"Các chị em của Nora" tới Việt Nam

27/03/2009 11:11 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Hôm nay, 27/3, Đại sứ Quán Na Uy phối hợp với Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ VN và Bộ LĐ-TB&XH đồng tổ chức tọa đàm “Các chị em của Nora” tại KS Melia Hà Nội. Đây là một sự kiện văn hóa đặc biệt, một sáng kiến độc đáo có chiều sâu nghệ thuật, xã hội khi sử dụng tác phẩm Nhà búp bê của nhà soạn kịch thiên tài người Na Uy H. Ibsen làm xuất phát điểm và làm nguồn cảm hứng cho việc nhận thức, quản lý và xử lý các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới của nữ giới trong gia đình và xã hội Việt Nam.

Điều gì khiến cho một vở kịch từ hơn 100 năm trước, phản ánh bi kịch của người phụ nữ trong một gia đình trung lưu, ở đô thị một nước Bắc Âu, phương Tây lại có thể “thời sự” với Việt Nam? TT&VH đã có cuộc trò chuyện với Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, ông Kjell Storlokken.
 
Ông Kjell Storlokken

* Thưa ngài, ý tưởng về cuộc tọa đàm này đã xuất hiện từ bao giờ, và đã được Na Uy thực hiện ở những nước nào và kết quả ra sao?

- Hội thảo “Các chị em của Nora” đã được tổ chức ở một số nước trên thế giới từ năm 2006 như là một phần của kế hoạch kỷ niệm 100 năm ngày mất của tác giả Na Uy nổi tiếng Henrk Ibsen. Kể từ năm 2006, hội thảo đã được tổ chức 15 lần tại 14 thành phố ở 13 nước trên thế giới, từ New York đến Bắc Kinh. Mục đích của sáng kiến này là sử dụng tác phẩm của Ibsen làm điểm xuất phát và nguồn cảm hứng cho các tranh luận và bàn bạc liên quan tới bình đẳng giới và vai trò của mỗi giới trong xã hội đương đại các nước khác nhau và các bối cảnh văn hóa khác nhau.
 
Lấy cảm hứng từ Nora, nữ nhân vật chính trong vở Nhà búp bê của Ibsen, sáng kiến có tên gọi là “Các chị em của Nora”. Kinh nghiệm cho thấy Ibsen là nền tảng tốt để thúc đẩy vấn đề bình đẳng giới. Sáng kiến này đã thành công trong việc thu hút các diễn giả có uy tín và các khán giả ở một số nước. Khán giả bao gồm những người trong giới văn hóa, học thuật, diễn đàn chính trị và định chế về giới - do đó có được lượng khán giả tham gia đa dạng hơn rất nhiều chứ không chỉ tập trung vào những người quan tâm đến sân khấu hoặc những người hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới.

* Với tên gọi rất ý nghĩa đã được đặt cho cuộc tọa đàm ngày 27.3: “Chị em Nora”, ngài Đại sứ hy vọng gì ở nhân vật Nora - Việt Nam, qua cách diễn xuất sắc của NSND Lê Khanh, trong sự đối chiếu với thân phận người phụ nữ Việt hiện đại?

 Lê Khanh trong vở
Nhà búp bê của Ibsen
- Lê Khanh thể hiện và mô tả Nora là một phụ nữ trẻ lớn lên và kết hôn trong một xã hội truyền thống. Nhưng Nora là một phụ nữ rất mạnh mẽ đã phản ứng cách đối xử của chồng và đòi hỏi sự tôn trọng và công nhận: “Trước khi là cái gì khác, tôi là một con người có lý trí, cũng giống như anh”

Vở kịch cho thấy một phụ nữ bị đặt vào một tình trạng đã trở nên rất khó cho cô có thể tiếp tục cách sống như trước, bởi cô không có được sự tôn trọng của chồng và chỉ được chồng coi như một nhân vật thứ yếu. Bị đối xử thiếu tôn trọng, cô cũng đã bị tước đoạt giá trị nhân phẩm và sự tự tôn.

Ấn tượng của tôi là trong những năm qua Việt Nam đã có những tiến bộ quan trọng về quyền bình đẳng. Hiện nay phụ nữ đã được tiếp cận nhiều hơn với giáo dục và các quá trình đưa ra quyết định. Họ có sự tự nhận thức cao hơn về quyền của phụ nữ.

Đồng thời, chúng tôi cũng chứng kiến việc phụ nữ Việt Nam ở tất cả các giai tầng xã hội lao động rất chăm chỉ, dù là trên cánh đồng, trong các công sở, hay tại các cửa hàng, đồng thời họ lại mang trên vai trách nhiệm chính về nuôi dạy con cái và gìn giữ gia đình hạnh phúc.

Để có thể đạt được sự bình đẳng điều quan trọng là phải xem xét các cấu trúc xã hội và đảm bảo rằng cả nam giới và nữ giới, bên cạnh việc chia sẻ trách nhiệm công bằng về kinh tế còn chia sẻ trách nhiệm công bằng về gia đình.

* Sau việc đối chiếu ấy, ngài hy vọng gì vào việc biến đổi thái độ và ứng xử của xã hội Việt Nam đương đại, nhất là đàn ông Việt, đối với “những Nora Việt” mà chắc chắn ngài đã có rất nhiều thiện cảm và thông cảm vói họ, trong nhiệm kì làm đại sứ của ngài ở Hà Nội, Việt Nam?

- Trong suốt những năm 60 và 70 ở Na Uy chúng tôi chứng kiến yêu cầu ngày càng tăng của phụ nữ đòi hỏi phải có sự bình đẳng hơn - nâng cao năng lực cho phụ nữ và trao cho họ nhiều cơ hội bình đẳng hơn. Phụ nữ lúc đó được tiếp cận bình đẳng về giáo dục và được tiếp cận nhiều hơn với công việc ngoài gia đình. Trong những năm 70, Na Uy là một trong những nước có tỉ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động thấp nhất ở Châu Âu. Ngày nay, chúng tôi là một trong những nước có tỷ lệ cao nhất.

Điều này dĩ nhiên đem đến những thách thức cho gia đình và cho cánh đàn ông. Nhưng quan điểm của tôi là sự thay đổi này đem đến việc cải thiện tình hình cho cả nam và nữ giới, và cho cả xã hội nói chung.

Tuy nhiên, việc tăng số lượng phụ nữ có việc làm đã không tự khắc mà đến. Đó là kết quả của việc giáo dục, kể cả giáo dục bậc cao, dành cho tất cả mọi người. Hơn nữa, đó còn là những thay đổi về chính sách mang tính hệ thống nhằm tăng năng lực cho phụ nữ và trao cho họ nhiều cơ hội bình đẳng hơn. Đó là kết quả của việc cải thiện một cách cơ bản chính sách và đãi ngộ dành cho việc nghỉ sinh con, tăng số lượng nhà trẻ mẫu giáo và trung tâm chăm sóc trẻ ban ngày. Những chính sách này cho phép phụ nữ có quyền lựa chọn; và họ có thể lựa chọn vừa có gia đình vừa có nghề nghiệp.

Đối với tôi, bình đẳng giới - và cuộc sống của các chị em và anh em của Nora - là một trong những vấn đề liên quan tới việc tái chia sẻ quyền lực và sự quan tâm. Phụ nữ cần có nhiều quyền lực hơn ở cả ngoài gia đình và nam giới cần ở nhà nhiều hơn với con cái. Rất nhiều người đàn ông đã phát hiện quá muộn việc đáng lẽ họ phải dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, và rằng khả năng có thể dành thời gian cho con cái và gánh vác bình đẳng trách nhiệm của người chủ gia đình và của gia đình thực sự là một phước lành đem đến giá trị tốt đẹp hơn cho cuộc sống.

Các xã hội hiện đại trên toàn thế giới cần huy động tất cả các nguồn nhân lực, cùng với phẩm chất cá nhân, trình độ học vấn và kỹ năng của họ, không phân biệt giới tính. Cả phụ nữ và nam giới cần phải được tham gia vào cuộc sống lao động, cuộc sống xã hội và cuộc sống gia đình. Vì vậy chúng ta cần phải xác định được những rào cản chính ảnh hưởng đến khả năng của đàn ông thực hiện việc quan tâm chăm sóc và khả năng của phụ nữ đạt được quyền lực lớn hơn (về chính trị và trong kinh doanh).

Một vấn đề quan trọng thu hút sự chú ý của nhiều nước trên thế giới trong những năm qua, trong đó có Na Uy và Việt Nam, là vấn đề bạo lực gia đình. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng cần tiếp tục theo dõi và giải quyết, và tôi vui mừng ghi nhận việc gần đây Việt Nam đã thông qua Luật phòng chống Bạo lực Gia đình. Với luật này, bạo lực gia đình không còn là vấn đề nội bộ của gia đình, mà là điều không thể chấp nhận đối với xã hội và cần phải được xử lý bằng pháp luật.

* Xin cảm ơn Ngài.
 
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm