27/10/2019 09:06 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) Một thông tin đáng chú ý: 100% đại biểu tại kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Quảng Ninh khóa XIII, nhiệm kỳ 2016-2021 đã tán thành sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long.
Như vậy, trong thời gian tới, toàn bộ diện tích 843,54 km2 và dân số 51.003 người của huyện Hoành Bồ được sáp nhập vào thành phố Hạ Long với 275,58 km2 và dân số 249.264 người.
Mở rộng chiếc áo chật
Hạ Long là một trong 4 thành phố và là thủ phủ, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, thương mại, dịch vụ của tỉnh Quảng Ninh với Vịnh Hạ Long, được UNESCO nhiều lần công nhận là di sản thiên nhiên của thế giới. Đây cũng là thành có vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực Đông Bắc Việt Nam, gần 2 đô thị lớn là Thủ đô Hà Nội, TP Hải Phòng và tương đối gần biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I từ năm 2013.
Trong khi đó Hoành Bồ là huyện có diện tích tự nhiên lớn (trên 850km2) nằm ở phía Tây của tỉnh, tiếp giáp với 3 thành phố lớn là Hạ Long, Cẩm Phả và Uông Bí; tiếp giáp với trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và du lịch của tỉnh. Ngoài vị trí địa lý thuận lợi, Hoành Bồ có hệ thống giao thông kết nối với các tuyến giao thông huyết mạch của cả nước, là khu vực giao cắt của tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái, gần hành lang kinh tế Đông - Tây, có QL279 đã được nâng cấp đi qua kết nối với tỉnh Bắc Giang đi Lạng Sơn.
Thực tế, trong quá khứ, Hạ Long (trước đây là TX Hồng Gai) đã nhiều lần được điều chỉnh địa giới có liên quan đến huyện Hoành Bồ. Như năm 1958, đã sáp nhập xã Thành Công thuộc huyện Hoành Bồ vào thị xã Hồng Gai, đến năm 1991, tiến hành sáp nhập xã Thành Công vào phường Hà Khẩu. Năm 2001, tiếp tục sáp nhập xã Việt Hưng và Đại Yên của huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long. Điều ấy cho thấy, hai địa phương có nhiều điểm tương đồng, gắn kết khách quan với nhau từ lịch sử, văn hóa, địa giới, kết nối KT-XH. Cùng với đó, hai địa phương có nhiều điểm khác biệt, là thế mạnh của bên này đồng thời là nhu cầu bổ khuyết của bên kia.
Từ vài năm gần đây, vấn đề sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP.Hạ Long đã được nhắc tới khá nhiều. Đó được coi là quyết định táo bạo của tỉnh Quảng Ninh nhưng lại rất cần thiết vào lúc này – khi việc sáp nhập không chỉ mở rộng không gian phát triển cho thành phố thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh mà còn giảm áp lực về không gian đô thị, giao thông, dân số, môi trường lên các khu vực ven Di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Đây cũng là điều kiện để Hạ Long được nâng tầm mà nhiều năm qua dù có nhiều tiềm năng lợi thế, nhưng thành phố này vẫn xếp sau nhiều địa phương lớn trong cả nước về hạ tầng. Việc sáp nhập cũng sẽ giúp hạn chế việc mở rộng không gia đô thị ra biển, đồng thời giải quyết được cuộc tranh chấp gay gắt giữa bảo tồn và phát triển kỳ quan vịnh Hạ Long từ nhiều năm qua.
Lộ trình tới thành phố trực thuộc Trung ương
Như thế, dự kiến , ngay trong năm 2019, tỉnh Quảng Ninh sẽ hoàn thành đơn vị hành chính mới có tên gọi là thành phố Hạ Long (diện tích 1.119,36km2, quy mô dân số 300.267 người), trong đó có 33 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 22 phường (thuộc thành phố Hạ Long hiện tại) và 12 xã thuộc huyện Hoành Bồ.
Với qui mô này, thành phố Hạ Long mới sẽ trở thành đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước về diện tích tự nhiên và đơn vị hành chính trực thuộc. Như lời ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư tỉnh ủy - Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, đây là chủ trương lớn, rất hệ trọng, mang tính lịch sử liên quan chặt chẽ đến sự ổn định và phát triển của tỉnh. Việc sát nhập sẽ mở ra không gian phát triển mới rộng lớn, với tầm nhìn dài hạn trong 1 đơn vị hành chính thống nhất sẽ nhân lên sức mạnh về tiềm năng, lợi thế, tối ưu hóa công tác quản lý, khai thác có hiệu quả các nguồn lực nhất là về đất đai, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa.
Còn theo Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy, trong thời gian tới, lượng du khách đến với Quảng Ninh sẽ tăng cao, do tính đa dạng của các loại hình, sản phẩm du lịch, từ du lịch biển, du lịch tâm linh, du lịch rừng và du lịch sinh thái…Trong khi đó, theo ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Hiệp Hội doanh nghiệp Quảng Ninh, việc mở rộng không gian thành phố Hạ Long sẽ tạo ra lực hấp dẫn cho các dòng vốn đầu tư vào khu vực Hoành Bồ, tuy nhiên Quảng Ninh cần sớm công bố các qui hoạch, phân vùng đầu tư một cách dài hạn, có vậy các doanh nghiệp mới yên tâm rót vốn.
Trước mắt, nhằm tạo thêm sức hút với các nhà đầu tư, Quảng Ninh sẽ đầu tư xây dựng 2 cây cầu qua Cửa Lục để kết nối Hạ Long với Hoành Bồ, đường nối khu công nghiệp Cái Lân với khu công nghiệp Việt Hưng vào đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông khu vực Hoành Bồ…bằng nguồn ngân sách của tỉnh.
Trong thời gian tới, Quảng Ninh đang có kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, xây mới, nâng cấp các trục giao thông kết nối các đô thị Hạ Long, Uông Bí, Quảng Yên, Đông Triều tạo ra 1 quần thể đô thị để thu hút dân số cơ học, tăng tỷ lệ đô thị hóa..nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc trung ương.
Tham vọng cũng là mục tiêu đặt ra, đến năm 2030 Quảng Ninh sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế…Tuy nhiên, để tiến tới mục tiêu này, Quảng Ninh vẫn còn cả một lộ trình dài trước mắt.
Anh Bảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất