ĐT Anh: Chiến thuật, hay con người

11/09/2012 14:00 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH) - Điều các khán giả chủ nhà chờ đợi ở thầy trò Roy Hodgson đêm nay không chỉ là ba điểm. Họ muốn thấy Tam sư sẽ chơi với một bộ mặt nào trước Ukraina, đối thủ được đánh giá là mạnh hơn hẳn so với Moldova.

Hồi tháng Sáu, trên đất Ukraina, ĐT Anh đã chấp nhận đá cửa dưới để rồi giành chiến thắng 1-0. Nhưng ba điểm ấy không hề xứng đáng khi trung vệ John Terry đã cứu bóng từ một tình huống đã qua vạch vôi gần... nửa mét. Ở Wembley, khán giả Anh hoàn toàn không muốn chứng kiến việc đối phương tung sút gần gấp đôi, cầm bóng gần gấp rưỡi như tại Donetsk nữa. Dù thiếu vắng tới 7 trụ cột, ĐT Anh vẫn sẽ phải thể hiện vị thế của đội bóng hạng ba thế giới, nhất là khi đối thủ của họ cũng đang cố gắng cách tân ở thời kỳ hậu Sheva.

Có thể nhiều người sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi chứng kiến người Anh nhàn nhã hạ gục Moldova 5-0 trong một trận đấu mà Tom Cleverley đã chơi rất hay trong vai trò cầu nối giữa tuyến tiền vệ và tiền đạo cắm duy nhất. Nhưng để lặp lại phong độ ấy trước Ukraina lại là chuyện khác. Với tất cả sự tôn trọng dành cho Moldova, có thể khẳng định một điều rằng dù Tam sư có đá 4-4-2, 4-3-3 hay 5-3-2 thì chuyện họ đại thắng ở Chisinau cũng chẳng có gì bất ngờ cả.

Bài test thực sự cho chiến thuật của một HLV cũng như chất lượng cầu thủ đến từ Ukraina, một trong những đội bóng giàu kỹ thuật nhất ở châu lục, hay ĐT Ý ba tháng trước. Hẳn nhiên, người Anh muốn thấy đội nhà chơi bớt cứng nhắc hơn, nhất là trước các đội bóng lớn, dù rằng xét về mặt hiệu quả, Tam sư của Roy Hodgson đang đạt yêu cầu với 8 trận bất bại (7 thắng, 1 hòa).

Nhưng vấn đề với người Anh không nằm ở chiến thuật, mà là con người. Phẩm chất của cầu thủ giúp hệ thống vận hành trơn tru hay không, chứ không phải HLV. Điều một nhà cầm quân có thể áp đặt là làm thế nào để các học trò phản ứng tích cực khi trận đấu đi theo một chiều hướng nhất định. Trận tứ kết với Ý ở EURO 2012 là một minh chứng. Andrea Pirlo thật ra cũng không gây hại trực tiếp cho hàng thủ Tam sư và đó là lý do trận đấu phải giải quyết ở loạt sút luân lưu. Nhưng nếu Rooney, người đá cặp với Welbeck ở trận đó, được kéo xuống thấp hơn nhằm hạn chế tầm hoạt động của Pirlo, có thể diễn biến trận đấu sẽ đi theo một chiều hướng khác.

Thật khó để trách Hodgson trong trường hợp ấy, dù rằng ông có thể tác động với Rooney bằng chỉ đạo từ băng ghế dự bị. Nhưng rất nhiều HLV cũng sẽ làm như Hodgson: tin vào cảm giác vị trí cũng như sự linh động của cầu thủ trong từng trường hợp cố định. Nói cách khác, điều mà Hodgson cần làm không chỉ là áp dụng sơ đồ nào trước các đối thủ khác nhau, mà giúp các học trò có thể tự do đưa ra quyết định dứt khoát trong từng thời điểm của trận đấu. Thực tế, các đội bóng lớn ở Anh hoặc châu Âu, đều sở hữu những cầu thủ có khả năng thích ứng cao, và HLV thì đặt niềm tin vào trách nhiệm của họ.

Với Cleverley, ĐT Anh đang sở hữu một cầu thủ có tiềm năng để vươn mình lên đẳng cấp quốc tế. Jack Wilshere cũng là một tài năng trẻ có tố chất kỹ thuật đáng để mong chờ, tiếc rằng sự nghiệp của anh bị đứt đoạn khá lâu vì chấn thương. Được kỳ vọng không kém là Oxlade-Chamberlain, dù anh vẫn cần được mài giũa khá nhiều. Nhưng người Anh cần nhiều hơn ba ngôi sao, nhất là khi họ muốn cạnh tranh sòng phẳng với TBN, Ý hay các ông lớn Nam Mỹ.

Chỉ có điều, đó là vấn đề của cả nền bóng đá, và không thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Làm thế nào để các tài năng trẻ của bóng đá Anh có thể vươn lên tầm thế giới khi những nhạc trưởng thực sự đều là người nước ngoài, trong khi các chân sút nội đẳng cấp lại như lá mùa thu. Theo một công bố mới đây, công tác đào tạo trẻ của người Anh kém nhất trong số các nền bóng đá lớn ở châu Âu.

Đừng trách Hodgson nếu như đội bóng của ông không thể hiện được vị thế của một đội hạng ba thế giới. Cá nhân như thế nào, tập thể như vậy mà thôi.

Tuấn Cương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm