25/04/2018 09:25 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Nếu như ở phần 1, NSND Thanh Hoa đã có những chia sẻ đầy cảm động về câu chuyện lần đầu được mặc váy cô dâu thì ở số 2 này, “người đàn bà hát” dành thời gian nói về những thứ liên quan đến nghiệp cầm ca.
Nghệ sỹ không nên chạy theo "danh hão"
* Thưa NSND Thanh Hoa, thời gian gần đây xảy ra nhiều lùm xùm trong giới nghệ sỹ xung quanh chuyện xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Bà có ý kiến gì về vấn đề này?
- Chuyện này cũng gây ra những tranh cãi trong giới nghệ sỹ nhiều năm qua. Tuy nhiên, hơn ai hết, chính các nghệ sỹ khi cầm trên tay tấm bằng công nhận danh hiệu NSND, NSƯT mới là người hiểu rõ nhất mình có xứng đáng hay không. Nên tôi nghĩ chỉ có những ai quá tham vọng danh tiếng, không còn lòng tự trọng thì họ mới theo đuổi những cái danh hão huyền mặc dù biết thừa mình không không xứng đáng.
* Theo bà, bất cập nhất trong việc xét danh hiệu NSND, NSƯT là gì?
- Có quá nhiều bất cập, nhưng tôi thấy nổi bật nhất là việc xét danh hiệu dựa trên tiêu chí Huy chương. Vì điều này, nghiều nghệ sỹ nổi tiếng cống hiến hết mình cho khán giả nhưng không tham gia Hội diễn nên không có Huy chương, và vì thế không đủ tiêu chuẩn để xét duyệt. Còn có những nghệ sỹ chăm chỉ tham gia Hội diễn, đầy đủ Huy chương vàng và được phong danh hiệu NSND mà đến như tôi trong nghề còn không biết là ai thì khán giả làm sao mà biết được. Cho nên cái việc xét Huy chương là điều rất bất cập.
Tôi ví dụ cụ thể giữa Tự Long và Chí Trung, tôi không ghét Tự Long và không phải quá yêu Chí Trung, hai bạn ấy đều là những nghệ sỹ tài năng mà tôi yêu quý, nhưng nếu cho lên bàn cân thì tôi sẽ nghiêng về Chí Trung hơn, nhưng vì theo quy chế xét duyệt thì Chí Trung lại không đủ HCV nên không được xét tặng danh hiệu NSND. Đấy thực sự là một điều rất đáng tiếc.
* Vậy với vai trò là Chủ tịch Hội bảo vệ quyền của nghệ sỹ biểu diễn âm nhạc, bà có ý kiến gì về chuyện xét duyệt danh hiệu?
- Với tôi, người NSND đúng nghĩa thì đừng chạy theo huy chương, bởi cá nhân tôi, nếu xét theo huy chương thì chắc tôi phải trả lại danh hiệu, vì cả cuộc đời hơn 50 năm ca hát, tôi chỉ đạt được đúng 1 HCV trong một cuộc thi hát ở Đà Nẵng năm 1978 (cười).
Cho nên, tôi rất mong muốn cơ quan chức năng nên điều chỉnh lại quy chế cho phù hợp để đỡ gây thiệt thòi cho nghệ sỹ và không làm giảm sút niềm tin trong lòng khán giả.
Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến đã thuyết phục tôi
* Vừa xuất hiện trong Lễ trao giải Âm nhạc Cống hiến lần thứ 13 - 2018 của báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN), bà có suy nghĩ gì về giải thưởng này?
- Thú thật là trước đây tôi cũng có chút tự ái, vì tôi nghĩ giải thưởng âm nhạc phải là Bộ Văn hoá,vhoặc ít nhất phải là Hội Nhạc sỹ trao, và bản thân tôi làm Chủ tịch Hội bảo vệ quyền của nghệ sỹ biểu diễn âm nhạc thì tôi cũng canh cánh trong lòng về việc tổ chức một giải của giới chuyên nghiệp trao cho nhau.
Tuy nhiên đến, bây giờ thì Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến đã thuyết phục tôi, bởi càng ngày các nhà báo đã có những cái nhìn vừa sâu vừa rộng về thị trường âm nhạc nên đã có những lựa chọn rất chuẩn.
Tôi hi vọng là các bạn nhà báo sẽ mở rộng hơn biên độ các dòng nhạc để dòng nhạc nào cũng được tôn vinh, đặc biệt là dòng nhạc đồng quê dân gian – hồn cốt của dân tộc Việt Nam.
* Xuất hiện trong lễ trao giải, bà có cảm nghĩ như thế nào?
- Tôi rất vui và cảm thấy thú vị bởi mình dự đoán rất chuẩn so với các nhà báo chấm giải. Ví dụ tôi thích Dương Cầm – một nhạc sỹ trẻ có những bản phối rất hay hiện nay, thì Dương Cầm đoạt hai giải.
Hoặc tôi rất thích chương trình Mặt trời của tôi của Đăng Dương, vì ngoài chất lượng nghệ thuật rất tốt, thì tôi còn trân trọng Đăng Dương ở việc làm nghề đúng mực và không chạy theo thị hiếu. Các nhà báo đã chọn chương trình của Đăng Dương để trao giải đúng như mong muốn của tôi. Còn người thứ 3 mà tôi dự đoán là sẽ ẵm giải là Mỹ Tâm thì cô ấy cũng đoạt tận hai giải, trong đó có giải Ca sỹ của năm mà tôi và NSND Quang Thọ trao, điều đó khiến tôi rất vui và yên tâm về sự thẩm định của BTC khi đưa ra đề cử cũng như các nhà báo khi chấm giải Cống hiến.
* Là một nghệ sỹ thế hệ đi trước, bà có muốn nhắn nhủ gì tới các ca sỹ trẻ hiện nay?
- Tôi rất cảm ơn báo Thể thao & Văn hóa đã mời tôi đứng trên sân khấu với tư cách là thế hệ ca sỹ đi trước để trao giải Ca sỹ của năm. Và tôi cũng xin được nhắn gửi tới các thế hệ nghệ sỹ trẻ ngày hôm nay rằng: Hãy đam mê, say đắm, đốt cháy, khát vọng để trở thành một ngôi sao.
Và, để trở thành người của công chúng, mỗi nghệ sỹ đã phải đánh đổi rất nhiều công sức, sự vất vả rồi, nhưng để giữ được sự toả sáng bền lâu thì không phải chỉ cố gắng trong một năm mà là cả một đời. Chúc các bạn nghệ sỹ trẻ đã có tài năng nhưng sẽ phải liên tục hoàn thiện mình, trau dồi chuyên môn và bồi đắp cảm xúc, tâm hồn để luôn cháy hết mình trên sân khấu, xứng đáng được công chúng yêu thương.
Đến hát hay như Tân Nhàn mà tôi còn chê nữa là...
* Khán giả ít thấy NSND Thanh Hoa ngồi ghế “nóng” các chương trình thi hát trên truyền hình, đâu là lý do thưa bà?
- Thật ra người ta ngại mời Thanh Hoa vì tôi nổi tiếng là người thẳng thắn. Bởi vì, nếu tôi ngồi ghế nóng, chắc là tôi không thể xoa dịu được các HLV khác bởi họ chỉ có khen và khen. Hát chênh phô cũng khen, trong khi tôi chờ đợi những sự góp ý chân thành nhưng điều đó không xảy ra, có lẽ một phần là do yêu cầu của BTC nên các HLV dù nghe thấy chênh phô nhưng vẫn phải khen chăng? Thế cho nên BTC các cuộc thi không mời tôi bởi rất có thể tôi sẽ làm đổ bể chương trình của họ vì tôi sẽ chê nhiều hơn khen (cười).
* Sự thẳng thắn ấy được áp dụng cả những chỗ khác nữa chứ, thưa NSND Thanh Hoa?
- Trong cách dạy học tôi cũng ít khen, thậm chí hát hay như Tân Nhàn thì tôi vẫn chê, nhiều bạn trẻ khác cũng vậy, tôi thường chê nhiều hơn khen nếu thực tế đúng như vậy. Tôi nghĩ rằng, nghệ sỹ với nhau mà nhận xét không thật lòng thì chỉ làm hại các bạn ấy thôi.
* Chả lẽ trong rất nhiều các show truyền hình hiện nay, bà không thích chương trình nào?
- Có một chương trình mà tôi rất thích thì lại “giải tán” rồi (cười), đó là Gia đình tài tử. Tôi thích chương trình này bởi người chơi đều là các nông dân trong một gia đình. Họ là những người chân lấm tay bùn nhưng yêu ca hát và rất hồn nhiên, đáng yêu. Và dù họ chỉ là nghiệp dư thôi nhưng khi nhận xét chúng tôi vẫn phải khen chê, và họ thường rất lắng nghe, cầu thị.
Tôi nghĩ rằng, thí sinh chuyên nghiệp hay nghiệp dư thì các HLV đều cần sự nhận xét thẳng thắn, chân thành, chỉ ra cái hay cái dở để mọi người chỉnh sửa, như thế mới tiến bộ được. Và đó cũng chính là trách nhiệm của mỗi HLV trong các cuộc thi hát trên truyền hình.
Ngô Bá Lục (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất