02/03/2015 11:25 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - Từng vào đến tứ kết AFC Cup mùa trước, nhưng mùa này sau thất bại đến “chóng mặt” với tỷ số 0-7 trên sân của FC Seoul (Hàn Quốc) ở vòng loại play-off AFC Champions League, Hà Nội T&T chính thức vắng mặt tại Cúp châu Á. Sau trận thua đó, chính HLV Phan Thanh Hùng đã thừa nhận ở sân chơi này mục tiêu của các CLB Việt Nam vẫn chỉ là học hỏi. Chỉ có điều học hỏi cũng là bài toán cực khó.
Sau 6 năm vắng mặt và nhờ vào những thành tích khá tốt tại AFC Cup trong thời gian gần đây, bóng đá Việt Nam đã được trở lại với AFC Champions League 2015 với 2 đại diện. ĐKVĐ V-League B.Bình Dương có mặt tại vòng đấu bảng, còn Hà Nội T&T thế chỗ cho nhà vô địch Cúp quốc gia Hải Phòng (không đủ tiêu chuẩn của AFC) thi đấu vòng sơ loại.
Không có cừa đi xa, nhưng không ai khác chính ông thày người Đà Nẵng tuyên bố rằng AFC Champions League là cơ hội để đội bóng Thủ đô lấy lại hình ảnh của mình sau chuỗi bết bát kéo dài ở sân chơi quốc nội. Và có vẻ như tuyên bố ấy đã đúng khi Hà Nội T&T đánh bại Persib Bandung (Indonesia) tới 4-0 trên sân nhà Hàng Đẫy tại vòng sơ loại thứ 2.
Thế nhưng, chỉ ngay ở trận play-off quyết định suất vào vòng bảng, trình độ thực của nhà á quân V-League bộc lộ hoàn toàn. Trước một FC Seoul quá mạnh và lại thi đấu trên sân nhà, Hà Nội T&T chỉ thủng lưới có… 7 bàn cũng đã giống như món quà Tết!
B.Bình Dương nằm ở bảng E về thực tế sẽ được thi đấu tới 6 trận cả sân nhà lẫn sân khách (theo thể thức lượt đi và về), nhưng ngay sau trận thua Shandong Luneng Taishan (Trung Quốc) ở Gò Đậu ngày mở màn, họ coi như cũng hết cơ hội đi tiếp. Ở trận đấu tiếp theo với chủ nhà Kashiwa Reysol (Nhật Bản), thày trò ông Lê Thụy Hải thua ít có lẽ cũng đã là thành công lớn.
Tóm lại, sau 6 năm vị thế của bóng đá Việt tại sân chơi châu lục thì vẫn thế, vẫn là khoảng cách lớn về trình độ. Thực ra thì chẳng có gì là khó hiểu bởi các Cúp châu Á cũng là bức tranh phản chiếu trình độ chung của bóng đá châu lục.
Khi mà ĐTQG của chúng ta (cũng như hầu hết các ĐTQG ở Đông Nam Á) còn chưa vượt khỏi tầm khu vực, thì đương nhiên, việc các CLB tìm kiếm những thứ hạng cao ở châu lục là hoàn toàn không thể.
Vấn đề đặt ra ở đây là với tư cách thành viên AFC, bóng đá Việt Nam… vẫn cứ phải tham dự các Cúp châu Á dù đó là Champions League hay AFC Cup. Vì thế, cần phải xác định chính xác được mục tiêu tham dự, thay vì cụm từ “học hỏi, cọ xát” chung chung đã từng được đặt ra cách đây tới hơn 2 thập kỷ kể từ lần có mặt đầu tiên.
Học hỏi và cọ xát sẽ chẳng thành công với bất cứ đội bóng nào nếu chưa vào cuộc đã xác định thua và thực tế là toàn thua đậm để rồi sớm nảy sinh tâm lý chán. Chán không muốn tham dự, hoặc có tham dự cũng là cho xong theo kiểu “đẩy” các cầu thủ trẻ, cầu thủ dự bị vào thi đấu nhằm dồn kinh phí, lực lượng cho sân chơi nội vốn sống còn hơn.
Ngoài ra, một vấn đề khác thuần chuyên môn khiến các CLB Việt Nam luôn gặp khó khi dự Cúp châu Á là chuyện kinh nghiệm và cọ xát. Thực tế là ngoài hệ thống giải trong nước, các CLB có rất ít cơ hội để thi đấu với các đối thủ nước ngoài, ngoài các trận giao hữu thường tổ chức trước mùa giải.
Tại khu vực, trước đây cũng đã từng có Cúp C1, nhưng rồi giải đấu này cũng không được duy trì lâu và việc gây dựng lại cũng chỉ mới dừng ở mức bàn thảo của AFF (LĐBĐ Đông Nam Á).
Học hỏi, cọ xát là điều mà với dân chuyên môn thì ai cũng muốn. Chỉ có điều nếu học hỏi, cọ xát mà tốn kém, ảnh hưởng và chẳng có kết quả gì, thì đương nhiên, chẳng ai muốn. Bài toàn khó là ở chỗ đó!
Vũ Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất