Hoàng tử Saudi Alwaleed bin Talal: Cho gia sản 'tỉ đô' chỉ để khoe giàu?

05/07/2015 06:13 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Có một điều mà Hoàng tử Alwaleed bin Talal của Saudi Arabia luôn muốn người khác biết rõ: Ông đang nắm trong tay khối tài sản lớn tới đâu.

Năm 2009, Alwaleed mời một phóng viên của tạp chí Forbes ghé thăm tư dinh gồm 420 phòng ở Riyadh. Phóng viên cũng được đề nghị tháp tùng Alwaleed và vợ tới Cairo, Ai Cập, bằng một chiếc máy bay Boeing 747 thuộc sở hữu của ông.

Tỷ phú thích khoe của

Toàn bộ màn phô trương này chỉ để phóng viên và tạp chí Forbes ấn tượng với quy mô gia sản của Alwaleed, khi họ đang thống kê danh sách những người giàu nhất hành tinh. Tuy nhiên, lần ấy, nỗ lực khoe khoang đã không mang lại kết quả như mong muốn và Forbes định giá gia sản của Alwaleed ít hơn so với những gì ông kỳ vọng.

Tạp chí nói rằng Alwaleed có gia sản 20 tỉ USD, là người giàu thứ 26 trên thế giới. Nhưng Alwaleed tin rằng bản thân còn giàu hơn thế. Năm 2013, ông thậm chí đã đâm đơn kiện Forbes do "dám" đánh giá thấp tài sản của mình.

Tuần này, Alwaleed đã tiếp tục gây chú ý với tuyên bố sẽ quyên tặng toàn bộ gia sản của mình cho từ thiện. Các hoạt động từ thiện sẽ được thực hiện qua tổ chức Alwaleed Philanthropies, được xây dựng dựa theo mô hình Quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates Foundation của vợ chồng tỷ phú Bill Gates.

Khi mời cánh báo chí tới một buổi họp báo về quyết định của mình ở Riyadh, Alwaleed đã tiếp tục nhân cơ hội khoe ra khối tài sản cá nhân, được ông tự định giá lên tới 32 tỷ USD. Con số này vẫn không hề khớp với ước tính mới công bố trong năm 2015 của Forbes, cho rằng Alwaleed "chỉ" nắm trong tay khối tài sản khoảng 22,6 tỷ USD - khiến ông đứng thứ 34 trong bảng tổng sắp.

Có lối sống đặc biệt

Alwaleed sinh tại Jeddah, bên bờ Hồng Hải, vào tháng 3/1955. Cha của ông là Hoàng tử Talal, một thành viên cao cấp của gia đình Hoàng gia Saudi, nhưng đã bị gạt ra bên lề vì tư tưởng muốn thành lập nhà nước quân chủ lập hiến. Mẹ ông Alwaleed là Mona Al Solh, con gái Thủ tướng Lebanon đầu tiên, ông Riad Al Solh.

Alwaleed theo học tại trường Đại học Menlo ở California và sau này học tiếp bằng thạc sĩ tại Đại học Syracuse. Hoàng tử nói rằng ông tự mình gây dựng gia sản trị giá nhiều tỷ đô la. Ông cho biết cha chỉ tặng một khoản tiền khoảng 20.000 và cho vay 300.000 USD.

Alwaleed bắt đầu làm giàu từ việc đầu tư vào ngành xây dựng. Phải tới năm 1991, khi Alwaleed giải cứu tập đoàn Citicorp đang bên bờ sụp đổ, phương Tây mới biết được tiềm lực tài chính của ông. Kể từ đó, ông đã trở thành người giải cứu, góp vốn vào rất nhiều công ty lớn như Apple, Twitter, Citigroup, Canary Wharf, Time Warner... Nhờ thế, gia sản của ông cũng tăng với tốc độ chóng mặt.

Chúng còn được vật chất hóa thành một siêu du thuyền (đã được dùng làm bối cảnh cho phim James Bond), nhiều chiếc máy bay tư nhân (gồm một chiếc Airbus A380 mà ông đã bán), rất nhiều mảnh đất bên cạnh các tập đoàn khách sạn Four Seasons và Mövenpick.

Alwaleed không chỉ giàu mà còn có lối sống rất đặc biệt. Ông thường xuất hiện trước công chúng khi đeo kính râm và mặc áo vest như doanh nhân, thay vì trang phục truyền thống. Ông có quan điểm tiến bộ về phụ nữ, điện ảnh, âm nhạc và đã kêu gọi thế giới Arab, gồm cả Hoàng gia Saudi, cần tiến hành cải cách.

Ông kết hôn với người mẫu Ameera, chỉ vài năm sau khi cô phỏng vấn ông cho một tờ báo của trường. Trong một xã hội nơi phụ nữ thường phải lánh xa ánh đèn sân khấu, ông lại thường xuyên xuất hiện cùng vợ trong nhiều sự kiện long trọng. Ông cũng tự hào khoe rằng trụ sở của công ty đặt ở Saudi tuyển dụng nhiều phụ nữ hơn nam giới và họ không phải đeo mạng che mặt khi đi làm.  

Alwaleed hiển nhiên không miễn nhiễm với các chỉ trích và tranh cãi. Kỳ cục nhất là cáo buộc ông đã giam giữ một nhóm người lùn. Tranh cãi lớn hơn liên quan tới ý định tặng 100 xe sang Bentley cho 100 phi công Saudi đã tham gia chiến dịch không kích chống Yemen, trong bối cảnh hoạt động ném bom nước này đã làm hàng trăm dân thường thiệt mạng.

Tường Linh (theo Guardian)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm