Hy Lạp công bố thời điểm bỏ phiếu thông qua thỏa thuận đổi tên nước Macedonia

22/01/2019 08:22 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, một nghị sĩ Hy Lạp ngày 21/1 cho biết quốc hội nước này sẽ tiến hành bỏ phiếu vào ngày 24/1 tới nhằm chấm dứt những tranh cãi kéo dài giữa Athens và Skopje về thỏa thuận đổi tên nước Macedonia.

Hy Lạp và Macedonia ký thỏa thuận lịch sử đổi tên nước

Hy Lạp và Macedonia ký thỏa thuận lịch sử đổi tên nước

Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Kotzias và Ngoại trưởng Macedonia Nikola Dimitrov ngày 17/6 đã ký thỏa thuận lịch sử giữa hai nước về việc đổi tên Macedonia thành Cộng hòa Bắc Macedonia.

Theo quan chức trên, một cuộc tranh luận trong quốc hội về vấn đề này dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 23/1 và kết thúc bằng một cuộc bỏ phiếu một ngày sau đó. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, người trước đó vừa vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội nước này, hy vọng sẽ có được đa số tuyệt đối số phiếu ủng hộ của các nghị sĩ trong quốc hội về thỏa thuận đổi tên nước Macedonia thành Cộng hòa Bắc Macedonia.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. Ảnh: Reuters

Ngày 13/1 vừa qua, Thủ tướng Tsipras đã kêu gọi tiến hành cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chính phủ, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Panos Kammenos, Chủ tịch đảng "Những người Hy Lạp độc lập" và cũng là đối tác trong liên minh cầm quyền, từ chức do bất đồng về thỏa thuận với Macedonia liên quan việc đổi tên nước. Trước đó, hồi tháng 10/2018, Ngoại trưởng Nikos Kotzias cũng đã rời nhiệm sở sau cuộc tranh cãi trong nội các về thỏa thuận này.

Thỏa thuận đạt được hồi tháng 6/2018 giữa Chính phủ Hy Lạp và Macedonia nhằm giải quyết tranh cãi liên quan đến tên nước kéo dài suốt 27 năm qua. Quốc hội Macedonia ngày 11/1 đã bỏ phiếu thông qua dự thảo sửa đổi hiến pháp để thay đổi tên nước thành Cộng hòa Bắc Macedonia. Tuy nhiên, để dự thảo này đi tiếp cần phải được các nghị sĩ Hy Lạp ủng hộ.

Tuy nhiên, thỏa thuận làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ ở Hy Lạp vì nước này cũng có một tỉnh miền Bắc mang tên Macedonia. Nhiều người Hy Lạp muốn nước láng giềng phía Bắc bỏ tên gọi Macedonia vì cho rằng tên gọi này hàm ý nhận chủ quyền đối với tỉnh cùng tên của Hy Lạp. Tranh cãi liên quan vấn đề tên gọi này cũng là rào cản chính khiến Macedonia không thể đạt tiến triển trong việc trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm trên mở đường cho Thủ tướng Tsipras tìm kiếm sự đồng thuận trong Quốc hội Hy Lạp về thỏa thuận đổi tên nước với Macedonia. Tuy nhiên, chưa có gì đảm bảo tương lai Chính phủ của Thủ tướng Tsipras cũng như khả năng ông Tsipras hoàn thành nhiệm kỳ 4 năm vào tháng 9 tới sau những xáo trộn của liên minh cầm quyền.

TTXVN/Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm