17/02/2020 11:00 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Làng Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội là một làng nghề nổi tiếng từ hàng trăm năm nay. Không chỉ có đôi tay khéo léo, am hiểu về Phật giáo, Đạo giáo, các tín ngưỡng dân gian mà chính cái tâm với nghề, cùng những kỹ thuật được lưu truyền bằng truyền miệng và cả những kiêng kị của nghề, những nghệ nhân làng Sơn Đồng đã "thổi hồn" vào những khúc gỗ "chết", tạo ra những sản phẩm điêu khắc đồ thờ, tượng Phật tinh hoa, độc đáo.
Xem chuyên đề "Mọt sách, mọt sử, mọt phim" tại đây
Dân làng cho biết, theo Thần tích tại đền Thượng, xã Sơn Đồng, thì làng Sơn Đồng đã thờ tổ nghề tạc tượng, Đức thánh Đào Trực, từ năm 976, thời vua Lê Đại Hành. Ngài là người đã có công “phục nghệ giáo dân", tức khôi phục nghề và dạy cho dân. Sau khi Ngài qua đời, nhà vua lệnh cho dân làng Sơn Đồng lập miếu, thờ Ngài.
Nghề chạm khắc gỗ Sơn Đồng trải qua nhiều thăng trầm lịch sử. Tương truyền nghề thịnh hành và phát triển nhất vào thời Lý. Người dân trong làng kể: Cũng giống như các làng nghề khác ở Bắc bộ, thời chiến tranh nghề điêu khắc gỗ ở đây bị mai một. Đến khoảng những năm 1980, nghề bắt đầu khôi phục lại và phát triển.
Ông Nguyễn Nghiêm Đạt, một cao niên trong làng nghề Sơn Đồng cho biết: "Sở dĩ giữ được nghề, bởi vì suốt thời chiến tranh cũng như thời kỳ bao cấp, những người thợ Sơn Đồng yêu nghề cứ khăn gói đến các ngôi chùa làm sơn thếp lại tượng hoặc tạc tượng mới cho nhà chùa. Không trả công nhưng nhà chùa nuôi ăn từ một tháng, vài tháng đến 9-10 tháng cũng có. Nhờ những sư thầy có tâm vậy mà nghề chạm khắc gỗ Sơn Đồng giữ được nghề cho đến ngày nay".
Thổi hồn vào gỗ
Làng Sơn Đồng hiện nay có khoảng hơn 300 hộ chuyên làm nghề mộc điêu khắc với trên 4.000 thợ lành nghề và nhiều nghệ nhân tài hoa. Sản phẩm chủ yếu là các tượng Phật, tượng Đức thánh, những người anh hùng dân tộc, các linh vật thờ như ông ngựa, ông hạc, hoành phi, câu đối, cuốn thư, án gian, ban thờ. Tất cả đều được sơn son, thếp vàng, thếp bạc một cách tỉ mỉ và công phu. Hầu như ở các di tích đền, chùa, phủ trong vùng đồng bằng Bắc Bộ đều có dấu ấn bàn tay tài hoa, khéo léo của nghệ nhân làng mỹ nghệ Sơn Đồng.
Để chế tác ra một sản phẩm điêu khắc không hề đơn giản, mà đặc biệt là trong việc chế tác đồ thờ và tượng thờ lại càng quan trọng hơn do phải tuân thủ theo các yêu cầu của mỗi tôn giáo, tín ngưỡng. Để bức tượng "sống", phải thể hiện được sắc thái riêng của từng nhân vật. Nhưng không phải ai cũng làm được mà nó đòi hỏi những nghệ nhân thật sự tài hoa mới tạo nên được cái thần cho các pho tượng. Theo các nghệ nhân, muốn có được những sản phẩm độc đáo tinh khôi, phải kể đến phẩm hạnh của người thợ, đặc biệt là cái "tâm", trong đó nổi bật là tâm đức, tâm hồn và tâm linh.
“Người thợ tạc tượng phải hiểu được cá tính của từng pho tượng Phật trong tâm thức con người để tạc. Tạc tượng Phật khác hẳn với tạc các tượng người khác. Tượng Phật có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp. Người thợ không nắm bắt được những cái này thì không thể tạc được".
Nghệ nhân Nguyễn Viết Thắng (1966) học nghề năm 15 tuổi từ ông nội là cụ Nguyễn Viết Thạc, một nghệ nhân nối tiếng của Sơn Đồng. Anh Thắng kể: Gia đình anh có 4 đời làm nghề chạm khắc gỗ. Anh làm quen với nghề từ khi còn nhỏ. Ông anh vừa tạc tượng vừa kể cho anh nghe tích truyện của từng pho tượng Phật. 15 tuổi, ông nội trực tiếp cầm tay chỉ việc hướng dẫn cách làm. Đầu tiên phải học phác thảo, hình dung, sau đó mới học cách tạo dáng đến chi tiết, rồi đến diện mạo. Tính đến nay, anh đã có hơn 30 năm làm nghề. Tất cả những mẫu tượng, pho gì, ngồi tư thế nào anh đều nhập tâm trong đầu, không cần ảnh, đều có thể tạc được tượng. Khi mới học thì học tạc tượng nhỏ trước, vì tượng nhỏ dễ ước lượng tỷ lệ kích thước, có tầm bao quát hơn. Sau đó mới học tạc tượng lớn.
Anh Nguyễn Viết Thắng giải thích: “Trước kia, các cụ chỉ cần bẻ que để chia tỷ lệ, do đó truyền miệng câu “nhất diện phân lưỡng kiên, tọa tứ lập thất", nghĩa là: một mặt bằng hai vai (khoảng cách từ cổ đến đỉnh đầu bằng khoảng cách từ cổ ra hai vai), ngồi bảy diện. Ví dụ: chiều cao tượng là 70cm thì sẽ lấy 70:7 = 10. Như vậy khoảng cách mặt sẽ là 10cm; vai sẽ là 20cm (10x2); ngồi là 40cm (10x4)".
Công phu tạc tượng và những kiêng kỵ
Kinh nghiệm dân gian cho biết, tạc tượng bao giờ cũng bắt đầu từ việc chọn gỗ. Nguyên liệu để làm tượng Phật là gỗ mít, đây là chất liệu duy nhất được phát hiện và tin dùng từ lâu. Gỗ mít có đặc tính dẻo, mềm, thớ dặm, có độ bền cao, ít nứt, dễ gọt, không bị mối mọt, lại bền, tốt cho việc tạc tượng.
Trước kia, gỗ mít rất sẵn, đình chùa xưa nhỏ nên thường dùng tượng nhỏ, hơn nữa ngoài tượng gỗ còn đắp tượng bằng đất. Nay đình chùa nhiều, thường được xây dựng lớn, lại chuộng tượng gỗ, nên nguyên liệu không đủ, gỗ mít đẹp và to rất hiếm. Nhiều khi có tiền mà không mua được gỗ. Gỗ hiện nay chủ yếu mua của các thương lái, có khi phải nhập khẩu từ nhiều nước trên thế giới.
Ở tất cả các công đoạn của nghề đều đòi hỏi người làm phải có sự am hiểu tổng hợp, từ dáng, diện, nét, màu sắc, nhưng quan trọng nhất là cổt cách, tỷ lệ. Từ lâu, người Sơn Đồng vẫn lưu truyền nhau cách làm tượng theo cuốn Duyên quang tạo tượng. Theo anh Thắng, cuốn sách ấy hiện nay đã thất truyền, mọi người trong làng chỉ truyền miệng nhau những câu nói như sự chỉ dẫn trong quá trình làm nghề.
Diện/khuôn mặt rất quan trọng vì thần hồn, sắc thái của tượng như thế nào thể hiện ở diện. Diện toát lên phần hồn của tượng. Để làm được điều này, phải biết được tướng tốt, vẻ đẹp của khuôn mặt tượng. Mỗi một pho tượng thuộc các tôn giáo khác nhau đều có những nét khác nhau. Nghệ nhân Nguyễn Viết Thắng kể lại kinh nghiệm của mình được học từ ông nội: Trong Phật giáo, có 32 tướng tốt của Đức Phật. Người làm nghề có thể làm theo mẫu hoặc học theo mô tả, trừu tượng. Có những pho tượng không có ảnh thì phải mô tả để tái hiện diện mạo...
Ngoài ra, mỗi một pho tượng lại có những nét riêng về hình dáng, như tượng Tam thế hình dáng ngồi giống tượng A Di Đà, nhưng trên tay lại có hạt ngọc và đôi khi có chữ "vạn" ở tay. Tượng Đức Thế Tôn, tay phải giơ lên cầm hoa sen. Những mô tả về tượng Phật được gọi là "duyên quang tạo tượng", chủ yếu được truyền miệng từ đời này qua đời khác. Các pho tượng Phật có quy chuẩn riêng từ trước, thế hệ sau cứ thế làm theo. Bất cứ ai ở Sơn Đồng khi vào chùa đều nhận ra đây là pho tượng của vị Phật nào, dù cho mỗi người tạc khác nhau, có người tạc hơi mảnh, có người tạc hơi đậm.
Các pho tượng Mẫu thì thường "mặt hoa da phấn, mắt phượng mày ngài, cổ kiêu ba ngấn, miệng cười trăm hoa". Còn các vị Thánh trong đình thì tạc theo mô tả của dân từng làng vì mỗi vị có tích riêng, chứ không giống các vị Phật, vì thế phải dựa vào tích truyện của từng nơi, sau đó phân tích và thế hiện tính cách của nhân vật trên từng pho tượng, Ví dụ: Võ tướng thì "mặt sắt mày gươm, binh quyền muôn dặm", Mẫu Liễu Hạnh thì "mặt hoa da phấn, mắt phượng mày ngài, cổ kiêu ba ngấn, miệng cười trăm hoa (miệng tươi như hoa, da trắng, mắt dài, mày như con ngài, cổ cao ba ngấn).
Vì là làm đồ thờ cúng, đặc biệt là tạc tượng thờ, nên những người thợ Sơn Đồng có những kiêng cữ rất cẩn thận. Trước khi bắt đầu tạc một pho tượng, bao giờ người thợ cũng phải thắp hương, miệng khấn tên vị Phật, Thánh hoặc vị Mẫu mình sẽ tạc, xin phép được tạc tượng Ngài. Anh Thắng cho biết: Trong quá trình làm (đẽo, gọt..) không tránh khỏi việc ngồi, tỳ tay hoặc bước qua tượng. Vì vậy trước khi chuyển đi người thợ cũng phải Mộc Dục (tắm tượng bằng rượu và gừng). Sau đó, khi vào chùa, tượng phải khai quang tẩy uế, sau đó mới hô thần nhập tượng. Những người thợ làm nghề đều được dự và có giấy sớ, xin có gì sai sót, mong được sám hối. Ngày "khai quang" phải là ngày lành tháng tốt, sau khi hô thần nhập tượng, pho tượng mới chính thức được coi là thần thiêng để thờ cúng.
***
Người thợ Sơn Đồng học nghề bằng truyền khẩu, thông qua những câu thơ, những trích dẫn truyền miệng mô tả về các pho tượng, vì thế dễ ngấm, cộng với việc cầm tay chỉ việc nên người làng Sơn Đông rất yêu nghề, tâm huyết với nghề. Họ không chỉ có đôi tay khéo léo mà còn am hiểu về Phật giáo, Đạo giáo và các tín ngưỡng dân gian để thổi hồn vào các pho tượng. Tính cộng đồng của những người làm nghề rất cao, họ làm nghề luôn đặt cái tâm lên trên, họ không để lại dấu ấn cá nhân lên những sản phẩm mình làm, người khác không biết được đó là những sản phẩm của ai, có chăng chỉ biết đó là của làng Sơn Đồng.
(Còn nữa)
Theo Trung tâm Nghiên cứu và phát huy di sản văn hoá
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất