16/10/2018 07:03 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam - nhà báo Thanh Hương vừa bước sang tuổi 90 hôm 5/10, nhưng cả hai còn rất mẫn tiệp.
Cũng đúng dịp thượng thọ này của ông bà, trên trang Amazon CreateSpace lại thấy xuất hiện cuốn Hồi ức tình yêu qua những lá thư riêng có tựa tiếng Anh Letters in Love and War.
Từ những bức thư tình lịch sử
Hồi ức tình yêu qua những lá thư riêng là cuốn sách tổng hợp 250 bức thư được chọn trong khoảng 500 lá thư của hai vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam và nhà báo Thanh Hương (nguyên TBT báo Phụ nữ Việt Nam) gửi cho nhau từ năm 1950 đến 1968.
Cuốn này được in lần đầu năm 2000 và đã được tái bản 2 lần. Năm 2016, siêu mẫu Hà Anh, cháu nội của vợ chồng nhà văn đã xin phép ông bà, thành lập hẳn một đội dịch và xuất bản cuốn sách sang tiếng Anh, phát hành đến đông đảo bạn đọc quốc thế thông qua trang Amazon CreateSpace.
Đọc sách này, người đọc có cơ hội được hiểu hơn về một chuyện tình - dù xa cách vẫn ngọt ngào, rất bình dị nhưng vô cùng cao quý của người Việt trong thời chiến. Những lá thứ mà vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam gửi cho nhau cách đây hơn nửa thế kỷ khiến độc giả ngỡ như đang xem một bộ phim kinh điển, đầy tính biểu tượng và không thể không ngưỡng mộ...
Công lớn để công chúng được biết đến “chuyện đời tư” của vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam - nhà báo Thanh Hương qua cuốn sách này đầu tiên phải kể đến nhà văn Mỹ Lady Borton.
Cụ thể, trong một lần đến thăm vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam, nhà văn Lady Borton được “khoe” một vali, trong đó lưu giữ 500 bức thư của hai vợ chồng gửi cho nhau trong những ngày kháng chiến.
“Lady Borton ngồi bệt xuống sàn nhà và đọc say sưa. Đọc xong, bà nói với vợ chồng tôi rằng, những thứ này nên thuộc về công chúng, không thể giữ riêng”, nhà báo Thanh Hương kể. “Lúc đầu, chúng tôi cũng ngại vì người Việt Nam không có thói quen công bố thư riêng, lại là thư tình cảm, nên lần ấy tôi chỉ cười và từ chối”.
Nhưng không bỏ cuộc, trong một năm rưỡi sau, lần nào gặp mặt vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam, Lady Borton cũng nhắc việc nên công bố những bức thư đến công chúng.
“Bà xin chúng tôi cho chụp lại những lá thư vì sợ sau này bị phai mờ hết. Chúng tôi đồng ý và cũng đã tặng lại những bức thư cho Bảo tàng Phụ nữ. Đến năm 2000 thì sách được in, rồi tái bản 2 lần. Bản tiếng Anh trên Amazon CreateSpace là do nhóm của Hà Anh xin phép làm” – nhà báo Thanh Hương nói tiếp.
… đến lễ cưới theo “thư mời” không giấy kết hôn
Nhà văn Vũ Tú Nam và nhà báo Thanh Hương quen nhau từ năm 1949 ở Thanh Hóa. Hồi ấy, nhà báo Thanh Hương công tác ở phụ nữ Quân khu IV, nhà văn Vũ Tú Nam đang là phóng viên báo Chiến sĩ, sắp sửa lên đường đi chiến đấu. Trước giờ lên đường, nhà báo Thanh Hương thay mặt chị em phụ nữ, động viên các anh em ra trận và không hề hay biết lúc ấy bà đã “lọt vào mắt xanh” của nhà văn Vũ Tú Nam đang đứng nghiêm trang trong hàng ngũ.
“Anh Nam theo Đại đội ra Ninh Bình tham gia chiến dịch Đường số 12. Anh là tiền tuyến, tôi là hậu phương, chúng tôi thay mặt cho cơ quan, đơn vị viết thư thăm hỏi lẫn nhau. Tuy nhiên, tôi không ký tên thật và anh cũng thế. Tôi lấy tên Phương Thùy, còn ông dùng một chữ - Then. Viết thư qua lại nhưng không biết mặt nhau, ông chỉ ngờ ngợ đoán là tôi, cô gái đã để lại trong ông ấn tượng sâu sắc” – nhà báo Thanh Hương kể.
Khi về, nhà văn Vũ Tú Nam nhờ anh trai mình - nhà thơ Vũ Cao (tác giả “Núi đôi”) đã thân thiết với đơn vị của “em dâu tương lai” từ trước - dắt nhà văn Vũ Tú Nam đến làm quen, rồi yêu nhau và liên tục gửi thư cho nhau.
Đến 1/6/1952 nhà văn Vũ Tú Nam – nhà báo Thanh Hương tiến thêm “một bước xa” nữa là đính ước, nhưng phải đến 3/2/1954 mới tổ chức hôn lễ tại cơ quan Cục Tuyên huấn Quân đội.
“Năm ấy, gần Tết, anh Vũ Cao mang một lá thư nhỏ không phong bì của Chi ủy cơ quan anh Nam sang gặp tôi, hóa ra là mời về cưới” - nhà báo Thanh Hương kể. “Giữa đợt phát động, cơ quan lại ở xa..., tôi tức quá bật khóc. Khóc là thế nhưng tôi vẫn lủi thủi đeo ba lô đi bộ về Cục Tuyên huấn cách đó 50 cây số để cưới chồng. Lễ cưới diễn ra trong một ngày, ngày hôm sau tôi lại phải quay về đơn vị. Đến tận bây giờ, khi đã qua “đám cưới vàng” nhiều năm, chúng tôi vẫn không có giấy chứng nhận kết hôn”.
Ngoài chưa có giấy kết hôn, nhớ lại quãng thời hai vợ chồng mới cưới nhau, nhà báo Thanh Hương còn kể về một cái không khác khiến vợ chồng nhà văn nhớ mãi. Đấy là sau khi cưới, về lại Hà Nội ông bà không có nhà, hai người đều phải “ở ké” cơ quan. Nhà báo Thanh Hương thì “ké” tòa soạn báo Phụ nữ ở 68 Nguyễn Du, còn nhà văn Vũ Tú Nam ở trong cơ quan Cục Tuyên huấn quân đội đóng ở Cửa Đông.
“Mấy năm trời, ban ngày làm việc, tối mới cuốc bộ đi thăm nhau rồi ai về lại cơ quan của người ấy, không có nổi một chỗ ở chung” – nhà báo Thanh Hương kể. “Đến một tối thứ Bảy, thấy tình cảnh của đôi vợ trẻ chúng tôi chẳng khác gì... vợ chồng Ngâu, chị Phan Thị An lúc đó ở Thường vụ Hội Phụ nữ “thương tình” đã đề nghị anh Nam nhà tôi ở lại cơ quan đêm nay, chị sẽ bố trí phòng cho. Thế là chị tự tay mang chiếu rải ở phòng khách cơ quan, dọn chỗ giúp để chúng tôi được ở bên nhau đêm hôm đó. Và cũng nhờ cái đêm đó, chúng tôi đã có tin vui về đứa con đầu lòng...”
Nhà văn Vũ Tú Nam và nhà báo Thanh Hương bằng tuổi nhau, năm nay đều đã tròn 90 tuổi, nhưng nom trên gương mặt phúc hậu của ông bà, vẫn thấy ngời lên vẻ hạnh phúc, đầy sự lạc quan về cuộc sống, về các con, các cháu.
Hiện, nhà văn Vũ Tú Nam đang tích cực “bồi bổ sức khỏe”, chuẩn bị cho một bộ phim về chính ông do Hội Nhà văn Việt Nam thực hiện. Còn nhà báo Thanh Hương thì vừa hoàn thành cuốn Từ thuở ban đầu (in dạng “đóng sổ”, lưu hành nội bộ gia đình), kể về chặng đường nghề nghiệp của chính mình và đặc biệt là về cuộc sống của gia đình, về các con cháu...
Và như thế, ngoài Hồi ức tình yêu qua những lá thư riêng, các con, cháu của vợ chồng nhà văn tuổi thượng thọ này, một lần nữa hiểu hơn về ông bà và cũng là hiểu hơn về một phần nhỏ lịch sử của đất nước.
Tư liệu nguyên khai “Các nhà sử học gọi đây là tư liệu nguyên khai. Bởi nó đến từ thời điểm tự nó. Từ ngữ trong những lá thư còn lại, không thay đổi. Nó có tiếng nói của thời ấy, nhưng là những lá thư tình, có thể không giống với cách nói các bạn thường dùng trên báo chí” – Lady Borton (nữ nhà văn Mỹ) Chú thích ảnh (biasach): Bìa cuốn “Letters in Love and War”. Ảnh in bìa sách này chính là siêu mẫu Hà Anh, cháu nội của vợ chồng nhà văn. |
Phạm Huy - Quỳnh Trang
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất