Khi Wren Evans 'gặp may'!

15/02/2022 18:45 GMT+7 | Giải trí

(giaidauscholar.com) - Nhạc Việt tuần 6 có sự khác biệt lớn về nhu cầu nghe so với những tuần trước. Chỉ nói ngay trong top 10 của tuần (từ 7-13/2) BXH nhac.vn có tới 9 bài rớt hạng và 9 bài mới được bổ sung.

Nhạc Tết phủ sóng YouTube: Đen 'Mang tiền về cho mẹ', Hoàng Thùy Linh 'Gieo quẻ'

Nhạc Tết phủ sóng YouTube: Đen 'Mang tiền về cho mẹ', Hoàng Thùy Linh 'Gieo quẻ'

Dẫn đầu danh mục âm nhạc thịnh hành trên Youtube những ngày cận kề Tết Nguyên đán là Mang tiền về cho mẹ của Đen Vâu, Gieo quẻ của Hoàng Thùy Linh...

Và, một trong 9 bài mới lọt top 10 là Gặp may của Wren Evans.

Xáo trộn

Thực ra việc xáo trộn cũng là điều dễ hiểu bởi trong cả 4 tuần trước đó nhạc Xuân dường như chiếm vị thế độc tôn. Cho tới tuần 6, Tết đã dần trôi đi trong khi lại rất gần ngày Valentine có ý nghĩa quan trọng với người trẻ. Vì thế nhu cầu nghe nhạc có sự dịch chuyển từ chủ đề nhạc Xuân sang nhạc tình và dần trở lại như những ngày thường.

Nhìn list bài rớt top 10 BXH nhac.vn tuần 6 này có tới 6/9 là chung chủ đề liên quan đến Tết mới thấy rõ điều này. 6 bài rớt top 10 gồm: Đón ông thần tài (Lương Minh Trang), Hoa cỏ mùa Xuân (Nguyễn Hải Yến), Đường về quê (Jun Phạm), Khúc giao mùa (Bảo Anh, Trung Quân Idol), Thì thầm mùa Xuân (Phan Đinh Tùng), Trở về đêm cuối năm (Thái Trinh). Gần như tất cả những bài này đều đã qua thời điểm.

Chú thích ảnh
“Gặp may” của Wren Evans đã tạo ra những màu sắc khó quên với người xem

Trong số 9 bài thay thế 9 vị trí của top 10 tuần 6 có nhiều bài đã quen và từng lọt top 10 nhiều bảng xếp hạng đình đám như Mang tiền về cho mẹ (Đen Vâu), Gieo quẻ (Hoàng Thùy Linh). Cũng có những tên bài rất lạ: Càng cua, Em iu. Và có ca khúc đủ gây sự tò mò cho người nghe như Gặp may của Wren Evans, dù ca khúc này chỉ khiêm tốn đứng ở vị trí thứ 9.

Gặp may ra mắt vào ngày 19/1, lần đầu lọt top 10 BXH nhac.vn. Trên kênh YouTube cá nhân, đến nay Gặp may thu hút hơn 1,82 triệu lượt xem cùng gần 1.300 bình luận. Đây là con số đáng kể khi nghệ sĩ thể hiện vẫn là một cái tên rất mới, trang YouTube của nghệ sĩ cũng mới chỉ có hơn 91 nghìn người theo dõi.

Một bài hát lạ

“Giờ thì tay trắng”, câu mở đầu của ca khúc như thế, chả cần nghe tiếp thì ai cũng biết nó là tâm trạng thất tình, thậm chí ở “cấp độ” nặng hơn là bị phụ tình. Quả thật những ca từ tiếp theo cũng vẫn là dòng tâm trạng đó: “Em trong lòng anh không như trước”, rồi “Đứng cách xa tầm tay” để rồi “mà lại cảm thấy đau hơn là tự vùi mình trong tiếc nuối”...

Nếu chỉ có vậy, Gặp may sẽ giống nhiều ca khúc nhạc trẻ ngôn tình khác. Cái gây cảm giác lạ ở đây là nội dung tưởng não nề như thế lại cho người nghe một cảm giác thích thú, một tinh thần tươi vui, có sự lạc quan. Điều đó được toát lên bởi nhịp điệu, tiết tấu và màu sắc âm nhạc.

Chú thích ảnh

Cái khiến người nghe bị cuốn có lẽ từ chất liệu âm nhạc được tạo nên bởi sự pha trộn giữa disco và pop, tạo một không gian âm nhạc đầy tiết tấu, khiến người nghe không thể ngồi yên. Cái hay nữa là chính việc khai thác disco đã tạo một cảm giác quen, tạo màu không gian âm nhạc 80s, 90s (những năm thập niên 80, 90 thế kỷ trước) của Âu - Mỹ. Trong khi đó, dù khai thác disco nhưng cũng không để cho âm nhạc của Gặp may “bung” hoàn toàn mà dường như có sự tiết chế và đan xen hài hòa với chất pop đã tạo một nét nhạc riêng cho ca khúc này. Có lẽ điều này là một chủ ý để hài hòa với phần giai điệu của bài rất gần với hát nói.

Gặp may có đoạn hook khá chất, nó có giai điệu bắt tai, ca từ rất Gen Z, “Ouh, không gặp em anh gặp may/ Nếu chúng ta là sai sao gặp nhau/ Sao nỡ quên được một ai/ Ưng nhất đôi giày nhầm size/ Cuz baby it’s always you”.

Ngoài ra, giai điệu âm nhạc được tiến hành rất gần với hát nói nên sự xuất hiện của đoạn rap ở trong bài cũng tạo được một cảm giác rất tự nhiên: “Oke! Anh để em đi/ Nhưng mà đôi khi/ Anh vẫn lên mấy story xem đi/ Xong xem lại/ Lâu lâu buồn buồn lại alo/ Kêu thằng homie/ Tao cần oxy/ Cho tao đi hít thở một vòng Hồ Gươm/ Nó lại lôi đi/ Nghe nhạc lo-fi/ À nhầm low-G/ Như một liều thuốc an thần khỏi suy”.

Có thể nói Gặp may là một ca khúc khá văn minh, vừa theo xu hướng của âm nhạc trẻ hiện nay, vừa chứa đựng những nét rất riêng của người nghệ sĩ.

MV "Gặp may":

Khác biệt

Nét lạ cùng sự khác biệt của Gặp may còn đến từ các yếu tố khác cũng rất quan trọng. Chẳng hạn để có được màu sắc âm thanh như vậy, Gặp may được thu âm bằng công nghệ Dolby Atmos, bởi kỹ sư âm thanh Sergei Groshev - người từng đảm nhận phần âm thanh cho phim Huyền thoại Kung Fu (2018), The Driver (2019)...

Nét lạ cùng sự khác biệt còn đến từ phần tạo hình của Wren Evans. Có thể nói Wren có một phong cách thời trang rất ấn tượng, đặc biệt và không giống ai. Anh mang điều này vào trong MV góp phần tạo thêm những màu sắc khiến người xem khó có thể quên.

Trong khi đó, phần hình ảnh của MV Gặp may cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp nên sự thành công. MV được quay theo phong cách tối giản, các bối cảnh được sử dụng trong MV không nhiều nhưng ấn tượng từ cách bố trí, góc quay... Đặc biệt phần màu sắc là nét nổi bật nhất của MV. Gặp may được xây dựng trên gam màu nóng, tạo ấn tượng mạnh cho người thưởng thức.

Chú thích ảnh

Wren Evans từng chia sẻ rằng anh “thích đặt mình vào những chiếc ghế ngồi không thoải mái để bản thân luôn thay đổi và cố gắng”. Anh cũng không chấp nhận sự an toàn theo cách tiếp tục chọn theo mô-típ Thích em hơi nhiều đã thành công trước đó mà khám phá những nét riêng khác biệt khi thực hiện Gặp may. Cũng vì vậy, 2 sản phẩm nổi bật của chàng nghệ sĩ mới này cũng đã cho thấy 2 sự khác biệt trong cùng chính 1 người nghệ sĩ. Không những thế, nó còn tạo nên những âm hưởng mới mẻ cho nhạc Việt đại chúng.

Chẳng hạn, với Thích em hơi nhiều, Wren khai thác thể loại Bossa Nova kết hợp với pop, trong bài cũng có thêm đoạn rap. Trong khi đó, Gặp may cũng có sự kết hợp với rap, còn phần âm nhạc là sự kết hợp giữa hai thể loại disco và pop. Việc kết hợp với rap tạo sự lan tỏa trong giới trẻ, trong khi khai thác các thể loại âm nhạc nổi tiếng, kết hợp pha trộn một cách hài hòa giữa nhiều loại nhạc tạo nên một âm hưởng vừa quen vừa lạ vừa là thỏa mãn nhu cầu tìm tòi sáng tạo của nghệ sĩ, vừa thể hiện tư duy sáng tạo và cái tài trong sáng tác. Đồng thời, nếu nói có vẻ quan trọng hơn thì đây cũng chính là sự đóng góp của Wren, một chàng trai còn rất trẻ thuộc thế hệ Gen Z vào đời sống âm nhạc đại chúng.

Chú thích ảnh
Nguyễn Quang Long - Tác giả bài viết

Wren Evans là ai?

“Âm nhạc của Wren mang lại cho mình hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác”, một khán giả nhận xét. Lại có ý kiến khác: “Nhạc nào của Wren cũng đem lại sự thỏa mãn và thích thú cho người nghe”...

“Tư duy âm nhạc của anh này đỉnh thực sự, cảm giác hoàn toàn mới mẻ so với những sản phẩm khác trong nước” - tài khoản fmls để lại bình luận bên dưới MV Gặp may. Trong khi tài khoản dalzielnee không ngần ngại chia sẻ: “Không hiểu sao mình nghe nhạc điệu vui vẻ và yêu đời quá”

Dường như Wren đang ngày càng lôi cuốn sự chú ý của khán giả trẻ bằng những bình luận đầy sự thán phục xen lẫn ngạc nhiên như thế. Vậy Wren Evans là ai?

Không chọn một nghệ danh nào đó nửa Tây nửa ta hay chỉ một từ ngắn gọn như nhiều nghệ sĩ trẻ khác, anh chàng này chọn một cái tên chỉ nhìn thôi sẽ rất nhiều người nhầm tưởng đó là một nghệ sĩ “Tây xịn”. Thực tế, Wren Evans có tên thật là Lê Phan. Lê Phan còn rất trẻ, sinh năm 2001 và là một chàng trai Hà Nội hiện đang sinh sống hoạt động nghệ thuật tại TP.HCM. Không chỉ trẻ tuổi đời, trong nghề nghiệp, Wren thực sự được khán giả đón nhận cũng mới đây, năm 2021, khi anh ra mắt MV Thích em hơi nhiều.

Ở ngoài đời, người viết cũng đã từng tiếp xúc với anh chàng nghệ sĩ 2k1 (sinh năm 2001) này một lần, trong dịp vào TP.HCM thực hiện loạt chương trình âm nhạc thế hệ Gen Z cho VTVcab. Wren Evans ngoài đời cũng có phong cách ăn mặc cá tính như trong hình ảnh MV, dáng người gầy và có nét duyên khi trình diễn trên sân khấu.

Với Thích em hơi nhiềuGặp may, Wren Evans đã được khán giả đón nhận. Có thể, đó chỉ là sự gặp may của người trẻ hoạt động âm nhạc. Nhưng cũng có thể, đây là những bước đi đầu tiên vững chắc trên con đường âm nhạc còn dài của chàng nghệ sĩ trẻ.

Với những gì đã thể hiện, người viết hy vọng rằng Wren Evans sẽ tiếp tục có những sản phẩm đầy màu sắc khác biệt trong tương lai và kiên định với con đường mình đang chọn để bước vào thế giới âm nhạc, đến với khán giả.

Ê-kíp thực hiện “Gặp may

Executive Producer: MonoX Entertainment

Project Manager: Amy Tran & Kendall Nguyen

Producer & Songwriter: Wren Evans

Arranger: Wren Evans

Mix and Mastered (Stereo Ver): Huynh Quang Tuan (TSR)

Dolby Atmos version mixed by Sergey Groshev

Dolby Atmos mix done at Capital Studio Media City

Production House : Film55 Productions x FMN Media

Director: Ung Duy Kien

Executive Producer: Nguyen Kieu Linh

Producer: Dzung Nguyen, Ann Nguyen

Art Director: Thao

Điểm 8,0/10

Nguyễn Quang Long

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm