Góc YẾN THANH: Thắng to, vẫn còn lo

15/12/2014 06:28 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Trong thế không được phép để thua thêm, cộng với hàng tá xáo trộn ở hàng thủ, rốt cuộc Arsene Wenger đã trở lại với 4-4-2 cùng phương án lấy công bù thủ rất rõ ràng. Ông đã thắng! Nhưng đằng sau 3 điểm quan trọng ấy là gì?

Với sơ đồ tấn công tổng lực theo kiểu bóng bàn, tận dụng tốc độ và khả năng di chuyển không ngừng nghỉ, các Pháo thủ đã có 90 phút mãn nhãn. Có điều, Newcastle đơn giản chỉ là đối thủ không thể (hay không muốn) ngăn cản chuyện đó.

Sự sung sức của hàng công

Thực tế, ngay từ đầu, đội bóng London đã thành công trong việc lôi kéo đối thủ đá theo cách mà mình muốn. Một diễn biến hoàn toàn có lợi. Một cái bẫy hoàn hảo với hàng loạt mũi nhọn thường xuyên dâng cao, thậm chí cả Bellerin – chốt chặn thiếu an toàn nhất bên cánh phải. Kết quả: Đội bóng của Pardew mất cả trận chỉ để chạy theo bóng và mất phương hướng hoàn toàn trong ma trận chuyền bóng lằng nhằng ở giữa sân. Để rồi, Arsenal ung dung định đoạt mọi thứ bằng thứ vũ khí quen thuộc: Những ngôi sao ưa thích xuyên phá trung lộ.

Nói vậy không có nghĩa là hạ thấp chiến thắng của các Pháo thủ. Những bàn thắng của họ, đặc biệt trong hiệp 2 đều có tính vị nghệ thuật và đòi hỏi kỹ thuật rất cao. Thêm vào đó, sự sung sức của hàng công cũng đã tạo ra tính liên tục trong cách tạo áp lực. Các CĐV không còn nói rằng chỉ mình Alexis Sanchez chơi bóng nữa. Họ đã thấy Cazorla, Welbeck, Giroud hay Chamberlain di chuyển tốt đến thế nào trong cả trận. Không chỉ hãm thành tốt, họ còn bổ sung hoàn hảo cho vị trí phòng ngự của Flamini.

Vẫn lo hàng thủ

Một chiến thắng không phí sức luôn tạo ra vỏ bọc an toàn. Nhưng có vẻ hơi khiên cưỡng khi Wenger nói rằng hàng thủ của ông đã chơi “rất chắc chắn”. Cách các đối thủ tiếp cận trận đấu luôn khác nhau. Và do đó thế trận cũng sẽ diễn biến khác nhau. Trước trận, Newcastle mới được đánh giá cao hơn ở khả năng phòng thủ. Tính cả chiến thắng oanh liệt trước Chelsea, họ đã chơi 7 trận mà chỉ thua đúng 2 bàn. Đó là điều Arsenal không có được. Và nó cũng lý giải vì sao các học trò của Giáo sư lại lập tức chùng xuống đầy khó hiểu khi bị gỡ 1-3. Nỗi ám ảnh Anderlecht ư, có lẽ nó chiếm 50% nỗi sợ hãi. Phần còn lại chính là chất lượng nhân sự đáng báo động ở hàng phòng ngự. Ba ngày sau chiến thắng Galatasaray, Arsenal đã vào trận với 1 trung vệ duy nhất: Mertesacker. Debuchy được sử dụng bởi kinh nghiệm, nhưng thực sự không ai biết anh sẽ chơi như thế nào sau gần 3 tháng nghỉ dưỡng thương.

Sau cùng, việc Wenger đưa cả những Ainsley Maitland-Niles hay Semi Ajayi vào đội hình đã nói lên tất cả. Với lực lượng hiện tại, liệu họ sẽ kéo dài được thành tích bao lâu? Và chơi như thế nào ở các trận đấu lớn?

Chỉ là một tập thể tiềm năng

Khi được hỏi về lý do đẩy Oezil ra cánh quá nhiều, Wenger nói rằng ông có khoảng 10 cầu thủ sẵn sàng đá ở vị trí “số 10”. Ok! Vậy Arsenal có bao nhiêu tiền vệ phòng ngự và hậu vệ? Dễ thấy, với những con người hiện có, họ sẽ đủ kinh nghiệm để tạo ra một sự ổn định nào đó cho tới cuối mùa giải. Top 4, hoặc tiến xa hơn đôi chút, và... chấm hết!

Mùa trước, nếu những trận thua lẻ tẻ trước các đối thủ yếu cho thấy sự thất vọng hoặc tiếc nuối nào đó, thì các trận Big Bang lại để lại dấu ấn của sự tuyệt vọng. Rất khó, hay đúng hơn là không thể nào trở thành một nhà vô địch thực sự với một khả năng phòng thủ kém, hay những con người ở mức trung bình. Rất hy vọng đội bóng đỏ-trắng sẽ tích lũy được những điểm số tối đa trước khi Champions League trở lại. Nhưng rồi khi ấy, nếu lá thăm may rủi khiến họ phải so tài với những Real, Barca hay Bayern Munich, sự thật sẽ lại phơi bày.

Cái hố sâu ngăn cách giữa nỗ lực và tài năng lúc nào cũng tồn tại. Và nó cũng là điểm khác biệt giữa một tập thể tiềm năng và một gã khổng lồ.


Yến Thanh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm