Hai ông Tây mê đất sét Hội An

29/12/2014 11:39 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Vừa qua, tại Hội An, hai nghệ sĩ người Hà Lan là Douwe Buwalda và Bert van der Sluijs cùng những người thợ gốm Thanh Hà đã tổ chức triển lãm và hội thảo Cuộc sống như một tác phẩm nghệ thuật.

Triển lãm giới thiệu trên 50 tác phẩm nghệ thuật được các nghệ sĩ sáng tác trong hơn một tháng qua tại Công viên đất nung Thanh Hà. Qua đó, gửi gắm thông điệp hãy chung tay bảo vệ môi trường và nguồn đất.

Làng gốm Thanh Hà (TP Hội An) không còn là cái tên lạ lẫm trong và ngoài nước. Hầu hết, du khách đến làng cổ này đều muốn mang về một đồ gốm để làm kỷ niệm. Nhưng trong số họ, có bao nhiêu người hiểu hết tiếng hòa âm của đất và lửa, văn hóa ba ngàn năm từ bàn tay những người nghệ nhân.

Không những thế, ngày nay, nhiều thợ gốm khá sáo mòn trong các mẫu sản phẩm của mình. Họ hầu như chỉ quan tâm đến lợi ích từ các sản phẩm mà quên đi trầm tích văn hóa trong mùi đất, mùi lửa, trong kỹ thuật mà cha ông truyền dạy…


Các tác phẩm của hai nghệ sỹ người Hà Lan có thể là một gợi ý để bảo tồn và phát huy giá trị làng gốm Thanh Hà.

Trong một lần đến Hội An, Bert và Douwe quá bất ngờ với kỹ thuật của các nghệ nhân làng gốm Thanh Hà. “Bàn chuốt chuyển động chậm, và tư thế lao động cũng có nhiều khó khăn, tôi không thể nào làm được nhanh nhẹn một cách điêu luyện như họ”, Douwe nói. Không chỉ cảm phục tài của nghệ nhân làng gốm, hai ông Tây này còn say dải đất sét cuối ven sông Thu Bồn. Để rồi hình thành 3 tác phẩm gốm mà Bert và Douwe gọi là “hạt giống”, 2 trong số đó sẽ được mang về nước chôn trong vườn nhà.

Sau 3 tuần cùng ăn, ở và làm nghề với người dân làng gốm Thanh Hà, Bert và Douwe nhận thấy cuộc sống của người dân nơi đây đẹp như một tác phẩm nghệ thuật. Họ chia sẻ: “Tại đây, vẻ đẹp thể hiện ở nguồn tài nguyên đất sét và cách làm thủ công. Lịch sử của làng gốm thật đẹp, họ đã có nhiều thế hệ làm nghề này, và cái nghề này đã nằm trong trái tim của mỗi người”.

Bấy lâu nay, làng gốm quen sản xuất những đồ dùng trong gia đình như hũ, chum, bát, lọ hoa… Hiện tại và tương lai, đó không phải là cách giữ gìn và phát triển bền vững cho làng nghề cổ này.

Tất cả điều đó, đã thúc đẩy họ làm triển lãm. Là người nước ngoài, nhưng nghệ thuật sắp đặt ở mỗi tác phẩm của họ lại rất thấu hiểu câu chuyện của đất và người làng gốm. Bảy tác phẩm của Bert và Douwe trong triển lãm mở ra những chiều kích suy tưởng vô hạn đối với người xem. Qua triển lãm, Bert và Douwe muốn sự kết nối giữa nghệ thuật với các nghệ nhân và cộng đồng.

Sự thăng hoa trong bảy tác phẩm của Bert và Douwe giúp chúng ta nhận thấy: Nếu mỗi nghệ nhân có cái tâm cống hiến cho nghệ thuật và sự cảm nhận đẹp đẽ về cuộc sống, thì mỗi sản phẩm họ làm ra sẽ là một tác phẩm nghệ thuật. Và như vậy, sản phẩm làng gốm Thanh Hà trong tương lai sẽ không còn quanh quẩn bếp núc mà đường hoàng trong tủ kính, trên tường,…với đúng nghĩa nghệ thuật. Đó chính là một gợi ý hay cho việc bảo tồn và phát huy giá trị thương hiệu gốm Thanh Hà.


Hồng Thúy


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm