19/04/2018 07:07 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Chuỗi hoạt động chào mừng Ngày sách Việt Nam (21/4) lần thứ V đã được khai mạc tại Hà Nội từ hôm qua 18/4. Ở nước ta, những năm gần đây rộ lên phong trào Khởi nghiệp (startup).
Các nhà khởi nghiệp không ngừng học hỏi và tìm kiếm cơ hội phát triển kinh tế. Tuy nhiên, có một mấu chốt thú vị mà không phải ai cũng biết: Sự liên quan giữa việc đọc sách và phát triển kinh tế. Thế kỉ 21 đã đi qua gần hai thập kỷ, con người có nhiều lựa chọn về mặt phương tiện để tiếp cận thông tin tri thức qua các kênh nghe, nhìn. Nhưng việc thúc đẩy nhu cầu đọc sách vẫn là cách làm tuyệt vời và an toàn mà những nhà hoạch định tương lai một đất nước phát triển bền vững hướng đến.
Thi hào Nga A.Puskin từng nói: “Đọc sách là cách học tốt nhất”. Không chỉ dừng lại ở mức độ là cách học tốt nhất, đến nay nhìn vào tương quan phát triển của các nước trên thế giới, có thể dễ dàng nhận ra những đất nước phát triển về mặt kinh tế cũng là những nước có tỉ lệ người đọc sách cao so với những nước kém phát triển hơn.
Như Nhật Bản, trung bình một năm mỗi người dân ở xứ sở hoa anh đào này đọc hơn 10 cuốn sách, người Đức với gần một nửa dân số đọc ít nhất một quyển sách một năm. Đây đều là những nền kinh tế nằm top đầu thế giới hiện nay.
Hơn thế, việc chú trọng vào đọc sách ngoài lợi ích nâng tâm văn hóa nó còn có một mặt lợi vĩ mô trước mắt đó là nâng cao vốn tri thức để thúc đẩy nền kinh tế đi lên. Với những quốc gia khởi nghiệp thì điều càng có ý nghĩa to lớn hơn.
Thời kỳ Minh Trị, nước Nhật thực hiện cải cách để phát triển thì với những cuốn sách như “Bàn về tự do”, “Tự lo” được in khoảng 1 triệu bản, dù dân số Nhật lúc đó chỉ hơn 30 triệu người.
Nhìn gần hơn ở những quốc gia đang phát triển láng giềng như Malaysia hay Thái Lan, chúng ta cũng không khỏi giật mình về tỉ lệ đọc sách ở các quốc gia này. Nếu giai đoạn 2005, ở Malaysia mỗi người trung bình chỉ đọc 2 quyển sách/năm thì đến năm 2015, con số này tăng lên 14 quyển/năm. Còn người Thái thì trung bình dành ít nhất 37 phút đọc sách mỗi ngày. Giá trị GDP của hai quốc gia này chỉ xếp sau Singapore trong khu vực ASEAN.
Với những nước đang phát triển thì con số về tỉ lệ đọc sách trong cộng đồng có xu hướng đi ngược lại. Việt Nam là một ví dụ. Theo thống kê của bộ VH-TT&DL năm 2011 thì tỉ lệ đọc sách của người Việt là 0,83 quyển/năm, con số này đến năm 2016 là… 1 quyển/năm.
Thẳng thắn, không chỉ dừng lại ở mức độ văn hóa đọc thấp, việc lựa chọn sách đọc của người Việt cũng đang có những dấu hiệu đáng báo động. Những cuốn sách kinh điển, những cuốn sách có tính chất làm tri thức nền thì chỉ được in khoảng từ 1.000 đến 3.000 bản, trong khi đó những cuốn sách chỉ thuần mang tính giải trí lại được in ấn và phát hành với số lượng từ chục ngàn bản trở lên. Như vậy có thể thấy đa số người Việt không lựa chọn sách như phương tiện tri thức để học hỏi mà chủ yếu để giải trí.
***
Tính đến năm 2018, chúng ta đã đi gần hết chặng đường 10 năm thực hiện Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn 2030. Trong đề án, có mục tiêu nâng tỉ lệ người đọc sách thường xuyên từ 30% lên đến 65% trong năm 2020.
Ngày Sách Việt Nam, nói lại chuyện này chỉ để khẳng định: văn hóa đọc tưởng như là một cái gì đó vĩ mô, nhưng lại thiết thân tới mỗi chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Sự quyết tâm của Nhà nước và ngành xuất bản chỉ là bước khởi đầu. Phần còn lại, phụ thuộc vào chính chúng ta.
Tiểu Mục Đồng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất