21/08/2011 07:50 GMT+7 | Giáo dục
(TT&VH) - Chiều 20/8, 112 thí sinh xuất sắc tốt nghiệp thủ khoa ĐH năm 2011 đã hội tụ về Văn Miếu Quốc Tử Giám kính cẩn nghiêng mình dâng nén hương tưởng nhớ các vị tiền nhân và trang trọng ghi danh vào sổ vàng.
Giữa nhà Thái học của Văn Miếu, trường ĐH đầu tiên của nước nhà nơi vinh danh các tiến sĩ, các thủ khoa, tinh hoa của những sinh viên Việt Nam đã có cuộc đối thoại với GS Ngô Bảo Châu. Những vấn đề về niềm đam mê khoa học, những trăn trở để đất nước tiến lên, những gửi gắm của người đi trước với thế hệ tương lai được đặt ra thẳng thắn.
GS Ngô Bảo Châu (bìa trái) cùng các đại biểu dâng hương tại Văn miếu
“Cội nguồn niềm đam mê chính là con mắt của tuổi thơ”
* Khi nhận được lời mời tham dự buổi lễ vinh danh các thủ khoa, GS có cảm nghĩ gì? (Doãn Thị Phương Anh, thủ khoa ĐH Ngoại thương)
- Hai tháng nay tôi làm việc ở Việt Nam với rất nhiều các bộ, ban ngành, với các chú bác lớn tuổi. Hôm nay được gặp các bạn trẻ, cảm giác rất là vui, phấn khởi, đặc biệt tôi thấy điều thú vị là các thủ khoa nữ nhiều hơn thủ khoa nam.
* Trong quá trình nghiên cứu, có bao giờ GS gặp khó khăn đến mức muốn bỏ cuộc chưa? Những lúc như vậy, làm thế nào GS có thể vượt qua được? (Nguyễn Ngọc Dũng, Thủ khoa ĐH Mỏ - Địa chất)
- Bất cứ ai làm khoa học cũng có những khó khăn. Khi dấn thân vào con đường khoa học ai cũng có kỳ vọng của riêng mình, tuy nhiên điều này khá rủi ro vì không ai biết 5 năm hay 10 tới mình có thể làm được gì.
Cảm giác thất bại trong quá trình lao động khá thường xuyên, vì cả chuỗi ngày khổ sở thì chỉ có 1 ngày vui nhất, và sau ngày vui nhất đấy là những ngày khổ sở tiếp theo. Nhưng khi mình thành thật với chính mình thì ngay trong những thất bại cũng đã nhen nhóm thành công rồi. Tôi vẫn nghĩ, trong vất vả gian nan của nghiên cứu khoa học cần có việc tự mình luôn luôn định hướng mình. Kể cả khi có những thất bại, hay có những thành công thì bao giờ cũng phải cố gắng ngẩng đầu lên.
Tuy nhiên cũng cần có may mắn, khi mà số phận mỉm cười với mình, nếu mình không định trước mình sẽ bỏ lỡ cơ hội. Chúng ta phải biết chờ đợi để khi cơ hội đến thì luôn sẵn sàng.
* GS có bao giờ làm thơ không? Nếu có GS có thể đọc cho mọi người nghe một bài tại đây? (Nguyễn Ngọc Dũng, Thủ khoa ĐH Mỏ - Địa chất)
- Giá mà mọi người thông báo trước tôi sẽ chuẩn bị, tôi cũng có làm thơ nhưng giờ không nhớ. Nếu cuối giờ tôi nhớ ra tôi có thể đọc cho các bạn.
* Tên tuổi GS có ảnh hưởng rất lớn đến tuổi trẻ VN hiện nay. Nhưng GS thương xuyên phải làm việc ở nước ngoài. Vậy GS có kế hoạch gì cống hiến cho đất nước trong thời gian tới? (Nguyễn Thị Huyền Trang, Thủ khoa Học viện An ninh Nhân dân)
- Phần lớn thời gian của tôi sinh sống tại Mỹ, và giảng dạy tại ĐH Chicago. Tôi đã nhận trọng trách Nhà nước giao cho là làm Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán. Để thực hiện trọng trách đó thì hàng năm tôi sẽ làm việc trong nước 3 tháng Hè tại Viện.
Trong năm học, mặc dù không có điều kiện sinh sống ở Việt Nam nhưng tôi thường xuyên trao đổi để đảm bảo công tác tổ chức khoa học của Viện. Đó là trách nhiệm của tôi với Viện Nghiên cứu cáo cấp về Toán.
Tôi vẫn cùng với một số đơn vị lên kế hoạch để xin phép lập quỹ với mục đích để tiếp sức, ủng hộ cho các nhà khoa học trong nước. Quỹ đó có một cái tên nghe hơi trẻ con một chút là quỹ Hạt vừng. Đó là việc làm lớn lâu dài.
Hạt vừng là ý tưởng lấy từ truyện Alibaba có câu thần chú “Vừng ơi mở ra”. Hạt vừng rất nhỏ bé và khiêm tốn nhưng đôi khi nó có thể mở ra cho con người một cánh cửa mới tới một chân trời rộng lớn hơn.
Tôi có tham gia với NXB Trẻ TP.HCM làm tủ sách với mong muốn làm sao cho nhiều người trong xã hội cũng yêu sách và đọc sách như chúng tôi.
* Khả năng của GS thì không phải bàn ở đây, nhưng điều em kính phục là GS luôn giữ được niềm đam mê của mình với khoa học. GS có cách nào để luôn giữ được thái độ tốt và niềm đam mê đó? Có bao giờ GS mất niềm đam mê đó chưa? GS có cách gì để truyền cho các bạn sinh viên để họ có thể hun đúc được niềm đam mê? (Dương Thanh Long, Thủ khoa ĐH FPT)
- Trong làm khoa học, cái khó nhất thực ra là làm được lâu. Tôi lúc nào cũng giữ được sức làm việc và đam mê làm việc. Cái đó không phải tự nhiên mà có, thực ra chúng ta phải biết cách để giữ gìn niềm đam mê của mình, phải hiểu được sự ham mê đến từ đâu.
Các nhà triết học đã tìm hiểu và cách đây hơn 2.000 năm Platon đã nói: “Cội nguồn niềm đam mê chính là con mắt của tuổi thơ”. Muốn giữ được niềm đam mê phải làm sao giữ cho mình con mắt nhìn của đứa trẻ. Khi đã từng trải, đã hiểu cuộc sống nhưng mình vẫn phải giữ bằng được con mắt trẻ thơ. Chính con mắt trẻ thơ đó là muốn tìm hiểu vạn vật, thế giới.
Tôi muốn nói cái câu mà ngày xưa chúng ta hay nói: “Trời sinh ra thế”. Đấy là câu trả lời của người từng trải, trong khi đối với đứa trẻ thì nó tò mò: “Tại sao lại như thế?”. Nó không chấp nhận chuyện “trời sinh ra thế”. Đấy là câu trả lời cho niềm đam mê của tôi.
Tôi từng suy nghĩ có phần bi quan
* GS có nhắn nhủ gì đối với các sinh viên VN, làm gì để cho nước nhà giàu mạnh hơn? (Dương Thanh Long, Thủ khoa ĐH FPT)
- Tôi nghĩ đất nước ta trong 10 năm qua có sự phát triển đáng kinh ngạc về kinh tế, ai cũng thấy cuộc sống phồn thịnh hơn. Nhưng những người làm khoa học cũng thấy rõ khoảng cách của đất nước ta với thế giới không rút lại mà có vẻ như bỏ xa hơn.
Khi so với các nước khác của châu Á thì họ làm được việc rút lại khoảng cách đó, không kể các nước lớn như: Trung Quốc, Ấn Độ, mà các nước khác như Hàn Quốc, Singapore, thậm chí là cả Malaysia, Thái Lan nữa. Nỗ lực để rút ngắn khoảng cách về trình độ nghiên cứu khoa học, kỹ nghệ, công nghệ của họ tôi nghĩ là hơn của Việt Nam.
Tôi nghĩ ngoài những vấn đề không thể tránh khỏi thì nên xem lại một số cơ chế. Ví dụ như nhận thức xã hội cũng cần phải thay đổi, như đã quá lâu rồi nhiều người nghĩ con đường duy nhất để có một cuộc sống vật chất ổn định là đi làm kinh doanh, doanh nghiệp. Quan điểm đó cũng đúng như là quan điểm của người già rằng “Trời sinh ra thế”. Nhưng theo tôi, vấn đề không đơn thuần là cuộc sống yên ổn về vật chất, mà là vấn đề tìm được một cuộc sống đúng với những cái mình muốn, một cuộc sống của mình.
Vì thế, nếu bạn có một chút đam mê dấn thân khoa học, cần giữ gìn niềm đam mê đó. Đó là một đóng góp để đất nước chúng ta tiến lên, ít nhất là trong con đường nghiên cứu khoa học lúc này.
* Cách đây đúng 1 năm, ngày 19/8/ 2010, GS nhận được giải thưởng Fields danh giá, khi đó cả đất nước như vỡ òa trong niềm tự hào, khi trí tuệ Việt Nam đã đạt được đỉnh cao của khoa học thế giới. Giờ phút này, ngồi tại trường ĐH đầu tiên của Việt Nam, GS nghĩ gì về giá trị của học vấn trong lịch sử, hiện tại cũng như trong tương lai? (Phạm Ngọc Huyền, Thủ khoa Học viện Hành chính)
- Từ 2 năm nay, tôi về Việt Nam, tiếp xúc nói chuyện với rất nhiều người, từ các GS lớn tuổi, các anh chị doanh nhân, cán bộ các bộ các ngành rồi sinh viên học sinh, tôi có một cảm giác bi quan tương đối lớn. Như một vị GS nói với tôi thế này: nhiều khi ông ấy cảm nhận thấy có một số giá trị cấu thành nên con người đó là giá trị về chân lý, giá trị về đạo đức, giá trị về thẩm mỹ đang bị tha hóa. Nhưng hôm nay, được tiếp xúc, được nhìn thấy ánh mắt các bạn thủ khoa, tôi nghĩ rằng suy nghĩ của ông và bản thân tôi có phần bi quan. Giá trị con người Việt Nam, yêu chân lý, yêu đạo đức, tôn thờ thẩm mỹ, và những giá trị của học vấn. Bản thân tôi rất tin tưởng vào các giá trị ấy.
Còn giải thưởng Fields tôi nhận được năm ngoái, đối với tôi là một sự công nhận giá trị của công việc với Toán học. Thành tích đó chỉ là chuyên môn thôi nhưng điều làm tôi rất vui (có thể là tôi chủ quan), đó là hình như nó làm dấy lên một niềm hy vọng, một niềm tin trong trí óc, trong trái tim của các bạn trẻ, một niềm tin vào thế giới tốt đẹp và trí tuệ Việt Nam.
* GS Ngô Bảo Châu có mong ước gì, nhắn nhủ gì với các bạn thủ khoa Việt Nam? (Anh Ngọ Duy Hiểu, Bí thư Thành Đoàn Hà Nội)
- Mong muốn của tôi có thể nói ngắn gọn thôi, hôm nay nhìn ánh mắt tự hào, trong sáng của các bạn khi các bạn lên ký vào sổ vàng vinh danh thủ khoa, điều tôi mong muốn nhất đối với các bạn là khi chúng ta gặp lại nhau 5 hoặc 10 năm nữa, các bạn vẫn giữ được ánh mắt đó, không để thực tế cuộc sống thay đổi niềm tin vào bản thân mình, niềm tin vào xã hội trong tâm hồn các bạn.
MẠNH CƯỜNG (ghi)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất