Chuyện chưa biết về karaoke

04/11/2016 09:16 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Phát minh của ông phải được xếp vào tầm có ảnh hưởng toàn cầu, vì nó làm cả triệu người sung sướng, là cứu tinh cho vô số cuộc liên hoan và nhiều khi cũng là đòn tra tấn những hàng xóm mẫn cảm thính giác.

Daisuke Inoue, thần dân vĩ đại của xứ Mặt trời mọc, quên không đăng ký tác quyền nên đã lỡ cơ hội kiếm tiền tỷ với ý tưởng cách mạng của mình.

Rốt cuộc thì ông cũng bước lên đài vinh quang

... để nghe lời cảm tạ của Ủy ban Giải thưởng Nobel. Chính xác hơn là giải Ig-Nobel hàng năm với phương châm tối thượng “vui là chính“, được trao cho những thành tích khoa học trái khoáy. Đó là một ngày đẹp trời năm 2004, hơn bốn thập niên sau phát minh vĩ đại của Daisuke Inoue.

Người đàn ông với mái đầu hoa râm và cặp kính hơi ngoại cỡ ngượng nghịu bước lên sân khấu đón nhận giải “hạ lưu“ cho mục “Nobel Hòa bình“; hơn ai hết, ông hiểu rằng vụ này vui là chính, cho dù cái vui ấy thuộc về cả triệu người hưởng lợi khác, chứ bản thân ông lẽ ra kiếm bộn tiền.  

Vậy Inoue đã làm gì ghê gớm mà đại đa số chúng ta chưa bao giờ nghe tên? Người đàn ông quê Osaka, theo lời vinh danh của ủy ban trao giải, “đã phát triển một phương thức hoàn toàn mới để dạy cho người đời bao dung lẫn nhau“.

Ý tưởng của Inoue đã tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và lòng cảm thông sâu sắc giữa con người: một sân khấu, một micro, một phòng đầy những người sẵn sàng trút bỏ mọi ngượng ngùng lẫn ý tứ thường nhật để tung ra những điệu bộ sến súa và căng phổi gào lên những bài ca yêu thích của mình với độ chênh trung bình chừng hai, ba nốt so với nguyên bản, đôi khi còn bằng thứ ngôn ngữ mà họ hồn nhiên cho là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hoa, hay phương ngữ mẹ đẻ cực chuẩn.

Vâng, Daisuke Inoue chính là người phát minh ra kỹ nghệ karaoke, và lẽ ra ông giàu nứt đố đổ vách, nếu không phạm một lỗi đơn giản.

Mọi chuyện bắt đầu

... hồi thập niên 1970 ở Kobe, thành phố duyên hải cách Tokyo 400 cây số về phía Tây Nam, nơi âm nhạc không chỉ giúp giống bò cung cấp món steak nổi tiếng, mà còn là phương tiện kiếm cơm cho nhiều ban nhạc. Họ biểu diễn ở các nhà hàng và quán rượu, không hiếm khi phải chiều khán giả bằng cách để cho họ lên sân khấu cướp micro. Lúc đó, trong vài phút, ban nhạc có một ca sĩ mới với nhiều kỳ vọng trổ tài và ít khả năng xướng ca.

Hồi ấy Daisuke Inoue 31 tuổi, chơi trống trong một ban nhạc, và một ngày rảnh rang ông nảy ra sáng kiến: tại sao không tận dụng những phút giải lao và để thực khách hát trên nền nhạc thu sẵn trên băng cassette? Nghĩ là làm, ông đấu một đầu máy thu cassette với bộ tăng âm cỡ nhỏ cho guitar, nhét vào một thùng gỗ sơn trắng đỏ, rồi nối tất cả với một microphone.

Một cấu trúc đơn giản cho phép nối dòng điện khi người dùng nhét tiền xu vào, và thế là cỗ máy karaoke (kara: rỗng, oke: dàn nhạc) đầu tiên ra đời, về nguyên tắc không khác gì hôm nay, chỉ kém thuận tiện hơn vì thiếu máy tính trợ lực chọn bài.

Thành công bất ngờ khiến Inoue liên tục chế tạo thêm máy và cải tiến kỹ thuật. Ông thu âm hàng trăm bài của các đồng nghiệp địa phương với cao độ vừa phải cho dễ hát, cho các nhà hàng ở Kobe thuê máy, kèm theo ca từ mà ông in thành sách.

Chẳng mấy chốc cơn sốt karaoke lan đến các đô thị lớn như Osaka, Tokyo, dần dần ra toàn quốc. Inoue lập Công ty Crescent, tự chở trang bị kỹ thuật và các bài hát mới bằng xe tải nhỏ đến cho khách hàng mọi miền.

Mải mê công việc

... Inoue đã quên khuấy một công đoạn quyết định là đăng ký bản quyền cho phát minh của mình. Nói đúng hơn, ông không cho rằng đã phát minh ra một thứ gì mới mà chỉ chắp nối các kỹ thuật có sẵn. Thêm nữa là mức lệ phí đăng ký tác quyền ở mức vài nghìn USD.

“Tôi nghĩ bụng, dại gì bỏ ra chừng ấy tiền“, ông kể lại vào năm 2007 với nhà báo Mỹ Brian Raftery, tác giả cuốn sách Karaoke đã chiếm lĩnh thế giới và biến đổi cuộc đời tôi ra sao.

Tính khiêm nhường mang hơi hướng nhẹ dạ của Inoue bị các doanh nhân ma mãnh khác lợi dụng ngay. Cuối những năm 1970 xuất hiện hàng chục doanh nghiệp Nhật tung máy karaoke ra thị trường, khiến doanh số của Inoue xuống dốc trông thấy. Rồi kỹ thuật phi số cũng đang đến đà diệt vong, khiến các nhà hàng karaoke thi nhau thanh lý máy cũ chuyên dùng cassette.  

Năm 1993 Daisuke Inoue bị suy nhược thần kinh, phải nằm viện tâm thần ba tháng. Như ông kể lại, đến thời điểm đó ông cũng đã đủ vốn giắt lưng nhưng thấy cuộc đời quá trống trải vì không có mục tiêu nào lớn để theo đuổi. 

Một sáng kiến mới giúp Inoue

... quay lại cuộc đời doanh nhân. Ông phát triển một hộp kim loại nhỏ, chuyên tiết ra khí độc vào buổi đêm để diệt gián là thủ phạm cắn dây điện trong máy karaoke. Kể cũng trớ trêu, khi sáng kiến của ông có lợi cho những ai đã ăn cắp phát minh của chính ông. Ít nhất thì ở thời điểm này ông cũng đã nhạt đi mối hận cũ, và thế giới bao la thì đâu đã biết đến cái tên Daisuke Inoue để mà quên? 

Nếu như không có tạp chí Time châu Á 1999 đăng danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất đến thế kỷ 20. Và giữa những cái tên vang dội như Mao Trạch Đông và Mahatma Gandhi xuất hiện Daisuke Inoue! Time vinh danh ông vì đã "đưa lại tiếng nói cho người câm và thay đổi diện mạo đêm châu Á" - chẳng phải là một lời mát lòng mát dạ hay sao? 

Quả thật ý tưởng của Inoue là khởi đầu cho một cuộc cách mạng văn hóa theo nghĩa tích cực của nó. Ở Nhật Bản, hầu như mỗi góc phố có một quán karaoke với quy mô từ một đến năm sao. Ngay cả trong taxi hay bể tắm cũng có karaoke mua vui cho khách.

Và dù khiêm tốn, Inoue tin rằng đã góp phần thay đổi đồng bào mình: “Người Nhật vốn kín đáo và hướng nội, nhưng ấn vào tay họ cái micro thì họ sẽ không bao giờ chịu ngừng hát!“.

Tràng pháo tay sau bài tạ ơn của ông ở buổi trao giải Ig-Nobel được ghi nhận là dài nhất trong lịch sử giải.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm