22/10/2013 09:00 GMT+7
(giaidauscholar.com) - 1.Thật khó tưởng tượng khi đêm trước, vừa tôn vinh bộ phim với giải thưởng cao nhất của quốc gia - giải Bông sen Vàng phim truyện - chưa kể còn cả giải Nữ diễn viên chính, Đạo diễn xuất sắc… nữa - thì hôm sau lại ồn ào với thông tin rằng, chính bộ phim này đã “gây sốc” cho các khán giả nhí vì các cảnh nóng hay bạo lực. Không những thế, bộ phim bị cho là đã khiến các em khóc thét, còn các bậc phụ huynh thì phẫn nộ; chưa hết, ngành giáo dục, đơn vị “triệu tập” các em đi xem, phải lên báo để phân bua... Tất cả những điều đó là chuyện thật đã xảy ra với phim Scandal - Bí mật thảm đỏ, sau buổi chiếu cho các em học sinh lớp 7 - 8 tại Quảng Ninh.
Thật ra, trong nghệ thuật, không hiếm những trường hợp tương tự. Những bức tranh nude thời Phục hưng, đỉnh cao nghệ thuật của nhân loại, dĩ nhiên không ai có ý định “dán nhãn” chúng, còn ai có ý định “che” đi các phần bị cho là “nhạy cảm” trên cơ thể con người ở đó thì lập tức bị coi là… vô văn hóa. Thế nhưng cũng đã xảy ra không ít những hoàn cảnh dở khóc dở cười, khi các em học sinh giở sách tranh Phục hưng ra xem thì giáo viên tá hỏa đi thu như những sản phẩm… đồi trụy. Điều đó cũng xảy ra trong thế giới người lớn, gần đây kiệt tác tranh nude của Picasso, được in lên một pano giới thiệu về triển lãm, đặt tại sân bay Edinburgh (Anh), cũng bị du khách phản đối kịch liệt, cho rằng trưng bày hình… bậy bạ.
Ở đây, vấn đề không chỉ là bảo thủ hay cởi mở với nude, mà nó là không gian thưởng thức. Trong một không gian dành cho thưởng thức nghệ thuật, có sự hướng dẫn, thì nghệ thuật sẽ được tiếp nhận đầy đủ, và bộc lộ trọn vẹn vẻ đẹp của nó. Còn nếu trong hoàn cảnh khác, nó có thể bị hiểu méo mó đi. Cũng như cách đây vài năm, một clip cắt ra từ một bộ phim… tử tế, bỗng dưng bị coi là clip sex, và diễn viên đóng trong đó phải giải trình.
Việc xem phim tại rạp cùng với cả tập thể, có tổ chức là cách tốt nhất để thưởng thức đầy đủ giá trị của bộ phim (tốt hơn trong không gian gia đình hay trong phòng riêng). Lẽ ra, trước buổi chiếu, nhà trường nên có hướng dẫn, giới thiệu về nội dung, tư tưởng của bộ phim, để các em chuẩn bị sẵn tâm lý khi tiếp nhận, thì có lẽ đã không có những phản ứng “thất thần” như báo chí nêu.
Liệu Scandal - Bí mật thảm đỏ có phải “dán nhãn” không? Có phải sửa luật để có thêm “nhãn” cấm trẻ em dưới 14 hoặc dưới 12 tuổi, thay vì chỉ có nhãn “cấm trẻ em dưới 16 tuổi” như hiện nay? Câu hỏi đó còn chờ các nhà chuyên gia điện ảnh và các nhà làm luật. Theo ý kiến của cá nhân người viết bài này, cũng rất nên hạn chế, mặc dù Scandal - Bí mật thảm đỏ là phim nghệ thuật, nhưng nội dung, ý tưởng của nó (về giới showbiz), chắc chắn không phải mối quan tâm của các em dưới 14 tuổi (đặc biệt là ở các tỉnh), và có thưởng thức chắc cũng chẳng thấy… “bổ béo” gì, tất nhiên, nói là gây hại thì hơi quá!
3. Rốt cục thì vấn đề có đáng phải lo lắng đến thế không, khi chúng ta hiểu rằng, trong thế giới phẳng này, môi trường sống của mọi đứa trẻ đều không thể vô trùng, khi việc tìm kiếm sex trở nên quá dễ dàng, và Việt Nam là một trong những nước sử dụng từ khóa “nhạy cảm” này nhiều nhất thế giới (theo thống kê của các công cụ tìm kiếm). Vì thế hướng dẫn cho các em thưởng thức một bộ phim nghệ thuật có cảnh nóng nhưng mang thông điệp tích cực (tất nhiên không bị dán nhãn “cấm trẻ em”), thì có lẽ vẫn tốt hơn nhiều so với việc khắt khe, cấm đoán ngoài ánh sáng, trong khi đó, các em tuổi mới lớn, trong bóng tối, bắt đầu “mò” đến những hình ảnh, những bộ phim mà đến “người lớn” cũng phải… khiếp!
Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất