18/01/2017 11:30 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Trước tình trạng làn đường dành riêng cho buýt nhanh (BRT) bị các phương tiện cá nhân thường xuyên lấn làn, làm giảm hiệu quả, phá vỡ các tiêu chí đề ra của buýt nhanh, UBND thành phố Hà Nội vừa đồng ý chủ trương thí điểm làm giải phân cách phục vụ tuyến buýt nhanh.
Có ý kiến cho rằng, việc lắp dải phân cách cứng bảo vệ làn đường dành riêng cho buýt nhanh đã thành công ở nhiều thành phố trên thế giới như Jakarta (Indonesia). Đây là một trong những thành phố đông đúc nhất thế giới, nơi mà hệ thống xe buýt nhanh được coi là một giải pháp hữu hiệu cho giao thông ở thủ đô của Indonesia.
Xe buýt nhanh (BRT) bị các phương tiện cá nhân thường xuyên lấn làn. Ảnh: Minh Sơn - Vietnam+
Những chiếc xe buýt lớn 2 khoang ở Jakarta đã phát huy được hiệu quả, nhất là vào giờ cao điểm bởi chúng được thiết kế làn đường riêng với dải phân cách cao, ngăn không cho các phương tiện khác lấn làn. Thực tế, ở mỗi đầu đường hoặc phân đoạn đường vẫn có phần đường mà các phương tiện nếu cố tình vẫn có thể lấn sang. Tuy nhiên, ý thức người dân đã được nâng cao cùng với việc cảnh sát sẽ phạt nặng những người vi phạm nên không có phương tiện cá nhân nào chạy lấn vào làn dành riêng cho xe buýt.
Tuy nhiên, đối với những tuyến phố Hà Nội chật hẹp, lưu lượng phương tiện giao thông lớn thì việc lắp dải phân cách cứng bảo vệ làn đường dành riêng cần được tính toán cẩn thận về mặt kỹ thuật, làm thí điểm để rút kinh nghiệm, tránh xảy ra những trường hợp tai nạn do người tham gia giao thông va vào dải phân cách cũng như ảnh hưởng đến việc điều tiết giao thông trong những tình huống cần thiết khi xảy ra ùn tắc giao thông.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội, dải phân cách cứng sẽ được thiết kế bằng kết cấu nhẹ tại một số vị trí từ nhà chờ đến nút giao thông liền kề để hạn chế lấn làn, tăng khả năng qua nút nhanh hơn cho BRT.
Dải phân cách cứng được lắp thí điểm ở một số vị trí nút giao từ vành đai 3 trở vào nội thành. Tuy lắp dải phân cách cứng trên toàn tuyến BRT đã được nhiều nước áp dụng thành công, song ở Việt Nam, cơ sở hạ tầng không cho phép để ưu tiên hoàn toàn cho buýt nhanh.
Theo báo cáo của Tổng Công ty vận tải Hà Nội, mặc dù tình trạng lấn làn, tạt đầu buýt nhanh vẫn diễn ra khá phổ biến nhưng hoạt động của BRT khá khả quan. Sau 10 ngày vận hành, buýt nhanh BRT đã vận chuyển gần 130.000 hành khách, bình quân 31,2 khách mỗi lượt.
Cùng với việc lắp đặt dải phân cách cứng, thời gian tới, tại các điểm giao cắt với làn xe buýt nhanh, ngành giao thông Hà Nội cũng sẽ lắp đặt loa thông báo, cảnh báo các đối tượng khi đi vào làn xe buýt nhanh, thông tin mức xử phạt để mọi người có ý thức chấp hành. Đồng thời, tiến hành xử phạt các đối tượng điều khiển phương tiện cố tình đi vào làn đường dành riêng cho buýt nhanh BRT.
TTXVN/Tuyết Mai
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất