Góc Marcotti: Scolari đã bất lực, có Neymar cũng thế thôi...

09/07/2014 15:49 GMT+7 | Bán kết

(giaidauscholar.com) - Với cách nhìn nhận, phân tích độc đáo của mình, nhà báo Gabriell Marcotti luôn mang tới những quan điểm thú vị về mỗi một vấn đề, sự kiện. Hãy nghe Marcotti nói về trận thảm bại 1-7 của Brazil trước Đức.

Sẽ đến lúc, bạn không còn nổi một ý tưởng nào nữa.

Khi tỉ số là 1-0, những bóng áo vàng trên khán đài Estadio Mineirao rên lên. Như một cái mũi bất ngờ chảy máu. Khi ấy, điều cần làm đáng ra phải là đút một ít bông vào để cầm nó lại.

Khi tỉ số là 2-0, xuất hiện những nghi ngờ. Một bóng hồng trên khán đài giơ tay lên với ngón cái thể hiện sự khích lệ, những lời động viên vang ra từ đôi môi quyến rũ.

3-0, rồi 4-0, hai tỉ số ấy cứ như một. Hai nhát chém sắc lẹm của Toni Kroos trong 69 giây, cú đúp nhanh nhất trong lịch sử World Cup. Cứ như đâm vào lò lửa và bị thiêu đốt, vừa nhảy ra ngoài để tránh nóng thì dập chân vào tường. Đau đớn nối dài đớn đau. Chẳng có thời gian để kịp phản ứng. Nhưng sau đó, lại có những sự thách thức. “Bra-sil! Bra-sil!” – hàng loạt CĐV gào thét trên khán đài. Không chút tủi hổ, bằng toàn bộ sức lực phát ra từ cổ họng, như một cách để thể hiện nỗi tức giận với các cầu thủ.

5-0, khán giả bắt đầu rời khỏi sân. Hai mươi chín phút đã trôi qua .Đọc lại đi. HAI MƯƠI CHÍN. Nhưng người ta đã chịu đựng đủ rồi. Không phải tất cả, dĩ nhiên rồi, thậm chí không đáng là bao, nhưng đủ để nhận ra. Họ rời khỏi ghế nhẹ nhàng, hướng tầm mắt khỏi thảm cỏ xanh, như những giọt nước vàng rỉ rách chảy ra khỏi bể nước khổng lồ.



Mueller và nhát kiếm đầu tiên, mở ra cuộc thảm sát của người Đức

Giờ nghỉ giữa trận không khiến người ta ngạc nhiên: những tiếng la ó rền vang, vọng khắp trên sân Mineirao. Thế mà ngay trước khi trận diễn ra, quốc ca Brazil còn dội khắp các khán đài, và giờ đây, sau năm bàn thua, nó trở thành tiếng gào rú quẫn tức.

6-0, cơn thịnh nộ như chỉ muốn nhắm vào một người duy nhất. Fred, tiền đạo với bộ ria mép thô kệch, người đã chịu sức ép của việc bị so sánh với những huyền thoại Ronaldo, Romario, thậm chí là Pele và Artur Friedenreich. Sự thật là trong những lời chửi bới tục tĩu và cáu gắt phát ra từ các khán đài, chỉ còn một nỗi thất vọng là “hắn ta” vẫn đang có mặt trên sân. Các CĐV bị đẩy tới đỉnh cao của cảm giác nhục nhã khi Andre Schurrle ghi bàn thứ sáu, còn Fred cúi mặt bước khỏi sân nhường chỗ cho Willian.

7-0, mọi thứ trở nên đơn giản hơn. Một lần nữa các CĐV chồm dậy, nhưng là để vỗ tay. Bàn thắng của Schuerrle – bàn thứ hai trong trận – là một tuyệt phẩm, tất nhiên không đến mức đẹp-như-Maradona-trước-Anh-năm-1986. Họ tán thưởng cho anh ta? ĐT Đức? Hay họ đang tỏ ra mỉa mai trước đội nhà? Hay là tất cả các phương án trên?  Hay chỉ đơn giản là một hành động cuối cùng họ có thể nghĩ ra khi đã mệt mỏi với tất cả những nỗi thất vọng?

Khi Oscar ghi bàn danh dự để đưa tỉ số về 7-1, những ẩu đả đã diễn ra trên khán đài (ít nhất là năm cuộc va chạm – tất cả đều diễn ra giữa các CĐV Brazil – dễ dàng nhận thấy từ khu vực báo chí). Đã có những tiếng “ole” vang lên cho mỗi pha chạm bóng của người Đức. Các CĐV nghĩ rằng họ có thể mỉa mai đội nhà bằng cách tán thưởng những “thành quả” trước đối thủ, mà đại loại là: “Thấy chưa? Chuyền được hai quả thành công liên tục rồi!”

Với một dân tộc mang 5 ngôi sao trên ngực áo đồng phục, thua 1-7 ở vòng bán kết World Cup thật là một điều không tưởng tượng nổi.

Chẳng có kịch bản nào cho màn diễn này. Một thảm họa với bất kỳ ai lỡ đem lòng yêu bóng đá ở Brazil. Chẳng thể nào bao biện và phản ứng. Luiz Felipe Scolari, trông như thể vừa đi qua dòng sông của cái chết trong thần thoại Hy Lạp, “đành” khẳng định rằng cuộc đời vẫn tiếp diễn.

Tất nhiên rồi. Nhưng mọi thứ sẽ không bao giờ như cũ nữa.




Bức ảnh nói lên sự đau khổ trong tuyệt vọng của Brazil

“Chúng tôi đã thử những thứ có thể, chúng tôi đã làm những gì chúng tôi cho là tốt nhất,” ông giãi bày. “Nhưng trong sáu hay bảy phút, họ ghi ba hay bốn bàn [chính xác là 4 bàn trong 6 phút, nhưng thôi hãy bao dung cho việc Scolari không nhớ nổi], và họ đã làm điều đó với một thái độ không tưởng. Cứ bàn này qua bàn khác. Chúng tôi đã thử nói với các cầu thủ trên sân, phải cản người ta lại, nhưng chúng tôi không thể.”

Trong một tình huống thế này, bạn sẽ tự hỏi liệu có đáng để nói về chiến thuật hay không. Những bài vở, những sơ đồ, sau cùng cũng chỉ được bàn tới khi cách biệt tỉ số là một hoặc hai bàn. Còn giờ khi đã thua đến 5-0 trong một hiệp thì chẳng khác nào xem đi xem lại chương trình truyền hình Glee. Ngán đến tận cổ, chẳng ai muốn nói đến nữa.

Scolari đã không có sự phục vụ của hai cầu thủ xuất sắc nhất là Neymar và đội trưởng Thiago Silva, nhưng ông không lấy đó làm biện minh cho thất bại. “Chẳng có gì khác đâu,” ông nói. “Neymar thì sẽ làm gì kia chứ?”

Scolari cố gắng hướng những cảm xúc tiêu cực thành trung hòa, thậm chí thành tích cực. David Luiz và Julio Cesar cầm chiếc áo số 10, còn từng cô cậu nhóc đi kèm các cầu thủ hát bằng mọi nguồn hơi trong phổi khi quốc thiều Brazil được cử lên.

Scolari vẫn tiếp tục sử dụng sơ đồ 4-2-3-1 như đã thấy xuyên suốt giải đầu, dù nhiều người tưởng rằng ông sẽ từ bỏ sách lược này khi đối đầu với người Đức. Bernard bé nhỏ, anh chàng 1m63, người được các CĐV trong nước rất yêu quí đá cánh. Oscar vào trung lộ, trong khi Fernandinho và Luiz Gustavo bắt cặp trở lại để càn quét phía sau. Có những khoảnh khắc, người ta bất chợt nhớ tới sơ đồ 4-2-4 của Vicente Feola dùng năm 1958.



Scolari thể hiện sự bất lực

Nhưng điều này chẳng phải điềm tốt lành khi bàn đầu tiên của Đức đến ngay phút thứ 11. David Luiz để Thomas Mueller thoải mái di chuyển, dứt điểm trong vòng cấm bằng một cú đệm lòng cơ bản nhất từ khoảng cách vài mét so với khung thành.

“Mọi thứ đang đúng như kế hoạch, mọi thứ đang điềm đạm nhưng rồi bàn thắng đến,” Scolari biện minh. “Rồi sau đó tất cả kế hoạch vỡ vụn, hoảng loạn khắp nơi.”

Về phần mình, Joachim Loew đã sử dụng đội hình tương tự như khi đánh bại Pháp với Philipp Lahm ở vị trí hậu vệ phải, nhưng đã có những khác biệt ở trung tuyến. Sau khi nhìn vào đội hình xuất phát của Scolari, Loew đã đưa Sami Khedira chơi lệch sang phải, cao hơn vai trò ngang Bastian Schweinsteiger ở trận trước. 4-2-3-1 chuyển thành 4-1-4-1 và nếu bạn thích thì có thể miêu tả rằng, tam giác trung tuyến đã lộn ngược lại.

Kroos và Khedira bắt thành cặp sát thủ di chuyển ngang dọc giữa những đường phân phối bóng của Brazil, khuấy đảo vị trí của không dưới ba bóng áo vàng mỗi lần tấn công. Họ đã góp mặt ở cả 4 bàn đầu tiên, trong đó có pha lập công của Miroslav Klose để chính thức vượt qau Ronaldo, trở thành chân sút vĩ đại nhất lịch sử World Cup.

“Họ bỗng nhiên trở nên thiếu tổ chức, họ dùng bóng dài, chúng tôi tận dụng triệt để,” Loew cho biết. “Chúng tôi phản công nhanh và chúng tôi đã biết trước rằng điều đó sẽ khiến họ gặp khó khăn.”

Trận đấu coi như đã kết thúc vào giờ nghỉ giữa hiệp, trừ sách kỷ lục vẫn tiếp tục ghi nhận cú đúp của Schuerrle cùng bàn thắng của Oscar. (Đừng gọi đó là “bàn danh dự”. Chả có danh dự gì ở đây hết.)

Sau trận, David Luiz xin lỗi khán giả bằng một cuộc phỏng vấn ngập nước mắt. Oscar xối xả lệ rơi trong vòng tay của Thiago Silva và đồng đội ở cấp CLB – Schuerrle. Julio Cesar nói rằng, anh thà bị thua 0-1 vì một lỗi ngớ ngẩn của chính mình còn hơn. Thà thế, ĐT Brazil còn có một “cừu đen” để đổ lỗi.



Brazil đã hứng chịu trận thua đậm nhất trong lịch sử

Nhưng không, sự thật là có quá nhiều.

“Tôi nhận trách nhiệm,” Scolari khẳng định. “Tôi chọn đội hình, tôi chuẩn bị chiến lược. Nếu tôi nói chuyện với các học trò thì họ sẽ chịu trách nhiệm vì chúng tôi là một tập thể, chúng tôi chia ngọt sẻ bùi. Nhưng với tôi, khi nhìn lại cuộc đời cầu thủ, huấn luyện viên, giảng viên... đây quả thực là ngày tồi tệ nhất trong đời. Tôi sẽ luôn được nhớ đến với tư cách thằng cha để thua 0-1 ở Brazil trong một trận bán kết World Cup.”

Loew tỏ ra vô cùng cao thượng trong hoàn cảnh này. Dù sao thì tám năm trước, với tư cách trợ lý của Jurgen Klinsmann, ông đã chứng kiến đội nhà bị loại cay đắng ngay trên đất nhà tại một trận bán kết World Cup.

“Tôi hiểu những gì đang diễn ra với Scolari,” ông cảm thông. “Tôi nhớ năm 2006 khi thua Italy, nhớ nỗi thất vọng của cả dân tộc.”

Ông có lẽ chỉ đang tỏ ra lịch sự. Dù năm 2006 quả có cay đắng với người Đức khi họ chỉ bị loại ở phút thứ 119, rõ ràng điều này không thể sánh được với việc bị đè bẹp trong 30 phút và chung cuộc thua 1-7, sau 39 năm không để thua trên sân nhà.

Loew hiểu chẳng có điều gì để rút ra từ trận đấu này, ngoài kết quả. Các cầu thủ của ông đã ở trong một tình thế kỳ lạ, cứ như thể vừa bỗng dưng nhận được hàng tỷ đô-la giữa đường. Ông sẽ không phải lo lắng về sự chủ quan của cầu thủ, nhất là với những lời của Toni Kroos.

“Có những phút mà chúng tôi đã bỡ ngỡ trước việc dẫn tới 5-0,” Kroos thổ lộ. “Ý tôi là, có bao giờ bạn thắng một trận bán kết tới 7-1 không cơ chứ?”

“Nhưng chúng tôi vẫn còn một trận nữa,” anh nói tiếp. “Chẳng ai vô địch sau khi thắng ở trận bán kết cả.”

Đó là những lời từ một chàng trai trẻ đang hiểu rõ những gì mình muốn, những gì mình phải làm – và cũng là những gì Loew muốn nghe.

Đức và Brazil đã đi vào chiến trường ngày hôm qua. Chỉ một đội tìm được hình ảnh của chính mình sau 90 phút để tiếp tục hi vọng đăng quang. Đội còn lại đã nhận vết thương chí mạng mà có thể sẽ không lành nổi tới mãi về sau.

N.T.H (dịch từ ESPN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm