16/11/2021 18:44 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - “Khi bước vào cột mốc 49 chưa qua 53 đã đến, việc tự hỏi ta là ai có lẽ là hơi ngớ ngẩn và vô lý. Vì ta phải hiểu và tin chính ta chứ. Thế nên, câu hỏi đúng bây giờ phải là trước đây ta đã từng là ai?” - họa sĩ Lê Kinh Tài chia sẻ.
Lê Kinh Tài (sinh 1967 tại Đà Nẵng, hiện sống tại TP.HCM) trò chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN) khi vừa có triển lãm cá nhân Mirror khá thú vị. Triển lãm diễn ra tại Sunrise Riverside (Phước Kiển, Nhà Bè), bày 23/39 bức trong loạt tranh ý niệm - biểu hiện về soi gương để nhìn lại chính mình.
* Bất cứ ai thích Lê Kinh Tài đều thấy những chân dung nhân vật toát lên nguồn năng lượng mạnh mẽ, nhưng ẩn sâu trong đó lại lộ diện nội tại trần trụ. Và loạt tranh lần này cũng vậy. Hẳn nhiên là anh có một ý niệm xuyên suốt nào đó chăng?
- Thông thường, con người ít sống bằng bản ngã bên trong. Thay vào đó, họ sống bằng cái bề ngoài, mà ta thường gọi là mặt nạ. Đề tài mặt nạ cũng được không ít nghệ sĩ nội địa và quốc tế theo đuổi, tuy nhiên, tôi không thích dùng từ mặt nạ, tôi thích dùng từ “con - người”, hoặc soi gương tâm trí.
Vào đầu những năm 2000, tôi bắt đầu khai thác đề tài “con - người”. Tôi nhận ra, thú dữ không bao giờ ăn thịt con, nhưng con người có thể “ăn thịt” con, “ăn thịt” từ tâm trí và con tim. Là động vật bậc cao, con người là loài nếu độc ác thì độc ác nhất, nếu đau đớn và khủng hoảng thì không bất cứ loài nào đau đớn và khủng hoảng cho bằng.
Và cũng trong khoảng thời gian này, tôi đối mặt với cuộc khủng hoảng tinh thần trầm trọng đến nỗi phải vào viện tâm thần chữa trị, có lúc năng lượng tiêu cực đè nén, suýt nữa thì đi tu. Nhận thấy vậy, tôi bắt đầu đào sâu đề tài này. Tôi vẽ tất cả những gì sâu xa và chân thật nhất của nội tại, vì nếu vẽ từ cái giả tạo hoặc sống giả tạo thì thật mệt mỏi. Kể từ đó, tôi không bao giờ cảm thấy áp lực và trầm cảm nữa.
* Vậy thì khi nào chúng ta là con, khi nào là người, 2 yếu tố mà ai ai cũng sở hữu?
- Trước khi đi ngủ, chúng ta có thói quen suy nghĩ chuyện nọ chuyện kia, khi đó phần “người” trở về. Tuy nhiên, trong cuộc sống hàng ngày, thứ mà chúng ta đối diện phần nhiều lại là “con”. Trớ trêu thay, khi đối diện, dù dùng ý thức chứ không phải vô thức, nhưng trong nhiều tình huống, phần con vẫn lấn át cả phần người.
Nói một cách dễ hiểu, bản chất thật bên trong mới là người, dù bản chất đó có tốt đẹp hoặc xấu xa đi chăng nữa. Còn khi mà ta kiềm chế, giả tạo, đạo đức giả, “diễn”… thì đó là phần con. Xuyên suốt 3 thập niên qua, nghệ thuật của tôi xoay quanh yếu tố “con - người”, tôi vẽ chính “thằng Tài bên trong”. Và nối tiếp loạt tranh Whoever You Are, Whoever I Am?, thì Mirror lại tiếp tục hành trình soi gương vào phần con và phần người ấy.
* Nhưng vì sao anh lại theo đuổi đề tài này xuyên suốt như vậy? Anh không thấy mệt mỏi hoặc nhàm chán sao?
- Tuổi trẻ, tôi có khát vọng tự lập, đó là phần người của tôi. Tôi quyết tâm chinh phục lý tưởng và ước mơ của mình, đó cũng là phần người của tôi. Mà phần người do tuổi trẻ xác lập chính là phần người trong sáng nhất. Nếu tôi phản bội phần người đó, tôi chả phải hèn hạ quá hay sao?!
Đến tuổi ngoài 50, tôi cũng đã nhiều lần vắt tay lên trán chiêm nghiệm và tự đặt câu hỏi như bạn vừa nêu. Rồi tôi chợt nghĩ, à, thì ra là ta đang trả món nợ chính mình, vốn đã vay thời tuổi trẻ, một quãng đời xông pha, không biết mệt mỏi. Nhớ lại câu hỏi trước đây ta đã từng là ai và đã từng muốn làm gì, thế là tôi lại vào xưởng vẽ, nhiều đêm thức trắng.
Khi ta hiểu rằng ai ai cũng có phần “con - người” để tự chiến đấu và tu dưỡng, ta sẽ bắt đầu biết giữ cho mọi thứ thật dung hòa. Ai khen ta, chê ta, ai yêu ta, ghét ta đều không ảnh hưởng gì đến tâm của ta nữa. Bởi ta biết rằng ta không có trách nhiệm với cảm xúc của người khác.
Lúc đó, ta cũng không cần phân tích thế nào là con, thế nào là người nữa. Bởi, phải có dằn vặt rồi mới nhận ra cái sai, nhận ra cái sai rồi mới nhận lỗi và thức tỉnh. Ta biết mỗi người đều có quan điểm sống riêng của mình. Trái tim rộng mở là trái tim biết chấp nhận những thay đổi và khác biệt. Đến một độ tuổi nhất định, khi soi gương vào tâm trí, ta sẽ nhận ra điều đó.
* Có lẽ đây cũng chính là lý do mà anh hay thêm câu nghi vấn whoever you are (bạn đã từng là ai) vào một số bức tranh chăng?
- Nó giúp nói rõ hơn quan hệ “con - người”, để nhấn mạnh rằng hầu hết chúng ta ai cũng sở hữu 2 mặt đối nghịch ấy, để đồng thời đánh thức phần người tốt đẹp ở bên trong. Tôi nghĩ mỗi tác phẩm - không riêng gì tranh của tôi - đều là tấm gương cho người xem soi vào đó mà tự hồi sinh phần người tốt đẹp bên trong của họ. Tôi hy vọng những người thụ hưởng nghệ thuật cũng phải tự đối thoại với chính mình, tự soi gương vào tâm trí của mình.
* Ở cột mốc “ngũ thập tri thiên mệnh”, anh thấy mình là ai của ngày hôm nay?
- Trong đời sống, nghiễm nhiên, ai ai cũng đã từng kinh qua nhiều trở ngại, có những thử thách khiến tố chất mạnh mẽ trong ta cũng phải chùn bước, cái tôi giận dữ lẫn yếu đuối trong ta có thể bắt lấy tình huống ấy mà được đà lấn tới. Tôi cũng vậy thôi. Thế thì, khi đó, tôi không thể hỏi mình là ai, mà phải là mình đã từng là ai, mình đã từng có khát vọng gì.
Tôi đã từng là thằng Tài khố rách áo ôm, thằng con nhà rách nát, nhưng quyết tâm rời quê hương để chinh phục lý tưởng. Bỗng lúc ấy, ngọn lửa tuổi trẻ cháy phừng phực trong lồng ngực, tất cả mọi giận dữ, nản lòng và yếu đuối dần tan biến đi. Khi ta hỏi câu này đúng lúc, ta sẽ nạp thêm năng lượng cho mình, năng lượng của tuổi trẻ giàu khát vọng và dũng cảm. Bởi tất cả những gì cấu thành bạn và tôi ở hiện tại chẳng phải đi lên từ những khát khao nồng cháy tuổi đôi mươi hay sao? Vậy thì, hà cớ gì phải thách thức chính mình với câu hỏi ta là ai thêm một lần nữa.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!
Trang Ps (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất