Như Neuer, Courtois cũng có thể giành Bóng vàng

05/12/2014 14:40 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Manuel Neuer đã được chọn vào danh sách rút gọn cho danh hiệu Quả bóng vàng thế giới, cùng Ronaldo và Messi, nhưng liệu anh có phải thủ môn xuất sắc nhất, khi mà Thibaut Courtois cũng không hề kém cạnh.

Các thủ môn thường chịu thiệt thòi lớn trong các cuộc đua tranh danh hiệu cá nhân bởi vị trí của họ có những khó khăn riêng khi so với những cầu thủ khác. Tuy nhiên, đây đang là một tuần lễ vui với những người gác đền. Manuel Neuer vừa được chọn vào danh sách rút gọn của danh hiệu Quả bóng vàng bên cạnh những cái tên đã rất đỗi quen thuộc là Cristiano Ronaldo và Lionel Messi. Khá nhiều người muốn Neuer chiến thắng không chỉ vì anh đã giành World Cup mà một phần do anh còn là một thủ môn, và một phần vì họ muốn tránh đi sự nhàm chán.

Nhưng có thể, Neuer không phải thủ môn xuất sắc nhất thế giới. Thibaut Courtois dường như còn xuất sắc hơn.

Neuer: định nghĩa lại vị trí thủ môn

Điều đặc biệt giúp Neuer được đề cử, dĩ nhiên không chỉ là khả năng giữ khung thành thuần túy. Anh đã định nghĩa lại vị trí thủ môn bằng những kỹ năng rất xuất sắc của một cầu thủ chơi phía trên. Anh có thể chơi như một trung vệ, và sẵn sàng lao ra khỏi vòng cấm bất cứ lúc nào.

Trận Đức thắng Algeria 2-1 ở vòng 2 World Cup 2014 vừa rồi là một minh chứng khi Neuer thi đấu giống một hậu vệ quét hơn là một trung vệ. Anh thường xuyên đứng rất cao, và có tới 19 pha chạm bóng ở ngoài vòng cấm địa. Thông thường, các thủ môn chơi ở phía sau một hàng phòng ngự dâng cao để đánh chặn từ xa, nhưng Neuer thì đích thân làm công việc đó nhờ sự tự tin rất lớn về khả năng phán đoán và băng cắt.


Neuer có thể chơi như một trung vệ, và sẵn sàng lao ra khỏi vòng cấm bất cứ lúc nào

Neuer không phải thủ môn duy nhất thi đấu theo phong cách này. Một thủ môn như thế được coi là hình mẫu của Johan Cruyff trước đây, được rất nhiều thủ thành Nam Mỹ ưa chuộng, trong đó có Rene Higuita, người gác đền “điên khùng” của đội tuyển Colombia ở World Cup 1990. Tuy nhiên, anh này đã phải trả giá đắt sau một pha dâng cao và bị Roger Milla làm cho bẽ mặt.    

Với Neuer thì khác, đơn giản vì anh là một cầu thủ thông minh, đồng thời là một thủ môn xuất sắc. Với anh, việc dâng cao là một hành động thông minh hơn là điên rồ.

Courtois: Điềm tĩnh và chắc chắn

So với Neuer, Courtois điềm tĩnh hơn, dè dặt hơn, thậm chí có phần đối nghịch về phong cách. Nhưng theo cách đó, Courtois cũng hiệu quả không hề kém.

Điểm lợi thế của Courtois là gì? Đầu tiên, anh là một người khổng lồ thực sự với chiều cao 1m99, hơn Neuer 6 cm, hơn De Gea 7 cm, và hơn Hugo Lloris đến 11cm. Với các thủ môn, người ta hay đề cập đến những pha cứu thua trên đầu ngón tay thì rõ ràng, Courtois ăn đứt những người đồng nghiệp "một đến hai ngón tay".

Tuy nhiên, Courtois cao chứ không phải to. Có một khác biệt: Edwin van der Sar cao còn người thay thế anh ở Juventus, Gigi Buffon thì to, và không có gì ngạc nhiên khi Courtois ngưỡng mộ cựu thủ môn Hà Lan. “Tôi đã xem Edwin van der Sar thi đấu và cố gắng học hỏi từ cách chơi của anh ấy. Anh ấy không phải một người cơ bắp và có thể hình tương đương với tôi”, Courtois tiết lộ trên Guardian. Chiều cao vượt trội giúp anh chiếm lợi thế trong hai trường hợp: chặn các cú sút và ngăn các đường tạt.


Với Courtois, khả năng cứu thua đã trở thành một thương hiệu

Với các thủ môn, việc chặn bóng là chuyện thường ngày, dù ở những đội lớn, thông thường thủ môn chỉ phải cứu bóng 1 lần/trận. Nhưng với Courtois, khả năng cứu thua đã trở thành một thương hiệu. Cư dân mạng đã lấy tên gọi “Thibauting” để mô tả những tình huống vươn tay hết cỡ để cứu thua, hay đổ người cực nhanh.

Kỹ năng khống chế các đường tạt bóng đã bị xem thường trong vài năm gần đây vì nhiều đội bóng lớn đã chơi với hàng thủ dâng cao và thủ môn thường phải đối mặt với pha một đối một hơn là những đường tạt liên tiếp. Tại Atletico, đội bóng chới với hàng phòng thủ lùi sâu hơn so với Barca hay Bayern, Courtois đã chỉ huy vòng cấm địa của mình rất xuất sắc. Anh khiến nhiều người nhớ tới Peter Bonetti, một trong những thủ môn nổi tiếng nhất trong lịch sử Chelsea, người đã biến kỹ năng khống chế các đường tạt thành một nghệ thuật trong thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước, dù ông chỉ cao 1m77.

Về mặt này, Courtois rất chủ động, nhưng không phải theo cách của Neuer. “Tôi nghĩ rằng một thủ môn phải góp mặt ở ngay phía sau hàng hậu vệ và chỉ lao lên khi cần thiết. Nếu bạn chơi ở xa hàng hậu vệ, đối phương sẽ tranh thủ tạt bóng. Nếu họ thấy thủ môn đứng gần các hậu vệ, họ sẽ không có khoảng trống để tạt bóng, hoặc nếu họ muốn chơi bóng bổng, mà thủ môn đã lên, thì pha bóng kế tiếp sẽ phải thay đổi, và khung thành sẽ ít nguy hiểm hơn”, anh tiết lộ trên kênh Chelsea TV hồi đầu năm.

Nghệ thuật cản phá

Khả năng cản phá của Courtois trong các tình huống mặt đối mặt cũng tốt không kém, khi anh trở về Chelsea. “Ở đây, việc lao ra ngoài vòng cấm địa để cản phá là thực sự quan trọng bởi hàng phòng ngự chơi cao hơn Atletico”. Các sách giáo khoa về thủ môn có lẽ nên lấy Courtois làm minh chứng cho thuật ngữ “Quick off his line”.

Đó là một cụm từ mô tả hành động băng ra rất nhanh của một thủ môn từ vị trí xuất phát của mình sau khi tiền đạo đối phương ở vào một tư thế thuận lợi. Nhưng làm thế nào để các thủ môn có thể hoàn tất ý đồ của mình? Họ sẽ để tiền đạo đối phương vượt qua, hay chấp nhận chịu một quả phạt đền và thẻ đỏ. Đã có nhiều thủ môn mắc phải điều đó nhiều lần.


Khả năng cản phá của Courtois trong các tình huống mặt đối mặt cũng tốt không kém

Courtois rất nhanh, nhưng theo một cách khác. Với anh, “nhanh” là tốc độ băng lên phía trước hơn là phản xạ tình huống. Courtois thường di chuyển ngay sau khi tiền đạo chạm bóng và anh biết rằng các tiền đạo thường không muốn chạm bóng nhiều trong các tình huống ấy – họ thường xuyên có xu hướng đẩy trái bóng lên trước rồi sút. Bởi thế, trước khi tiền đạo nhận bóng Courtois thường giả đò phản ứng chậm một chút để đối phương chạm bóng hơi quá. Ngay sau pha chạm bóng của đối phương, anh băng lên với tốc độ cực nhanh.

Chiến thắng 2-0 trước Leicester, trận thắng sân nhà đầu tiên của Courtois là một minh chứng. Đầu hiệp hai, khi tỷ số đang là 0-0, Courtois đã có một pha cứu thua mặt đối mặt cực kỳ xuất sắc trước David Nugent. Anh không bứt tốc ngay mà đợi sau pha chạm bóng của Nugent mới băng ra cực nhanh làm hẹp góc sút, dù tiền đạo này đã dứt điểm rất nhanh.

Ngoài việc so sánh với Neuer, còn một người Đức nữa mà Courtois cũng muốn đua tranh: Jens Lehmann,người gác đền của đội hình Arsenal bất bại mùa giải 2003-04. Courtois hiện nay đang có phong độ cao hơn cả Lehmann khi đó, và nếu anh tiếp tục duy trì phong độ ấy, Chelsea hoàn toàn có thể trở thành đội bóng bất bại như Arsenal 10 năm về trước.

Tuấn Cương
(Theo Soccernet)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm