Ca sĩ Khánh Linh: Đứng ngoài những xô bồ của đời sống

05/08/2012 12:04 GMT+7 | Âm nhạc

Khánh Linh đã chuyển vào Sài Gòn, đầu quân cho Nhà hát Bông Sen. Một bước chuyển dịch có ý nghĩa trong cuộc sống và sự nghiệp của “chim họa mi”. Hằng đêm, trong những phòng trà nhỏ ở Sài Gòn, tiếng hát trong veo, da diết của Khánh Linh lại vang lên.

1. Tôi gặp Khánh Linh trong những cuộc dịch chuyển liên tục của cô từ Nam ra Bắc. Khánh Linh nói, đơn giản đó chỉ là một sự chuyển đổi về không gian sống và cô đang muốn làm mới lại chính mình. Sài Gòn không phải là miền đất hứa cho những ngôi sao ca nhạc. Rất nhiều ca sĩ đã thất bại trở về. Và Sài Gòn cũng là vùng đất của những xô bồ, ồn ã. Người nghệ sĩ rất dễ bị cuốn vào cơn lốc của cơ chế thị trường. Nhưng Khánh Linh rất tự tin, cô nói, có một Sài Gòn khác, ẩn sau cái vẻ ồn ào, phồn hoa của phố thị là một Sài Gòn lắng sâu của những nỗi niềm. Ở đó, họ có những phòng trà, những đêm nhạc xưa chật kín người nghe. Ở đó, họ có khán giả cho riêng mình.

Những đêm nhạc đầu tiên của Khánh Linh tại các phòng trà nhỏ ở Sài Gòn đã chứng minh điều đó. Khánh Linh bảo, cô chỉ có một đam mê và một nghề để sống. Linh muốn lao động cật lực để có một ngôi nhà cho con trai, muốn tạo dựng một không gian sống thuần túy bằng âm nhạc, nơi tuổi thơ của cô đã từng được sống. Nhưng sẽ không ồn ào. Linh đủ bản lĩnh để đứng ngoài những thứ phù du đó và đi con đường riêng của mình.



Ở đâu đó, giữa Sài Gòn ồn ào và phù hoa, vẫn có những góc nhỏ của sự sâu lắng và chiêm nghiệm. Nơi đó sẽ cần những người như Linh. Dòng nhạc của Phạm Duy là những bước khởi đầu cho Linh bước chân vào thị trường âm nhạc sôi động này. Linh tự tin và chậm rãi bước từng bước trên con đường của mình bởi tôi hiểu, có một nguồn năng lượng trong cô đang được nhen lên và sẽ bùng cháy.

Khánh Linh vốn sinh ra trong một gia đình nghệ thuật. Mẹ cô là NSND Vũ Dậu nổi tiếng với những bài hát tiếng hát át tiếng bom. Còn bố cô là nghệ sĩ đàn bầu. Anh trai Khánh Linh, nhạc sĩ Ngọc Châu cũng là một người chỉn chu, nghiêm ngắn. Khánh Linh lớn lên trong một gia đình thuần túy nghệ thuật, trong sự yêu chiều của cả gia đình. Âm nhạc đã đi vào tâm hồn đa cảm của cô gái này từ ngày còn rất bé. Và cứ thế, niềm đam mê cuốn cô đi.

Thế nhưng, ngay từ bé, Khánh Linh đã bộc lộ một cá tính khác lạ, không giống ai. Mẹ cô từng đùa con gái yêu: “Con thật là đa nhân cách”. Bởi cô khác biệt so với những người trong gia đình. “Bố mẹ tôi vốn là người truyền thống, còn tôi nổi loạn điên rồ, nhiều lúc tôi thương mẹ, vì lớn thế này mà mẹ vẫn phải lo lắng cho tôi. Nhưng tôi nổi loạn trong khuôn khổ của mình chứ không bao giờ để lại những điều tiếng thị phi. Hà Nội này quá bé nhỏ, nếu tôi không nghiêm túc, chắc cả Hà Nội này đã biết tiếng tôi rồi”.

2. Khánh Linh ngoài đời mộc mạc, giản đơn. Cô không trang điểm, không tô vẽ mình khi xuất hiện trước đám đông như các nghệ sĩ khác. Và cứ hồn nhiên, mộc mạc như thế, cô đi vào cuộc đời. Nhiều người không hiểu, nghĩ Linh lạnh và chảnh. Nhưng nếu là bạn bè, gần gụi, Linh rất chân thành, bộc lộ mình một cách hồn nhiên. Trông Linh thật nhẹ nhõm và bình yên. Sự bình yên ẩn sâu trong đôi mắt nâu trầm của cô. Không phải chỉ tôi, mà nhiều người gặp Linh ngoài đời đều ngạc nhiên bởi cái vẻ thô mộc, trẻ trung của cô. Dường như không tìm thấy dấu vết của một người phụ nữ đã đi qua khúc quanh của cuộc đời. Mà tôi đã gặp một Khánh Linh khác, một cô gái đa cảm, mơ mộng và nhiều khát vọng. Linh mộc và giản dị như thế, cả trong từng câu chuyện kể của cô. Đó là cách Linh chọn để sống giữa cuộc đời, để không dễ bị nhận ra là người của công chúng. Và để luôn được sống là mình.



Khánh Linh tham gia game show "hợp ca tranh tài"

Khánh Linh đã vượt qua những khúc quanh của cuộc đời. Nhưng cô không sống bằng những hoài niệm về quá khứ. Linh nói: “Cuộc đời mới đã bắt đầu từ lâu. Đừng nhắc lại phần đời đã qua nữa, tôi đã thủy táng nó rồi. Cuộc sống là luôn ở phía trước chứ không phải ở quá khứ, ngoái đầu nhìn lại, có được gì đâu? Tôi hài lòng với bản thân mình bây giờ: Một người tự tin hơn, tự chủ hơn và ham hiểu biết hơn bao giờ hết. Tôi là con người của những chuyến đi, con người biết đồng cảm với những hoàn cảnh khốn khó, chỉ có thứ duy nhất vẫn nguyên bản chất: Tôi là phụ nữ nhạy cảm, đôi chút trẻ con, đôi khi trẻ con cũng là một cái hay”.

20 tuổi, Linh bước vào cuộc hôn nhân đầu tiên. Lúc đó Linh quá trẻ và mọi quyết định ít nhiều mang tính ngẫu hứng. Nhưng tâm hồn nghệ sĩ vốn mong manh và dễ bị tổn thương bởi những va đập của đời sống. Không hiểu sao, từ khi còn rất trẻ, Linh đã từng nói với mẹ - NSND Vũ Dậu - những câu chiêm nghiệm của một bà già rằng: “Con người sẽ cô quạnh lúc về già. Đời người phụ nữ, quan trọng nhất là có một đứa con”. Câu nói ám vào cuộc đời Linh như một định phận. Một cuộc ly hôn không thể nói là nhẹ nhõm, nhưng không oán hận, không trách móc. Linh đi diễn liên miên, trốn mình trong tiếng hát. Đã có những lúc Linh thấy mình rã rời khi cô đối diện với chính mình. Nhưng giờ thì Linh nhẹ nhõm. Linh học được lòng từ bi hỷ xả của nhà Phật, học cách tha thứ với cuộc đời. Linh là ai? Một tâm hồn thơ trẻ, hồn nhiên. Hay một trái trái tim đa cảm, dễ tổn thương. Trong Linh có tất cả những điều đó. Linh sống bằng những sợi tơ của cảm xúc và luôn đẩy mọi thứ đến tận cùng. Quyết liệt và dữ dội, nhưng cũng đầy bao dung và tha thứ.

Khánh Linh tên thật là Phạm Khánh Linh, là con gái trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Học đàn sớm và được tuyển thẳng vào hệ sơ cấp khoa piano Nhạc viện Hà Nội. Nhưng sau đó cô chuyển sang khoa thanh nhạc và được sự chỉ bảo, hướng dẫn của NSND Quang Thọ. Khánh Linh rất mê nhạc nhẹ mặc dù theo học khoa opera. Cô được biết tới sớm với ca khúc “Cô tấm ngày nay” của anh trai Ngọc Châu. Đến nay Khánh Linh đã có 3 album riêng: “Họa mi hót trong mưa”, “Ban mai xanh” và “Sau cơn mưa”.

Khánh Linh không chia sẻ nhiều về tình yêu mới của mình. Cô cũng chưa nghĩ đến một cuộc hôn nhân thứ hai… Chỉ biết, chim họa mi đang hót những khúc ca đẹp trong đời mình, tiếng hót từ trong bụi mận gai, từ trong những mất mát, đổ vỡ. Thực sự thì Khánh Linh đang thăng hoa. Tôi nhìn thấy điều đó trong đôi mắt Linh, trong những chuyến rong ruổi của cô với người đàn ông của mình khắp các miền đất nước, khi làm từ thiện, khi đi chỉ để trải nghiệm.

Tôi còn nhớ cách đây mấy năm, khi Khánh Linh xuất hiện ấn tượng trong giải Sao Mai 2003 cùng với Ngọc Khuê và Tùng Dương. Lúc đó nhiều người kỳ vọng cô gái được đào tạo bài bản, có gốc gác như Khánh Linh sẽ làm nên một ấn tượng mới của làng nhạc Việt Nam. Và Khánh Linh cũng đã có một lượng khán giả riêng của mình. Có một thời “Họa mi hót trong mưa” và “Giấc mơ trưa” vang lên khắp nơi. Những bài hát đã gắn liền với tên tuổi của Khánh Linh. Ám ảnh đến nỗi không ai hát hay hơn thế. Giọng hát trong veo như những giọt sương buổi sớm hút hồn người nghe. Trong và vang nhưng thấm đẫm nỗi buồn, nỗi buồn khiến con người ta có thể thanh lọc được tâm hồn mình, chứ không làm họ trĩu xuống. Có gì trong đôi mắt nâu trầm của cô gái này. Nỗi buồn ư, khát vọng ư, cái khát vọng chiếm lĩnh tình yêu, khát vọng được sống là mình, được tự do phiêu lãng giữa đất trời, tự do phiêu du trong thế giới âm nhạc của mình.

3. Linh giờ không còn là cô bé của ngày xưa, cô già hơn và nhiều chiêm nghiệm hơn. Đằng sau cái vẻ trẻ trung, hồn nhiên của Linh là một tâm hồn đa cảm, một cá tính luôn muốn quẫy đạp. Linh hát “Đưa em đi tìm động hoa vàng”, “Hòn vọng phu” của nhạc sĩ Phạm Duy nghe da diết và buồn hơn. Linh kể, cách đây mấy năm, trong một chuyến lưu diễn ở nước ngoài, được làm việc trực tiếp với nhiều nghệ sĩ độc lập. Cô hiểu rằng, thời của các nghệ sĩ độc lập đang lên. Và chính họ sẽ thúc đẩy sự phát triển của âm nhạc nước nhà. Khát vọng của Linh không chỉ dừng lại ở việc ca hát. Cô muốn trở thành một nghệ sĩ độc lập, một nghệ sĩ được hiểu với đầy đủ những giá trị đúng nghĩa nhất.

Thế nên, Linh chọn cách lặng lẽ đi vào đời sống âm nhạc. “Tôi không định hát những gì khán giả yêu cầu. Tôi muốn mọi người nói đến mình sẽ nhớ đến những bài hát của mình. Nói định hướng cũng được, như tạo một thói quen cho nhau. Sự lặng lẽ của tôi là tôi không thích bon chen, cứ phải gào rú lên, tôi đang làm gì. Năm ngoái là một giai đoạn quan trọng, tôi muốn cùng những người bạn thổi bùng lên một ngọn lửa ở Hà Nội. Đôi khi mình phải bỏ việc kiếm tiền đi, sống hoàn toàn với nghệ thuật, với những gì mình muốn làm nhất. Tôi nhìn thấy điều đó trong nhiều nghệ sĩ, dù mới chỉ là ngẫu hứng thôi, cứ truyền lửa với mọi người và kết nối mọi người với nhau thành một ngọn lửa lớn. Chương trình Music Nite tôi đã làm được điều đó… Trong lúc thị trường âm nhạc đang quá trầm lắng”.

Nhưng nhiều người kỳ vọng ở Linh thì cho rằng, không biết đến bao giờ, Khánh Linh mới thoát khỏi cái bóng của cô nàng họa mi. Người ta đã từng mong chờ Linh sẽ trở thành một Diva của làng nhạc Việt chứ không phải là sự “lững lờ” như hiện nay. Nhưng với nghệ thuật không thể vội.

Vốn kỹ tính và cầu toàn, thậm chí, đôi khi bị cho là ngông khi Linh làm show không xin tài trợ. Bốn năm mới ra một đĩa nhạc, bởi Linh quan niệm, âm nhạc là âm nhạc, vang lên đúng là âm nhạc, không thể pha lẫn bởi những tạp chất khác. Đó là một địa hạt thiêng liêng, mà người làm nghề không thể chạy theo lợi nhuận, chạy theo sự hào nhoáng. Đó cũng là nơi không thỏa hiệp. Và tôi tin, Linh sẽ thành công trên con đường của mình. Bởi ở phía cuối con đường, vẫn luôn có những khán giả trung thành chờ đợi cô, ủng hộ cô. Ca sĩ Khánh Linh, con chim họa mi của ngày xưa đang bắt đầu hát những khúc ca mới về cuộc đời mình.

Nhưng có một góc nhìn khác về Khánh Linh mà tôi đã từng nhìn thấy cô trong những chuyến công tác lên Hà Giang, hay Điện Biên Đông. Những chuyến hàng từ thiện của nhóm Yêu vùng cao mà Khánh Linh là thành viên tích cực vẫn lặng lẽ đến với những mảnh đời bất hạnh ở những vùng núi xa xôi, heo hút. Khi Hà Giang, khi Điện Biên. Bắt đầu bằng những điều thật giản dị, một cái tết có thịt cho bà con ở Lũng Cũ, Mèo Vạc, hay những manh áo ấm lành lặn cho những đứa trẻ quanh năm ăn mặc phong phanh trong giá lạnh ở Hà Giang. Tôi biết, có thể Linh không bao giờ muốn nói về điều đó. Bởi Linh làm từ thiện bằng chính tấm lòng mình. Và những gì từ trái tim sẽ tìm đến những trái tim mà không cần phô trương, ồn ào.

Mới đây thôi, trong đêm Hà Nội mưa tầm tã, khán phòng hơn 400 chỗ ngồi ở rạp Đại Nam vẫn chật kín người. Đêm nhạc từ thiện “Giấc mơ mong tìm thấy” của nhóm thiện nguyện Yêu vùng cao kêu gọi những tấm lòng hảo tâm hướng về những đứa trẻ mồ côi ở Điện Biên Đông, Khánh Linh đảm nhân vai trò vừa là ca sĩ, đồng thời vừa là người tổ chức, kết nối mọi người. Một đêm nhạc nhiều cảm xúc, chạm đến lòng trắc ẩn của nhiều người. Khánh Linh đã không nén được lòng mình. Cô đã khóc. Những giọt nước mắt chân thành từ một trái tim nhân hậu, biết chia sẻ. Và tôi biết, trong đêm nhạc này, Khánh Linh đã kết nối được rất nhiều nghệ sĩ, những Tân Nhàn, Tấn Minh, Tuấn Anh, Thái Thùy Linh… Ngôi nhà của những đứa trẻ mồ côi ở Điện Biên Đông vẫn còn dang dở. Và nỗ lực của Khánh Linh cùng những người bạn của cô đã và đang đi đến những phần kết có hậu.


Theo Năng lượng mới

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm