Từ trường hợp của Thái Sung: Bài học của các thần đồng sớm nở chóng tàn Thế giới

31/10/2014 09:30 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com)- Trên thế giới, không ít tài năng trẻ đã tỏa sáng khi còn thi đấu cho các giải trẻ. Đã có thời điểm họ trở thành niềm tự hào của toàn dân tộc. Thế nhưng, rất nhiều trong số đó đã không thoát khỏi ám ảnh của hai chữ “thần đồng”, sự tung hô của truyền thông để vươn lên thành một ngôi sao thực thụ.

Thái Sung là cầu thủ có lý lịch thuộc dạng hoành tráng nhất của bóng đá Việt Nam, khi anh là cầu thủ Việt Nam duy nhất vượt qua vòng đấu loại ở Học viện Aspire và nhận được học bổng 3 năm của lò đào tạo này vào năm 2009. Thái Sung là cầu thủ Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 cầu thủ trẻ xuất sắc nhất ở giải trẻ châu Âu mở rộng năm 2010. Nhưng cho đến thời điểm này, anh đã hoàn toàn bị lãng quên.

Có ý kiến cho rằng môi trường bóng đá Việt Nam không phù hợp cho những người tài năng thực sự phát triển, nhưng trường hợp của Thái Sung không phải là hiếm hoi, bởi trên Thế giới cũng đã có rất nhiều bài học tương tự về những thần đồng sớm nở nhưng chóng tàn.

Reimond Manco

Tại giải U17 Nam Mỹ năm 2007, Reimond Manco được bầu chọn là chân sút xuất sắc nhất. James Rodriguez chỉ về nhì, thua người đồng nghiệp của tuyển Peru. Manco được ca ngợi với tốc độ, kỹ thuật và khả năng xoay sở có thể đánh bại bất kỳ hậu vệ nào. Nhờ màn trình diễn này, anh được CLB PSV Eindhoven của Hà Lan mua về. Tuy nhiên, Manco không thích nghi được với môi trường mới và bị gửi trả lại cho mượn ở CLB quê nhà Juan Aurich. Manco sau đó được bán cho Atlante nhưng rồi cũng bị đẩy đi.


Sau 7 năm, trong khi Rodriguez- người từng bị chê bai thua xa Manco- đã trở thành ngôi sao lớn trong làng bóng đá quốc tế, thì Manco lại phiêu dạt ở  Cajamarca, nơi mỗi trận đấu có khoảng vài nghìn khán giả trên sân. Lối sống vô độ, ưa tiệc tùng của Manco được cho là lý do. Xuất phát từ gia đình nghèo khó, bỗng một ngày nổi danh, Manco sa đà vào lối sống chơi bời. Tiền kiếm được phung phí hết cho việc mua nhà, xế hộp và “tình phí” cho những chân dài. Bóng đá Peru cũng giống nhiều nước khác ở Nam Mỹ. Cầu thủ trẻ của họ khi thành công quá sớm thường nghĩ: “Tôi đã đạt được tất cả và chẳng cần phấn đấu gì hơn” và cả thế hệ tài năng dần rơi vào quên lãng.

Lulinha

Lulinha từng là niềm hy vọng của bóng đá Brazil. Năm 2007, cầu thủ sinh năm 1990 này đã ghi hơn 10 bàn thắng để giúp Brazil vô địch giải U17 khu vực Nam Mỹ. Lulinha cũng chính là cầu thủ lĩnh xướng hàng công của Brazil tại World Cup U17 ở Hàn Quốc trong cùng năm. Có thời điểm, báo chí thế giới đưa tin Lulinha đã được Chelsea liên hệ. Chủ tịch Andres Sanchez của Corinthians tuyên bố CLB nào muốn đưa Lulinha rời khỏi đó phải chi ra ít nhất 35 triệu euro  phí chuyển nhượng cộng thêm 25% tiền bản quyền hình ảnh của cầu thủ này. 


Nhưng có lẽ chính ông Andres Sanchez sẽ phải hối hận vì đã nói những câu đó. Năm 2009, sau 11 năm gắn bó, Corinthians phải đẩy Lulinha tới Estoril Praia theo dạng cho mượn vì phong độ sa sút. Năm 2010, Lulinha tiếp tục kiếp cho mượn ở Olhanense. Bây giờ, tiền đạo này đang khoác áo Ceara, đội bóng hạng 2 của Brazil.

Bojan Krkic


15 tuổi Krkic đã được gọi vào đội U17 Tây Ban Nha dự giải vô địch U17 châu Âu. Dù phải thi đấu với những cầu thủ lớn tuổi và kinh nghiệm hơn mình nhưng “số 9 thực thụ” vẫn giành ngôi Vua phá lưới.

Ở Barca, Krkic đá trận Liga đầu tiên vào tháng 9/2007, khi mới 17 tuổi 19 ngày, phá kỷ lục của Lionel Messi. Chỉ 3 ngày sau đó, anh lại phá kỷ lục cho cầu thủ trẻ nhất của Barca ra sân tại Champions League. Chỉ hơn 1 tháng sau là pha ghi bàn đầu tiên để trở thành cầu thủ trẻ nhất lịch sử Barca ghi bàn tại Liga.

Nhưng con đường sự nghiệp của Krkic cứ theo đà trượt dốc. Anh lần lượt bị mang cho Milan, Roma, Ajax mượn và mùa Hè qua, bị Barca bán đứt cho Stoke City.

Cristian Nazarit

Tại giải U17 Nam Mỹ cách đây 7 năm, cầu thủ được ca ngợi xuất sắc nhất trong đội hình của Colombia là Nazarit chứ không phải James Rodriguez. Nazarit là Vua phá lưới ở vòng loại và nằm trong top 3 chân sút hàng đầu ở giải đấu chính thức. Anh được tung hê khi góp công lớn giúp U17 Colombia lọt vào vòng 16 đội. Cũng trong năm đó, Nazarit được HLV tuyển Colombia khi đó, ông Jorge Luis Pinto mời tới tập luyện cùng ĐTQG. Tuy nhiên, cho tới bây giờ, Nazarit vẫn chưa có vinh dự khoác lên mình chiếc áo của Colombia. Cầu thủ sinh năm 1990 này hiện đang chơi bóng cho Deportes Concepcion ở giải hạng 2 của Chile…


Những trường hợp điển hình trên cho thấy từ một cầu thủ ở giải đấu trẻ trở thành một ngôi sao thực thụ còn một khoảng cách lớn đến nhường nào. Và cầu thủ trẻ cần hơn hết một môi trường đào tạo tốt, chuyên nghiệp để phát huy tiềm năng của họ.

Việc tung hê, “thổi gió thành bão” vô hình trung lại là vũ khí nguy hiểm, giết chết đi khát khao của chính các cầu thủ. Chẳng ai đảm bảo rằng họ sẽ không xuất hiện cảm giác tự mãn rồi đánh mất tương lai của chính mình. Những bài học nhãn tiền vẫn còn đó để chúng ta nhìn nhận và rút ra kinh nghiệm.

Khánh Đan

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm