Trại sáng tác quốc tế do… dân làng “tài trợ”!

14/01/2009 11:11 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Trại sáng tác quốc tế gồm 8 quốc gia và vùng lãnh thổ: Malaysia, Trung Quốc, Indonesia, Italia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Đài Loan và Việt Nam vừa được diễn ra tại một làng chài nhỏ ở Sasaran ở Malaysia cuối tháng 12/ 2008 vừa qua đã để lại một ấn tượng sâu sắc về cung cách tổ chức cũng như mô hình xã hội hóa nghệ thuật. Trong số 32 người tham dự Việt Nam có 5 người: Lê Văn Sửu, Đỗ Minh Tâm, Vũ Bích Thủy, Trịnh Tuân, Hà Chí Hiếu.

Trở về từ Malaysia, Đỗ Minh Tâm tâm sự:

- Trước khi đi tôi không nghĩ trại sáng tác này lại có quy mô như vậy. Mặc dầu được diễn ra tại một địa bàn nhỏ, nhưng cung cách tổ chức của họ rất chuyên nghiệp. Ý tưởng của trại là do họa sĩ NG Bee - được xem là một trong số 10 họa sĩ đương đại hàng đầu Malaysia - nghĩ ra với mong muốn kết nối các nghệ sĩ Châu Á. Toàn bộ kinh phí của workshop là do người dân bỏ ra. Trong suốt 10 ngày của workshop các hoạt động được diễn ra liên tục, ngoài tranh, sắp đặt, trình diễn, video art còn có các buổi biểu diễn âm nhạc, trình diễn thời trang. Điểm thành công nhất của trại sáng tác này là việc tạo nên một hiệu ứng xã hội hóa rất cao.
 
HS Đỗ Minh Tâm

* Tôi khá tò mò là làm thế nào mà NG Bee lại có thể vận động người dân tài trợ cho workshop, trong khi Sasaran là một trong số những làng nghèo nhất Malaysia?

- Thực ra không chỉ có dân, mà còn một số doanh nghiệp nhỏ cũng tham gia trợ giúp. Hình thức trợ giúp của họ cũng rất đơn giản, như có nơi tài trợ 100 thùng bia, nơi thì đóng góp bữa ăn, do chính dân làng nấu. Thậm chí khi chúng tôi ra các cửa hàng mua họa phẩm để sáng tác, họ đã không lấy tiền. Có lẽ quan trọng nhất là vai trò dân vận rất tốt của NG Bee, anh làm người dân hiểu được ý nghĩa của hoạt động này, nên họ đã không ngần ngại tạo điều kiện cho các nghệ sĩ. Tôi cho rằng cái được lớn nhất từ mô hình này là trẻ con được giáo dục, hiểu và tiếp cận với nghệ thuật đương đại qua các việc hoạt động của chúng với các nghệ sĩ.

* Và người dân được “hưởng thụ’ nghệ thuật như thế nào?
 
- Không chỉ thưởng thức, bọn trẻ của làng còn được tham dự vào workshop bằng một cuộc thi, các nghệ sĩ chính là hội đồng nghệ thuật của họ, chọn các tác phẩm và trao giải thưởng, sau đó triển lãm. Các hoạt động thời trang cũng vậy, trẻ con tự sáng tác các mẫu thời trang từ các vật liệu có sẵn theo kiểu thời trang thân thiện với môi trường và sau đó tự biểu diễn diễu hành quanh thị trấn, rồi mới trình diễn trên sân khấu.
 
Sắp đặt Hộp quà của các HS Việt Nam tham gia Trại

* Theo anh mô hình này có thể vận dụng ở Việt Nam?

- Đứng về mặt kinh tế cũng như văn hóa mà nói, thì trại sáng tác này đã đã tạo nên một bữa tiệc tinh thần cho những người dân ở đây. Và hơn nữa, từ một cái làng nhỏ không tên tuổi trên chính bản đồ Malaysia, Sasaran đã được biết đến không chỉ trong nước mà cả trên quốc tế. Mô hình này đáng được chúng ta học tập.

Tuy nhiên, nếu tổ chức như vậy ở một làng ở Việt Nam có lẽ không nhận được sự đồng thuận như ở Malaysia vì hệ thống giáo dục nghệ thuật của ta chưa thể như họ. Thậm chí ở một làng nghèo như Sasaran nhưng trẻ con cũng một kiến thức về nghệ thuật khá tốt. Có lẽ điều này là một yếu tố hữu ích cho sự thành công của những trại sáng tác như thế này.

* Xin cảm ơn anh.

Phương Khanh (thực hiện)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm