29/03/2025 06:34 GMT+7 | Văn hoá
"Việc tiếp tục nghiên cứu hai chiếc thuyền cổ chắc chắn sẽ phải áp dụng phương pháp làm việc liên ngành và có sự góp sức từ nhiều cơ quan chuyên môn chứ không chỉ là công việc đơn thuần của khảo cổ" - TS Phạm Văn Triệu, (Phó Trưởng phòng Khảo cổ học lịch sử, Viện Khảo cổ học Việt Nam) chia sẻ với người viết.
Gần 1 tuần qua, cuộc khai quật 2 thuyền cổ tại thị xã Thuận Thành (Bắc Ninh) do TS Triệu chủ trì đang thu hút sự chú ý lớn trên mặt báo và các trang mạng xã hội - điều vốn ít gặp ở một chuyên ngành đặc thù như khảo cổ.
Sức hút từ sự kiện này trước hết đến từ câu chuyện của các hiện vật đang xuất lộ: Thay vì các mảnh di vật, đây là 2 chiếc thuyền - phương tiện vốn quen thuộc với đời sống dân sinh hàng ngày - với hình dạng còn tương đối hoàn chỉnh. Và, cách 2 hiện vật này bước đầu được phát hiện cũng rất thú vị, khi một người dân đào ao thả cá tại đây vào cuối 2024.
Khai quật thuyền cổ mới được người dân phát hiện tại khu phố Công Hà, phường Hà Mãn, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN
Ở một góc độ khác, 2 chiếc thuyền này cũng có kết cấu rất độc đáo với kích thước lớn (khoảng 16 x 2m) và được nối với nhau bằng hệ thống chốt - điều vốn ít gặp ở những con thuyền cổ. Ngoài ra, tại các khoang trong thuyền có chứa một số mẫu vật gần giống các loại hạt, hiện chưa được làm rõ.
Nhưng đáng nói nhất, 2 thuyền cổ này được tìm thấy ở vị trí gần sông Dâu, cách khoảng 1km về phía di tích thành Luy Lâu - vốn được cho là trung tâm chính trị, văn hóa, tôn giáo của nền văn minh sông Hồng gần 2.000 năm trước. Và, trong rất nhiều vấn đề liên quan tới Luy Lâu những năm qua, việc khu vực này có phải là một thương cảng lớn trong quá khứ vẫn đang tiếp tục được làm rõ.
Bởi thế, dù giả thiết về việc 2 thuyền cổ có từ thời Giao Chỉ (thời điểm đô thị cổ Luy Lâu được Sĩ Nhiếp cho xây dựng) chỉ được đặt ra ở dạng phỏng đoán ban đầu, nhiều chuyên gia vẫn đặt kỳ vọng vào việc các hiện vật này sẽ bổ sung nhiều thông tin quan trọng về di tích Luy Lâu - vốn cũng sẽ được tiếp tục khai quật lần thứ 9 kể từ hôm nay 25/3.
***
Theo TS Phạm Văn Triệu, hiện tại, nhiều kết nối liên ngành đang được phía khai quật triển khai: Phối hợp với Viện Hạt nhân Hà Nội để tìm hiểu niên đại gỗ bằng phương pháp phân tích carbon 14, phối hợp với một đơn vị về sinh học để phân tích hệ thống hạt có trong thuyền. Xa hơn, các chuyên gia về công nghiệp gỗ cũng đang được kết nối để xây dựng quá trình bảo quản.
Như thế, những gì diễn ra đang giúp cộng đồng hiểu hơn về yêu cầu - cũng như xu hướng - làm việc và phát triển theo hướng liên ngành của khảo cổ học hiện đại, thay vì cách nghĩ từng có, rằng đây chỉ là chuyên ngành gắn với "đào bới". Giống như bản thân sức hút của 2 chiếc thuyền trong thời gian qua, cũng cho thấy tiềm năng về những ứng dụng của khảo cổ học trong đời sống thực tế.
Sẽ là lý tưởng, nếu trong tương lai, chúng ta sẽ có một bảo tàng chuyên về di tích Luy Lâu hay về tàu thuyền cổ. Và ở đó, người xem có dịp chiêm ngưỡng 2 chiếc thuyền cổ này với đầy đủ "công đoạn" phục chế, trưng bày và diễn giải thông tin…
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất