc thái mới, đưa thực hiện những quyết định dũng cảm (đẩy đi Ronaldinho, Pirlo, không ngại đầy lên ghế dự bị những công thần như Seedorf và loại bỏ Inzaghi khỏi cuộc sống Milan), đã đưa đội bóng của Berlusconi đến Scudetto lần đầu tiên sau 7 năm, nhưng với Berlusconi, điều ấy không đủ. Những lời chỉ trích bóng gió Allegri sau trận Milan thua Barcelona 2-3 ngay tại San Siro ở Champions League mới rồi cùng với việc Milan lần lữa gia hạn hợp đồng với vị HLV 44 tuổi cho thấy những xu hướng đáng lưu tâm đối với nhà ĐKVĐ nước Ý. Galliani bảo rằng Allegri sẽ ở lại 101%, một cách nói đầy hình tượng có liên quan đến thời điểm Ibra ghi những bàn thắng thứ 100 và 101 ở Serie A, nhưng lời đảm bảo của vị lãnh đạo đầu trọc của Milan không có ý nghĩa bằng những lời nói của ngài chủ tịch. Berlusconi không chấp nhận cảnh Milan đang là số 2 ở giải bóng đá hàng đầu của nước Ý như bây giờ.
Berlusconi - Ảnh Getty
Không còn nghi ngờ gì nữa, sự trở lại của người cha khó tính và đầy tham vọng sẽ đồng nghĩa với việc Milan không thể chấp nhận mang trên mình hình ảnh của một kẻ thất bại. Berlusconi không bao giờ muốn là kẻ như vậy. Thất bại không bao giờ là hình ảnh của ông. Một nhà chính trị lỗi lạc và mị dân bậc nhất nước Ý trong suốt hai thập kỉ qua luôn biết lấy đội bóng của mình làm những tuyên ngôn hấp dẫn bậc nhất. Không một milanista nào quên được những gì Berlusconi đã nói trước công chúng sau trận Milan lật ngược thế thua 0-2 để thắng ngược 3-2 trong một trận derby tháng 2/2004. Đối với ông, Milan phải chơi tấn công và không thể không đá với 2 tiền đạo. 7 năm sau, khi trở lại Milan với cương vị chủ tịch và chứng kiến đội bóng mang hình ảnh của mình đang bị Juventus bỏ xa 2 điểm trên bảng xếp hạng Serie A, người đàn ông mà ngay cả lúc thất thế trên chính trường cũng vẫn đầy quyền lực ấy chưa bao giờ lui bước. Sự trở lại của Berlusconi do đó có thể được coi là một rủi ro lớn đối với Allegri, người dường như không làm cho ông hài lòng về cái cách mà Milan đang chơi bóng. Có vẻ Berlusconi đã mong đợi Milan chơi một thứ bóng đá khác, gần gũi với Milan của Sacchi, Capello hay Ancelotti và dù Milan đã dũng cảm chơi đôi công với Barcelona ở San Siro thì trận thua 2-3 ấy cũng phơi bày cho Berlusconi thấy sự hạn chế ở tầm châu lục của đội bóng mà từ 2 năm qua, ông đã bắt đầu đổ tiền của và tâm huyết cho nó, có thể không bằng những năm tháng đã qua, nhưng đủ để nó chính phục những đỉnh cao quốc nội. Không có gì ngạc nhiên khi Berlusconi không hài lòng với những gì Milan đang có khi ông trở lại làm “cha”.
Thành bại của Milan bây giờ lại nằm trong tay của ông chủ giàu quyền lực. Những năm tháng không có ông, hoặc ông chỉ đứng từ xa chỉ đạo, thỉnh thoảng đưa ra những tuyên bố này nọ nhằm một dịp nào đó cần kích động các cử tri, Milan vẫn chiến đấu và chiến thắng. Quá trình Milan đi đến Scudetto với Allegri cũng từ việc Berlusconi cho phép Galliani toàn quyền điều hành đội bóng và nhắm mắt chấp nhận việc vị HLV người Livorno tiến hành những cuộc cách mạng về nhân sự (đẩy đi Ronaldinho, con cưng của Berlusconi) và chiến thuật (xóa bỏ Pirlo và lối chơi mà Milan đã xây dựng quanh anh suốt 10 năm qua). Scudetto 2011 là đảm bảo cho Allegri thoát khỏi những cơn thịnh nộ của Berlusconi vì việc gạt bỏ những sủng thần của ông. Chiếc Cúp vô địch Champions League 2003 cũng đã cứu Ancelotti khỏi việc bị “đá đít” sau khi dám loại khỏi đội hình Rivaldo của Berlusconi. Gần 20 năm trước đó, chiếc Cúp C1 năm 1989 đã cứu Sacchi khỏi những cơn điên dại của Berlusconi sau những cuộc tranh cãi giữa ông với vị HLV người xứ Emilia-Romagna xung quanh việc Sacchi không muốn dùng chân sút Borghi mà Berlusconi đưa đến để đưa ra sân tiền vệ Rijkaard, mắt xích cuối cùng hoàn thiện bộ ba xương sống người Hà Lan cho lối chơi của Milan. Bây giờ, những gì mà Allegri đã làm cho Milan trong hơn một năm qua tỏ ra quá ít. Bằng việc gây sức ép lên người đang dẫn dắt Milan và biến ông trở thành bậc thang để ông trở lại ngôi vị chủ tịch, Berlusconi tiếp tục khoác lên mình hình ảnh của một người không chấp nhận thất bại.
Cuộc chiến với Juventus cho Scudetto sẽ vô cùng quyết liệt cho đến cuối giải. Sự trở lại của Berlusconi sẽ làm cho cuộc đua ấy càng trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết, bởi dù năm tháng đã qua, sức mạnh của Milan trên thị trường chuyển nhượng không còn như trước nữa, thời mà họ đầy lên ghế dự bị cả những Quả bóng vàng như Papin đã qua, nhưng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để trở lại là số 1, trên cả sân cỏ lẫn chính trường. Tháng 1/2012 này, ông sẽ “giải quyết” Tevez và Montolivo, hè 2012 sẽ là Hamsik. Để ít nhất Milan sẽ không chỉ có thêm một Scudetto. Với Allegri, hoặc không Allegri.
Anh Ngọc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất