01h30 ngày 12/6, Uruguay - Pháp: 8 năm và khoảng không giữa 2 thế hệ

11/06/2010 11:03 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) - 8 năm trước, đội Pháp với thế hệ Vàng từng đăng quang ở World Cup 1998 và EURO 2000 đã bị cầm hòa bởi một Uruguay bị đánh giá thấp hơn hẳn. 8 năm sau, khi những biến cố của quá trình chuyển giao thế hệ đã khiến uy tín của người Pháp ở Cúp thế giới xuống thấp cực điểm, thì thế hệ của ĐT Uruguay 2002 dường như đã có những người kế tục xứng đáng.

Đội ngũ của Uruguay 8 năm về trước thực sự chất lượng. Những cầu thủ phòng ngự và tấn công tốt nhất của họ được đào luyện nhiều năm trong môi trường khốc liệt của Serie A: Trung vệ đội trưởng Paolo Montero là trụ cột ở Juventus, còn tiền đạo Alvaro Recoba (Inter) là một trong những cầu thủ chân trái hay nhất Thế giới bấy giờ. Chưa kể Gianni Guigou (Roma), Pablo Garcia, hay Federico Magallanes (đều Venezia)...



Forlan và đồng đội đã sẵn sàng cho trận đánh lớn đầu tiên, Ảnh Getty
Thế nhưng năm ấy, người Pháp cũng được coi là có một đội hình thịnh vượng đỉnh điểm, với sự trưởng thành của thế hệ đã đăng quang ở World Cup 1998 và EURO 2000. Thực tế, nếu không quá chủ quan khinh địch và đặc biệt, thủ lĩnh Zidane không vắng mặt trong 2 trận đầu tiên vì chấn thương, Pháp thậm chí có thể lên đỉnh Thế giới một lần nữa. Thế hệ ấy bắt đầu thoái trào ở World Cup 2006, thời điểm Zizou kết thúc giải đấu quốc tế cuối cùng của anh một cách cay đắng sau cú húc đầu vào ngực Materazzi, sống “lay lắt” qua nỗi tủi nhục ở EURO 2008 (cũng bị loại từ vòng bảng) và chính thức bị đặt dấu chấm hết ở World Cup lần này.


Sau 8 năm, bài toán chuyển giao thế hệ đặt ra những thách thức lớn cho cả Uruguay và (đặc biệt nặng nề với) Pháp. Qua 3 giải đấu lớn gần nhất, người Pháp chỉ “giới thiệu” thêm được với Thế giới một tài năng nữa: Franck Ribery ở World Cup 2006, trong khi việc ông Domenech gạt bỏ Nasri lẫn Benzema, những cầu thủ trẻ được coi là thế hệ thanh xuân của nước Pháp, khỏi VCK lần này đã minh chứng cho sự thất bại trong việc sản sinh ra đội ngũ kế thừa của bóng đá Pháp.


Khủng hoảng trong giai đoạn chuyển giao


Trên khía cạnh ấy, Uruguay chỉ thất bại so với chính họ của những năm 1930, 1950, với 2 lần đoạt chức VĐTG, chứ không phải của 8 năm về trước: Vai trò thủ lĩnh của Montero giờ đây thuộc về trung vệ Diego Lugano, cũng là đội trưởng, dẫn dắt hàng công thay thế cho Recoba - Abreu là Forlan - Suarez, còn ở vị trí thủ môn vốn làm đau đầu các nhà cầm quân của Uruguay trong một thời gian dài cũng đã có lời giải xứng đáng: Muslera, thủ thành trẻ của Lazio. Tất nhiên, khoảng cách trình độ giữa 2 thế hệ vẫn có sự chênh lệch (Lugano không thể bằng Montero), nhưng ít ra, người Uruguay đã không rơi vào trạng thái mất định hướng như đội Pháp, vốn trở nên quá hỗn độn sau khi chia tay thế hệ Vàng của France 1998.


Có quá nhiều những cầu thủ tấn công của Pháp, từ Nasri, Ribery và nay là Gourcuff được so sánh với Zizou, nhưng rồi sự liên tưởng ấy thậm chí đã khiến họ gần như bế tắc trong nhiệm vụ mặc vừa chiếc áo mà Zidane để lại. Tương tự, nếu vị trí mà những Deschamps, rồi Petit để lại được Vieira, Makelele tiếp nhận thành công, hay Thuram dễ dàng đi vừa đôi giầy mà Blanc bỏ lại trước cấm địa đội Pháp, thì những Toulalan, hay Abidal, Gallas hiện tại chỉ đem đến sự hụt hẫng lớn.


Đó có thể xem là cuộc khủng hoảng khi chuyển giao thế hệ, với một phần lý do là sức ép khủng khiếp từ những thành công của thế hệ 98: Benzema, Nasri... là những tài năng thực sự, nhưng bản lĩnh của họ chưa đủ để vượt qua áp lực. Bây giờ, đến lượt Ribery, Gourcuff phải gồng mình lên để thoát ra khỏi nỗi ám ảnh ấy.


Đó là một thử thách thực sự, nhưng chỉ có vượt qua nó, thế hệ hiện tại của đội Pháp mới có thể vươn đến đẳng cấp thế giới. Với Uruguay, họ dường như tỏ ra sẵn sàng hơn, khi đã trải qua khủng hoảng chuyển giao thế hệ sớm hơn những 4 năm, với thất bại ở vòng loại World Cup 2006.


Dự đoán: 1-0

Đội hình dự kiến

Uruguay (3-4-1-2): Muslera - Victorino, Lugano, Godin - Pereira, Pérez, Arévalo Rios, A. Pereira - I. Pereira - I. Gonzalez - Forlan, Suarez. Gonzalez - Forlan, Suarez.

Pháp (4-3-3): Lloris - Sagna, Gallas, Abidal, Evra - Gourcuff, Toulalan, Malouda - Govou, Anelka, Ribéry.

3

Bảng A là bảng đấu duy nhất ở World Cup có hơn một đội tuyển từng vô địch thế giới, với tổng cộng 3 chức vô địch. Uruguay từng 2 lần vô địch vào các năm 1930 và 1950, còn Pháp vô địch năm 1998. Có hai bảng đấu không có nhà vô địch thế giới nào là bảng E và bảng H.

Ký ức 2002

Năm ấy, Pháp bị loại từ vòng bảng, thậm chí đứng bét bảng và không ghi nổi bàn thắng nào. Trận ra quân, họ thua Senegal 0-1, hòa Uruguay 0-0 ở lượt trận thứ 2 và kết thúc vòng bảng với thất bại 0-2 trước Đan Mạch. Đội hình ra sân trận Pháp - Uruguay năm đó như sau: Pháp: Barthez - Thuram, Leboeuf (Candela 16`), Desailly, Lizarazu - Wiltord (Dugarry 93`), Vieira, Petit, Micoud - Henry, Trezeguet (Cisse 81`). Uruguay: Carini - Lembo, Montero, Sorondo - Varela, Romero, Garcia, Recoba, Rodriguez - Silva, Abreu.


Phạm An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm