10/01/2015 18:04 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - LTS: Trước dư luận trái chiều (mà chê nhiều hơn khen) về việc Bưu điện TP.HCM sơn lại, họa sĩ Lê Kinh Tài chia sẻ với giaidauscholar.com quan điểm của mình, rằng: “Bưu điện TP.HCM sơn lại màu rất đẹp”.
Nhiều người cho rằng Bưu điện TP.HCM sơn lại màu không đẹp, nhiều tờ báo đăng các ý kiến chê bai, cá nhân tôi thì ngược lại, tôi nghĩ màu sơn ấy rất đẹp, bất luận nó có giống hay không giống gam màu từ lúc nó được xây dựng.
Một kiến trúc công cộng được cho là đẹp phải xét đến nhiều yếu tố phụ, trong đó có việc phải đặt nó trong không gian có khoảng nhìn đủ rộng, màu sắc của chính nó phải phù hợp và có sự tương tác với hòa sắc từ các tòa nhà, công trình xung quanh… Nói tóm lại, cái “không khí chung” đóng vai trò không kém phần quan trọng để tạo nên một quần thể công cộng đẹp. Hãy nhìn như thế để thấy rằng Bưu điện TP.HCM sơn lại màu rất đẹp, hài hòa, tạo được điểm nhấn với tổng thể chung quanh.
Nếu nhìn từ trong mặt tiền Bưu điện TP.HCM, tổng thể ấy như sau: bên phải là tòa nhà Diamond Plaza với kiến trúc hiện đại cùng lớp kính màu green bọc tòa nhà, bên trái là cao ốc Metropolitan với khối màu đá granit đỏ gạch cua xen lẫn kính phản quang xanh, phía trước sừng sững Nhà thờ Đức Bà màu gạch nền nã, trang trọng, kế đó là màu xanh của công viên… Với quần thể ấy, Bưu điện TP.HCM gần như bị mất hút, dù bản thân nó là một kiến trúc đẹp, có độ hoành tráng từ thế kỷ 19, nay vẫn còn nguyên giá trị thẩm mỹ. Việc sơn mới đã giúp Bưu điện TP.HCM thoát được phần nào sự cám cảnh, lép vế.
Đành rằng thưởng thức cái đẹp nghệ thuật từ các phương án bảo tồn phải mang tính thẩm mỹ tương đối chung của nhiều người, nhưng không có nghĩa là cứ chọn giải pháp an toàn, “bảo thủ” về thẩm mỹ. Nên nhớ rằng, thẩm mỹ văn hóa nghe nhìn hay tầm nhìn thành phố luôn phát triển theo biểu đồ hình sin, điểm “dương vô cực” hay “âm vô cực” hoàn toàn không chỉ phụ thuộc vào giá trị lịch sử, nó phải theo sự phát triển tư duy thẩm mỹ qua từng thời kỳ.
Nếu các kiến trúc công cộng (do Pháp xây trong đô thị Sài Gòn) đang còn giá trị sử dụng lại quá phụ thuộc vào giá trị xưa cũ, chúng ta sẽ mãi mãi quen mắt với những gam trắng + xám, hay vàng đất + trắng, xanh vert + nâu... - thuộc những nhóm hòa sắc nhẹ nhàng và “an toàn”, thì sự trì trệ trong ý thức cập nhật thẩm mỹ mới về nghệ thuật đô thị của đại đa số công chúng ắt xảy ra.
Nếu ngược lại, chấp nhận thay đổi, chấp nhận nghe những ý kiến đa chiều, thậm chí bị lên án trong quan niệm về cái đẹp, nhưng xã hội được gì? Út nhất là được nghe những chính kiến rõ ràng trong thẩm mỹ, như thế nào là màu xấu, như thế nào là màu đẹp… Tôi cho rằng không có ai đúng hoặc sai trong những lựa chọn gu thẩm mỹ, bởi bản chất cái đẹp nó thuộc về tính cá nhân riêng rẽ...
Vài tháng trước, khi thương xá Tax có tuổi đời hàng trăm năm gặp quyết định đập bỏ để xây mới, đã có nhiều ý kiến phàn nàn, nhưng có mấy ai quan tâm đến sự luộm thuộm của một rừng biển hiệu (vốn không được quy hoạch cụ thể) quanh mặt tiền của nó từ suốt mấy chục năm nay? Cho đến khi công chúng lên tiếng về các giá trị gộp chung nó đang mang, từ giá trị bảo tồn cho đến các thói quen khác, một phần thương xá Tax đã được giữ lại như một giá trị của bảo tồn. Một phần này sẽ không còn dính các biển hiệu quảng cáo, nó sẽ ổn hơn về mặt thị giác.
Vậy nên, tôi thiển nghĩ, các ý kiến đánh giá thẩm mỹ một công trình kiến trúc công cộng đang sử dụng mà lại gộp chung cả ba yếu tố: giá trị lịch sử, giá trị cổ vật để bảo tàng, giá trị bảo tồn để sử dụng là không nên...
Xin đừng “tát nước theo mưa” với những khen chê nhằm hả lòng nhau, bởi những thay đổi quan điểm thẩm mỹ có thể hay hoặc không hay, nhưng có những thay đổi mới hy vọng về sự phát triển gu thưởng thức cho cộng đồng...
Ở đây tôi muốn nêu vài ví dụ về cách sơn phố cổ ở các nước Tây phương, mà thực tế là còn rất nhiều, không thể kể hết. Tôi hay nghĩ rằng, nếu có dịp bắt gặp những khu phố như thế này, thể nào tôi cũng chậc lưỡi với giọng tự ti: “Quá đẹp, Việt Nam chắc không bao giờ dám làm vậy đâu”, rồi buộc miệng tiếp: “Tây nó hay”. Vậy mà bây giờ “Ta bắt đầu hay”, sao không dám dũng cảm nhìn nhận cái mới, cứ mãi cách nhìn an toàn với thẩm mỹ quen mắt? Mà quen mắt thì thường là cái cũ.
Những hình ảnh ví dụ về cách sơn phố cổ ở các nước Tây phương:
Lê Kinh Tài (họa sĩ)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất