Juventus rời Champions League sau thảm bại: Tự sát ở Olimpico

10/12/2009 11:06 GMT+7 | Champions League

(TT&VH) - Có rất nhiều cách để “chuyển khẩu” từ Champions League sang Europa League, nhưng thầy trò HLV Ciro Ferrara đã chọn cách tệ nhất. Trong ngày chân sút David Trezeguet đi vào lịch sử Juve, đội bóng này cũng đã đi vào lịch sử với thất bại nặng nề nhất trước các đại diện của Bundesliga.

1. Những phút cuối trận đấu sinh tử ở Turin, ống kính truyền hình đã dành một thời lượng không nhỏ để zoom cận cảnh những gương mặt bàng hoàng, thẫn thờ của các CĐV Juventus ngồi kín các khán đài sân Olimpico. Gần như không có những giọt nước mắt. Phải rồi, nước mắt chỉ rơi ra khi người ta có cảm xúc, còn những gì xảy ra dưới mặt cỏ kia chỉ khiến họ hóa đá. Có ai ngờ rằng, trên chính những gương mặt ấy, chỉ mấy chục phút trước còn thấp thoáng nụ cười vui của chiến thắng, còn phảng phất niềm tự hào “Bianconeri” sót lại sau trận derby thắng Inter. Những gì xảy ra trong hiệp 2 giống như một bộ phim thảm họa, buộc các bianconeri phải dán mắt vào với sự sợ hãi khôn cùng.

Juve thảm bại trước Bayern ngay ở Olimpico

Cũng những phút ấy, qua ống kính truyền hình, người ta được thấy đôi mắt đầy biểu cảm của Felipe Melo, một đôi mắt “ướt”. Bên cạnh tiền vệ người Brazil ấy là một người Brazil khác, Diego, với gương mặt bình thản hơn và đôi lúc nhếch mép cười một cách chua chát. Họ ngồi bên nhau trên ghế dự bị, chứ không phải ở trên sân, bởi với phong độ nghèo nàn trình diễn trong trận này, họ đã bị thay ra ở những phút trước đó. Bộ đôi Samba ấy chính là những người gánh trách nhiệm lớn lao nhất của Juve mùa này. 50 triệu euro mà Juventus đã đầu tư vào họ rõ ràng không phải để đổi lấy những khoảnh khắc câm lặng mà Olimpico đã chứng kiến rạng sáng qua.

2. Đấy là một cuộc tự sát theo đúng một “quy trình chuẩn”. Bàn thắng mở tỷ số của Trezeguet giống như động tác đạp đổ chiếc ghế của một kẻ được kiêu hãnh lần cuối, để rồi khi chiếc thòng lọng thít chặt dần, Juventus cứ thế lịm đi. Chiếc thòng lọng không thít vào cổ Juve từ những pha tấn công biên dồn dập và dũng mãnh của “Hùm xám”, mà từ chính sự hoảng loạn của họ trước lối chơi vũ bão của đội bóng Đức. Felipe Melo gần như bất lực ở tuyến giữa khi anh không biết phải chạy đi đâu và ngăn cản ai. Diego thì chuyền sai liên tục thay vì phải cầm bóng để các đồng đội ổn định lại vị trí. Grosso và Caceres quay cuồng bởi tốc độ của các cầu thủ áo đỏ. Cặp trung vệ chắp vá Cannavaro-Legrottaglie thì đơn giản là có một trong những ngày làm việc vất vả nhất trong đời.

Nhưng điều cốt lõi là họ chẳng nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào từ khu vực kỹ thuật. HLV Ferrara, người vừa tăng điểm chút ít sau trận thắng Inter, đã đứng như tượng từ đầu trận cho đến hết hiệp 1, để đối thủ mặc sức tung hoành mà không đưa ra điều chỉnh nào giúp đội nhà giành lại thế trận. Đến khi ông có sự điều chỉnh thì đó lại là một quyết định sai lầm hoàn toàn. Đúng là Juventus cần tăng cường sức chiến đấu ở tuyến giữa, nhưng rút Del Piero ra để chơi 4-2-3-1 (từng thua cả Bordeaux và Cagliari 0-2) là một nước cờ tồi của Ferrara. Tư tưởng cầu hòa đã được thể hiện rõ, và đó là điều chủ chốt dẫn đến việc các cầu thủ Juve không có được tinh thần quyết thắng mà họ đã có ở trận derby. Rút Del Piero ra, Ferrara chẳng khác nào bảo Van Gaal: “Tôi không tấn nữa, ông muốn làm gì thì làm”. Khi không phải lo phòng ngự, Bayern không dồn cả lên mới lạ.

3. Nếu như sau hiệp 1, người phải rời sân là Diego hay Camoranesi – những nhân tố không đóng góp gì về mặt đua thể lực và tốc độ với người Đức ở tuyến giữa, hoặc Felipe Melo, người thể hiện tâm lý bất ổn nhất trong đội hình, thì có thể trận đấu của Juventus đã rẽ sang hướng khác. Không Del Piero, Juventus mất hẳn một vũ khí quan trọng ở các tình huống cố định, đồng thời mất đi vị thủ lĩnh có kinh nghiệm Champions League hàng chục năm, người duy nhất biết đội bóng này cần gì khi đối mặt cái chết. Tại sao không phải là Diego rời sân và để cho Del Piero thể hiện những gì anh đã thể hiện ở mùa trước, với 3 bàn thắng vào lưới Real Madrid hùng mạnh?

Diego và Ferrara non kinh nghiệm đỉnh cao, nhưng cả hai con người ấy đều chỉ là những kẻ đáng thương, khi lỗi lớn nhất thuộc về ban lãnh đạo của Juventus. Ferrara không biết cách sử dụng Diego và Felipe Melo, những ngôi sao nổi bật mùa trước, nhưng chính là các sếp Juventus đã tin tưởng vào Ferrara dù biết rằng ông không có tài. Họ cũng đưa về một Cannavaro không đại diện cho bất cứ bản sắc nào của đội. Tất cả chỉ vì một mục đích: đưa Lippi trở lại sau World Cup 2010. Không có ai thích hợp hơn Ferrara cho vai trò cầu nối, nhưng chủ yếu là chẳng nhà cầm quân có năng lực nào chấp nhận ký một hợp đồng chỉ 1 năm với tương lai chắc chắn sẽ bị thay thế.

Đó chính là bi kịch của Juve.

Trezeguet đi vào lịch sử Juventus

Cú sút quyết đoán tung lưới Bayern Munich rạng sáng qua là bàn thắng thứ 168 của tiền đạo David Trezeguet ghi được cho Juventus. Bàn thắng đó không có ý nghĩa gì trong thất bại của Juve, nhưng nó đã chính thức đưa Trezeguet vượt qua tiền bối Omar Sivori để trở thành cầu thủ người nước ngoài ghi nhiều bàn thắng nhất cho đội bóng thành Turin. Kỷ lục 167 bàn của Sivori đã tồn tại ít nhất 40 năm qua, kể từ sau khi cựu danh thủ người Argentina này giải nghệ năm 1969. Trezeguet sẽ còn ghi thêm những bàn thắng và kỷ lục của anh sẽ là thách thức khổng lồ cho những kẻ hậu bối.

1 Thất bại 1-4 rạng sáng qua là trận thua đậm nhất của Juventus trong lịch sử 46 lần đối đầu chính thức với các đội bóng Đức, và là lần thứ hai họ để thủng lưới tới 4 bàn bởi một đại diện của Bundesliga (trước đó là trận hòa 4-4 trên sân Hamburg ngày 13/9/2000, vòng bảng Champions League).

200 Để lọt lưới 4 bàn ở Olimpico, Juventus đã có tròn 200 bàn thua trong tổng số 201 trận đấu của họ ở đấu trường C1/Champions League (100 thắng, 49 hòa, 52 thua). 200 cũng là số bàn thắng mà họ đã ghi được trong lịch sử 98 trận đá ở Cúp C3/Cúp UEFA/Europa League, giải đấu mà họ vừa chính thức góp mặt.
 
B.Việt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm