Nhật - Hàn "khẩu chiến" vì Gangnam Style

25/10/2012 08:15 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Ca sĩ Psy có thể đã chinh phục cả thế giới với ca khúc ăn khách Gangnam Style của anh. Nhưng cơn sốt đã nhanh chóng nguội lạnh rồi tắt ngấm khi vào Nhật Bản và sự thờ ơ của người Nhật với Psy đã khiến cho người Hàn nổi cáu.

Tờ Dong-a Ilbo là một trong những cơ quan truyền thông đầu tiên "nhắc nhở" việc báo chí Nhật Bản ít khi đưa tin về cơn sốt Gangnam Style.

Vì đâu nguội lạnh?

Tờ báo kết luận rằng vì việc này, những người Nhật Bản vốn biết rõ và ưa thích các diễn viên Hàn Quốc như Bae Yong-jun và Jang Geun-seok, lại chẳng mấy khi nghe tới cái tên Psy. Dong-a Ilbo chỉ ra rằng nhật báo hàng đầu của Nhật Bản là Mainichi Shimbun đã từng viết về ca khúc của Psy trong một bài báo mang tựa đề Gần với vị trí số 1 ở Mỹ, nhưng lại đưa rất ít thông tin về màn trình diễn của Psy ở Seoul Plaza đã được phát sóng trên toàn thế giới, cũng như vị trí của ca khúc trên bảng tổng sắp U.S. Billboard Hot 100.

Nhưng theo blog chuyên đưa tin về Nhật Bản Kotaku, nguyên nhân để Psy không tạo lửa tại nước láng giềng có thể do anh đã không tuân theo "truyền thống" như các ngôi sao K-pop khác, đó là công bố phiên bản tiếng Nhật của Gangnam Style.

Thực tế, Psy đã từng có ý định cung cấp phiên bản tiếng Nhật của Gangnam Style. Hồi tháng 8 vừa qua, công ty thu đĩa của Psy là YGEX, thông báo việc anh sẽ công bố phiên bản Gangnam Style Nhật Bản có chỉnh sửa đi một chút, dưới tên gọi mới là Roppongi Style. Nhưng sau khi ca khúc gốc bùng nổ về mức độ được yêu thích tại các thị trường nước ngoài, YGEX đã quyết định sẽ chỉ tung ra phiên bản Gangnam Style tiếng Hàn. Kết quả là Roppongi Style chưa bao giờ xuất hiện cả.

Lời qua tiếng lại

Trong khi chưa rõ vì nguyên nhân gì mà Gangnam Style không gây sức hút ở Nhật Bản, đã có những luồng dư luận của Hàn Quốc lý giải nguyên nhân do tranh chấp biển đảo song phương. Thực tế hồi cuối tháng 8 vừa qua, ngay khi Psy đang nổi như cồn trên thế giới, một cuộc tranh chấp về quần đảo mà Nhật Bản gọi là Takeshima và Hàn Quốc gọi là Dokdo đã nổ ra. Khi căng thẳng ngoại giao tăng lên, công chúng Nhật Bản đã dần tránh khỏi các hoạt động có thể đề cao Hàn Quốc.

"Cáu sườn" trước lời buộc tội của phía Hàn Quốc, nhiều blog âm nhạc ở Nhật Bản đã đặt ra giả thuyết đoạn video của Psy thành công trên YouTube, với 530 triệu lượt người xem và con số đang ngày càng tăng lên, là nhờ người Hàn Quốc sử dụng các chương trình "câu lượt người xem tự động", còn được gọi là "bot". Một số người thậm chí còn chế nhạo Gangnam Style là F5 Style, với ý ngầm cáo buộc người dùng Hàn Quốc đã "giở chiêu bẩn" bằng bàn phím để tăng độ nóng cho ca khúc.

Hôm 22/10, Viện Nghiên cứu Làn sóng Hàn Quốc (KWRI) đã ra tuyên bố bác bỏ "thuyết âm mưu" của người Nhật. Han Koo-Hyun, chủ tịch KWRI, một tổ chức được giao nhiệm vụ khuếch trương văn hóa Hàn Quốc ra thế giới, nói rằng các cáo buộc như trên từ phía Nhật Bản là sự "sỉ nhục", giống với việc "nghi ngờ kỷ lục thế giới trong một cuộc chạy thi marathon Olympic".

Ông Han cũng nói rằng phản ứng thờ ơ của người Nhật với ca khúc nên được xem như "thái độ ganh ghét và ghen tị" vẫn xuất hiện ở những đứa trẻ học tiểu học. Dường như chưa "đã", Han tiếp tục mỉa mai chua cay về đoạn video Nhật Bản duy nhất nằm trong nhóm 30 đoạn video được xem nhiều nhất trên YouTube. Hiện đứng thứ 28 với 237 triệu lượt người xem, đoạn video có cảnh một thiếu nữ Nhật Bản đang thực hiện trò vui khá phổ biến trong cộng đồng mạng là thả một viên kẹo bạc hà vào một lọ Coca Cola để nó bắn bọt ra khắp nơi.

Han đã gọi nội dung của đoạn video là "lố bịch và ngớ ngẩn nhất" trong toàn bộ nhóm dẫn đầu bảng xếp hạng. Ông cũng nói rằng đoạn video là "ví dụ tầm thường cho thấy sở thích lựa chọn video của khán giả Nhật Bản".

Hiện chưa rõ người Nhật sẽ có phản ứng gì với những lời châm chích mới này. Nhưng xét tới việc tranh chấp biển đảo đang là mối quan tâm lớn của cả Nhật Bản và Hàn Quốc, có thể thấy Psy và ca khúc Gangnam Style của anh chỉ là những nạn nhân bất đắc dĩ trong màn "ném đá" giữa đôi bên.

Tường Linh (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm