Vòng loại EURO 2016: Tại sao Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan rủ nhau... thua?

14/10/2014 11:09 GMT+7 | Euro 2020

(giaidauscholar.com) - Tây Ban Nha phải chịu trận thua đầu tiên ở vòng loại sau 8 năm bất bại. Đức lần đầu tiên trắng tay trước Ba Lan, và Hà Lan thì vừa gục ngã trước chú lùn Iceland,... Điều gì đang xảy ra?

Cần phải nhắc lại rằng Tây Ban Nha là đương kim vô địch châu Âu hai kỳ liên tiếp, trong khi Đức vừa mới đăng quang World Cup 2014, còn Hà Lan giành vị trí thứ ba. Họ cũng thường được giới chuyên môn gọi là Vua vòng loại. Nhưng biệt danh ấy bây giờ không còn phù hợp nữa.

Tâm lý chủ quan

Trước đám đông khán giả nhà ở Warsaw, Ba Lan đã giành chiến thắng 2-0 lịch sử trước những nhà đương kim vô địch thế giới Đức. Đó là lần đầu tiên họ quật ngã được người láng giềng. Hai ngày trước đó, Tây Ban Nha gục ngã 1-2 trên sân Slovakia, một tỷ số mà vài tháng trước, ít người dám nghĩ đến. Những bất ngờ chưa dừng lại ở đó. Albania, một đội bóng vốn bị xem là nhược tiểu, đã quật ngã Bồ Đào Nha 1-0 và cầm hòa Đan Mạch 1-1. Hà Lan chịu trận 0-2 trước Iceland.

Lý do nào đã tạo ra một hiệu ứng domino như vậy? Nỗ lực của những đội bóng cửa dưới, và tâm lý chủ quan của các đội chiếu trên xuất phát từ sự thay đổi thể thức của chính EURO 2016, với số đội dự VCK được tăng từ 16 lên 24. Với tám bảng 6 đội và một bảng 5 đội, việc giành 23 vé tới Pháp trở nên đơn giản hơn rất nhiều đối với các ông lớn châu Âu. Hai đội nhất nhì bảng và đội thứ ba xuất sắc nhất giành vé trực tiếp, trong khi 8 đội thứ ba khác vẫn còn cơ hội ở loạt đấu play-off.

Việc không phải chịu quá nhiều sức ép giành chiến thắng chính là nguyên nhân dẫn đến tâm lý tự mãn và không thi đấu hết sức lực trong các trận vòng loại. Hãy lấy Tây Ban Nha là một minh chứng. Họ đã trượt chân trước Slovakia, và có thể cả Ukraina nữa, nhưng còn những đối thủ còn lại thì sao? Ít ai nghĩ thầy trò Del Bosque có thể tiếp tục mất điểm trước những chú lùn như Belarus (hạng 89 FIFA), Macedonia (112) và Luxembourg (127), ngay cả khi đá không hết sức.

UEFA, mà đứng đầu là chủ tịch Michel Platini, vẫn ra sức bảo vệ quan điểm của mình rằng thể thức mới mang lại nhiều cơ hội hơn cho các nền bóng đá nhỏ. Đúng là sẽ cơ hội sẽ rộng mở hơn với một số đội hạng trụng, song thật ra, thể thức này là một cách thức để bảo vệ những ông lớn.

Nhân vô thập toàn

Không có đội bóng nào hoàn hảo, kể cả nhà vô địch thế giới. Đó là sự thực. Và có lẽ, chính những HLV cũng nghĩ rằng thà để cho những điểm hạn chế ấy bộc lộ trong quá trình vòng loại, còn hơn là để các cầu thủ ảo tưởng về sức mạnh của mình.

Đội tuyển Đức không còn lâng lâng với ánh hào quang tại Brazil nữa, sau những thất bại vỡ mặt trước Argentina và Ba Lan. Động lực thi đấu là một lý do, nhưng phải thừa nhận rằng họ cũng phải đối mặt với những khó khăn khác như một loạt trụ cột từ giã (Lahm, Mertesacker, Klose), cơn bão chấn thương (Oezil, Schweinsteiger, Khedira) hay kế hoạch trẻ hóa của HLV Joachim Loew. Thất bại trước Ba Lan là một nỗi thất vọng, nhưng không phải thảm họa.


Đội tuyển Tây Ban Nha của Del Bosque cũng đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề

Bóng đá Tây Ban Nha, sau thất bại thảm hại ở World Cup 2014, đã tồn tại những vấn đề ở cả cấp độ đội tuyển lẫn CLB, chứ không phải đợi đến vòng loại EURO 2016 mới bộc lộ. Đó là sự đi xuống của tiki-taka sau một giai đoạn thăng hoa. Là vấn đề của hàng tiền đạo khi niềm tin vào Diego Costa vẫn chưa được đền đáp xứng đáng. Đội bóng láng giềng của họ, Bồ Đào Nha, thì vẫn phải đối mặt với một bài toán không có lời giải trong vài năm qua: quá phụ thuộc vào siêu sao Ronaldo.

Cũng phải thừa nhận rằng các đội bóng hạng trung đã rút ngắn được đáng kể khoảng cách với những đại gia nhờ sở hữu những cầu thủ đang thi đấu ở các giải vô địch hàng đầu châu Âu. Minh chứng: Iceland đánh bại Hà Lan 2-0 bằng cú đúp của Gylfi Sigurdsson, cầu thủ đang tỏa sáng ở Premier League. Xứ Wales của Gareth Bale (Real Madrid) và Ramsey (Arsenal) đang dẫn đầu bảng B sau 3 lượt trận.

Tuấn Cương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm