20/04/2015 13:45 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Đầu mùa, rất khó phát hiện khác biệt giữa Juventus thời Massimilliano Allegri với Juventus thời Antonio Conte.
Dấu ấn của ông Allegri lên Juve khi ấy chưa rõ và sự ra đi của Conte là quá đột ngột.
Sự đối lập giữa Allegri với Conte đã quá rõ ràng
Nhưng giờ sự khác biệt đã rõ ràng hơn. Không phải sơ đồ chiến thuật hay con người, cách tiếp cận trận đấu của Juve thời Allegri là khác biệt rõ nhất. Nếu Conte coi sự bùng nổ là tối thượng thì Allegri lấy sự điềm tĩnh làm tôn chỉ. Ông hét đến khản cổ ở đường biên và hoạt bát chẳng kém người tiền nhiệm nhưng trên sân trước Lazio là một Juve đầy toan tính: Không vồn vã chứng minh sức mạnh, không vồ vập chứng tỏ họ mới là đội chủ nhà, và cũng không bị kích thích khi đối thủ là đội vừa thắng trận thứ 8 liên tiếp tại Serie A và leo lên nhì bảng.
Juventus thậm chí lùi sâu chờ đợi. Trong khi Lazio vừa ào lên tấn công mà không thể ghi bàn, Juve trừng phạt đối thủ bằng một pha bóng thoạt nhìn… vớ vẩn: Hai quả đánh đầu lập bập đẩy bóng đến chân Carlos Tevez, để trong cơ hội đầu tiên, lần chạm bóng đầu tiên, tiền đạo người Argentina tàn nhẫn trừng phạt đội bóng thành Rome. Kịch bản được kéo dài: Ngay sau khi Bonucci chặn cú sút của Miroslav Klose, chính hậu vệ này dẫn bóng từ giữa sân ghi bàn trong một pha phản công chớp nhoáng. Phải, phản công! Phải, Bonucci dẫn bóng! Anh thấy khoảng trống, cứ lao lên như một mũi tên và nhất quyết không chuyền dù Alessandro Matri đã xin bóng. Đó là liều lĩnh và bản lĩnh.
Juventus kiểm soát bóng chỉ hơn 40% thời lượng. Juventus dứt điểm chỉ bằng 1 nửa Lazio, nhưng độ chính xác tương đương và hiệu quả thì vượt trội. HLV Pioli thừa nhận sự tàn nhẫn của nhà đương kim vô địch, nhưng đó là bộ mặt Juve chúng ta đã quen thấy mùa này: Lạnh lùng như một tảng đá, không mảy may lộ chút cảm xúc, trước khi vung kiếm kết liễu đối thủ.
Những tưởng một loạt trận đấu kiểm soát bóng vượt trội các đối thủ đầu mùa sẽ biến Juve thành một phiên bản của Barcelona thời tiki-taka. Nhưng hóa ra đây mới là bộ mặt thật của họ: Bộ mặt đã phô ra trong trận đấu gần như tử thủ trên sân Olimpico trước Roma; Bộ mặt đã bình thản hạ Fiorentina đến 3-0 bằng các cầu thủ dự bị ở cúp Italy; Hôm qua là Lazio, vẫn sự lạnh lùng ấy, không còn là một Juve luôn muốn “ăn” lấy từng tấc cỏ như triết lý của Conte.
Allegri không thể cay độc
Lật giở lại 18 trang Luận án bóng đá của Max Allegri khi ông học tại trung tâm huấn luyện Coverciano, thì thấy HLV này là một tín đồ của phòng ngự từ xa: Ông bị ám ảnh bởi cách bài trí hàng tiền vệ 3 người, theo công thức gồm 1 số 4, 1 số 8 và 1 số 10, có sự cơ động để tấn công, sáng tạo để tổ chức, nhưng đặc biệt phải biết cách lấp đầy những khoảng không. Chúng ta thấy ở những Boateng, Emanuelson, Nocerino, Van Bommel tại Milan, và giờ chúng ta thấy ở Roberto Pereyra đá hộ công tại Juve, Pirlo chơi regista (số 4), hay những Vidal, Marchisio đóng vai trò số 8 và số 10.
Đội Juve này, như Allegri nói trong cuộc phỏng vấn với báo The Guardian tuần trước, phù hợp với thứ bóng đá của ông, “và đã đến đúng thời điểm trưởng thành”. Thời điểm ấy chưa đến thời Conte, khi các cầu thủ vẫn run rẩy ở châu Âu, hăng hái muốn thể hiện tại đấu trường trong nước. Nhưng như Andrea Pirlo nói: “Allegri giúp chúng tôi bình thản hơn nhiều. Ông ấy không quá đề cao các trận đấu, kể cả khi chúng tôi phải thắng để sống sót”.
Nó “phớt đời” và khác hẳn Conte. Pirlo viết thế này về Conte trong tự truyện: “Những lời nói của ông ấy là thuốc độc”. Ngày mới đến, ông ấy bảo: “Các anh, chúng ta trắng tay trong vài năm qua. Với tôi, đó là một nỗi nhục” .
Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất