16/03/2016 08:04 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Tình trạng biến đối khí hậu đã gây ra hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và thiên tai như mưa lớn, lũ lụt và hạn hán…, đồng thời tác động trực tiếp đến “thể trạng” kinh tế toàn cầu vốn đã “liêu xiêu” trước bất ổn thị trường trong thời gian gần đây.
Trước Sandy còn rất nhiều cơn bão lớn khác như cơn bão Katrina hay siêu bão Haiyan..., đã để lại nỗi ám ảnh to lớn về sức tàn phá của biến đổi khí hậu đối với cả nhân loại, mà trong đó, ngoài thiệt hại về người, những mất mát kinh tế luôn là rất lớn.
Điêu đứng vì thiên tai
Tài liệu nghiên cứu mang tên “Kiểm soát sức tàn phá của biến đổi khí hậu: Phép tính lạnh cho một hành tinh nóng” do tổ chức nhân đạo quốc tế DARA và Diễn đàn Các nước dễ bị tổn thương vì Biến đổi khí hậu (CVF) thực hiện đã đưa ra ước tính hiện tượng Trái đất nóng dần lên, ngoài việc lấy đi sinh mạng của gần 40.000 người mỗi năm, còn gây thiệt hại kinh tế lên đến 1.200 tỷ USD, tương đương 1,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của thế giới.
Chưa dừng lại ở đó, tài liệu này còn dự báo đến năm 2030, thiệt hại kinh tế gây ra bởi biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí sẽ tăng lên 3,2% GDP toàn cầu, trong đó những nước kém phát triển nhất sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả với mức thiệt hại có thể lên đến 11% GDP. Đồng thời, ô nhiễm không khí, gây ra bởi việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch, cũng là nguyên nhân gây ra cái chết của 4,5 triệu người/năm.
Nhận định về vấn đề này, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina cho biết năng suất nông nghiệp của nước này sẽ giảm 10% nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1 độ C. Điều này có nghĩa là Dhaka sẽ mất đi khoảng 4 triệu tấn lương thực, tương đương 2,5 tỷ USD và 2% GDP. Thậm chí, nếu tính cả những thiệt hại về cơ sở vật chất và những mất mát khác, con số này có thể còn tăng lên 3-4% GDP.
Tác động không đồng đều
Các nhà nghiên cứu của DARA và CVF cho rằng các nước đang phát triển sẽ là nạn nhân lớn nhất của biến đổi khí hậu do những nước này thường phụ thuộc vào nông nghiệp, lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thiên tai, làm trầm trọng thêm tình trạng suy dinh dưỡng, nghèo đói và bệnh tật.
Đồng quan điểm trên, tổ chức phi chính phủ Oxfam (Anh) vừa công bố số liệu cho thấy các nền kinh tế đang phát triển có thể thiệt hại tới 1.700 tỷ USD/năm vào năm 2050, nếu các nước không mạnh tay hành động để hạn chế sự ấm lên toàn cầu cũng như tiếp tục nhận được sự hỗ trợ nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Theo báo cáo của Oxfam, nếu nhiệt độ thế giới tăng thêm 3 độ, các nước đang phát triển sẽ cần phải chi thêm khoảng 270 tỷ USD/năm vào năm 2050 để thực hiện các biện pháp đối phó với điều kiện thời tiết khắc nghiệt và mức nước biển dâng cao, đưa tổng chi phí hàng năm cho việc thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu lên tới 790 tỷ USD. Nếu không có số tiền trên, nền kinh tế của những nước này còn có nguy cơ thiệt hại khoảng 600 tỷ USD mỗi năm vào 2050.
Ngoài ra, đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) Hilal Elver cũng cho rằng hiện tượng thời tiết thường xuyên khắc nghiệt với các trận lũ lụt và hạn hán ngày một nhiều đang tác động nghiêm trọng tới an ninh lương thực của thế giới, và thậm chí dẫn đến nguy cơ thế giới sẽ có thêm 60 triệu người suy dinh dưỡng vào năm 2080.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho hay tại châu Phi, khu vực nghèo nhất nhất thế giới, biến đổi khí hậu có thể khiến giá lương thực tăng khoảng 12% trong năm 2030 và 70% trong năm 2080. Đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào các quốc gia châu Phi, nơi chi phí thực phẩm chiếm tới hơn 60% tổng chi tiêu của các hộ gia đình nghèo nhất.
Trong khi những quốc gia đang phát triển đau đầu với vấn đề biến đổi khí hậu thì những nước đã phát triển như Mỹ và Trung Quốc cũng không tránh khỏi “vòng ảnh hưởng”. Theo nghiên cứu của DARA và CVF, hiện tượng thời tiết cực đoan kể trên có thể tước đi 2% GDP của Mỹ và 1.200 tỷ USD của Trung Quốc đến năm 2030.
Tuy nhiên, với những tác động không đồng đều tại mỗi khu vực trên thế giới, biến đổi khí hậu nhiều khả năng sẽ gây ra hiện tượng bất bình đẳng trên toàn cầu. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng năng suất nông nghiệp đạt mức cao nhất khi nhiệt độ trung bình đạt ngưỡng 55 độ F (tương đương 13 độ C). Điều đó có nghĩa là hiện tượng này sẽ giúp cải thiện tình hình sản xuất tại những nước thuộc vùng lạnh ở phía Bắc song lại gây hại đến các nước trong vùng nhiệt đới.
Những tác hại to lớn của tình trạng ấm lên toàn cầu là không thể chối cãi và có thể những hiện tượng thiên nhiên cực đoan trong thời gian qua đã là một lời cảnh tỉnh đối với toàn nhân loại, góp phần giúp đưa Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris (Pháp) đạt được một loạt thỏa thuận liên quan đến việc đối phó với tình trạng này vào ngày 12/12 vừa qua.
Trong đó, một số điểm nổi bật trong thỏa thuận bao gồm việc giới hạn nhiệt độ tăng thêm ở mức 2 độ C (cố gắng chỉ trong mức 1,5 độ C) và dành 100 tỷ USD/năm cho các nước đang phát triển kể từ năm 2020 để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu đang là một vấn đề nhức nhối của thế giới và nhận được sự quan tâm ngày càng cao hơn từ các quốc gia lớn. Tới giờ, mới có khoảng 180 quốc gia, chiếm hơn 90% lượng khí phát thải toàn cầu, công bố cam kết giảm khí thải.
Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế cũng đang chạy đua nước rút để tìm ra nguồn tài trợ 100 tỷ USD mỗi năm hỗ trợ các nước chậm phát triển giảm khí thải làm nóng Trái Đất. Pháp, với tư cách chủ nhà của COP 21, đã nhiều lần khẳng định việc có đủ cam kết 100 tỷ USD trợ giúp các nước nghèo là một điều kiện quyết định cho thành công của hội nghị, nhưng đến nay mức cam kết đóng góp của các nước giàu mới chỉ hơn 75 tỷ USD. Khoảng cách 25 tỷ USD vẫn còn là con số lớn.
Theo các nhà quan sát, để giới hạn nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 2°C, khoản tiền 100 tỷ USD mỗi năm kể trên là quá ít ỏi vì thực tế như tổ chức Oxfam ước tính, chỉ có từ 1 đến 2 tỷ USD/năm sẽ được dành cho việc giúp các nước nghèo nhất thích nghi với biến đổi khí hậu.
TTXVN/Phương Nga (Tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất