22/03/2014 10:49 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - “Doanh nhân làm bóng đá, khái niệm mới mà cũ, sẽ mở ra một hướng đi mới. Trong đó, sẽ không có tiêu cực và bạo lực. Ngoài ra, cơ chế cho tư nhân hay doanh nghiệp ngoài Nhà nước trong việc đầu tư vào bóng đá sẽ thông thoáng hơn. Tôi tin rằng, bóng đá Việt Nam sẽ mở một trang sử mới sau Đại hội nhiệm kỳ VII tới đây”, ông Nguyễn Tấn Anh, trưởng đoàn HA.GL, người có kinh nghiệm điều hành một đội bóng trực thuộc doanh nghiệp, chia sẻ với Thể thao & Văn hóa.
Một nền bóng đá không tiêu cực và bạo lực
* Ông Lê Hùng Dũng đang là ứng viên duy nhất cho chiếc ghế Chủ tịch VFF, trong khi ông Đoàn Nguyên Đức được cho là sẽ ngồi ghế Phó Chủ tịch phụ trách tài chính. Quan điểm của ông về việc các doanh nhân lần đầu tiên nắm những chức vụ quan trọng trong bộ máy VFF như thế nào?
- Tôi tin rằng, đấy là biểu hiện tích cực, hoặc ít nhất nó cũng không dẫm lại lối mòn như trước đây. Trong quá trình làm việc, tôi hiểu phần nào những người như ông Lê Hùng Dũng và ông Đoàn Nguyên Đức. Họ chống tiêu cực và bạo lực đến cùng.
Khi bóng đá Việt Nam mang một hình hài tương đối tích cực ở khía cạnh những doanh nhân, tất cả chúng tôi đều tin rằng, các doanh nghiệp sẽ trở lại và đầu tư mạnh mẽ hơn nữa. Và đây chính là điều mà bóng đá Việt Nam đang cần.
* Nhưng, ông Lê Hùng Dũng và ông Đoàn Nguyên Đức đều bị cho là những người ngoại đạo. Vậy người ngoại đạo sẽ điều hành nền bóng đá như thế nào, thưa ông?
- Trong kinh doanh, người giỏi chuyên môn nhất chưa chắc là người thành công nhất. Tôi không có ý bình phẩm về anh Đức hay anh Dũng, song tôi cho rằng họ đã là những doanh nhân thành đạt. Nói không ngoa chứ dưới quyền anh Đức bây giờ là rất nhiều tiến sỹ, kỹ sư, thậm chí là giáo sư. Người quản trị và điều hành giỏi là người biết sử dụng người tài dưới quyền.
Chuyên môn lúc này không phải là vấn đề nữa, bởi VFF đâu chỉ có mỗi ông Chủ tịch và Phó Chủ tịch. Chúng ta phải thay đổi cái nhìn, để thấy rằng, cuộc sống còn có rất nhiều nhân tài, những người có thể làm nên chuyện lớn. Hãy tạo điều kiện để họ thực hiện được điều gì đó có ích.
* Trong vai trò một người có kinh nghiệm điều hành, VFF nhiệm kỳ VI và VII khác nhau thế nào, khi các doanh nhân ngồi ghế “lái trưởng”?
- Tôi sẽ không nói thêm về “triều đại” cũ, với những người như anh Nguyễn Trọng Hỷ từng ngồi ghế Chủ tịch VFF, mà ở đây, tôi chỉ hướng tới những điều tích cực. Ví như trong khoảng thời gian anh Lê Hùng Dũng ngồi ghế quyền Chủ tịch, anh ấy đã đem về nhiều “gói” mà tôi cho là rất tích cực.
Từ việc mời Arsenal đến Việt Nam, đến giải U19 quốc tế ở TP.HCM, rồi cơ chế mở cho chuyến tập huấn của U19 Việt Nam ở châu Âu thời gian qua. Sự khác biệt lớn nhất giữa doanh nhân và quan chức Nhà nước làm bóng đá là cơ chế làm việc, chứ không hẳn là chiến lược.
Bóng đá Việt Nam sẽ sang trang mới
* Ông Dũng và ông Đức cầm cương nền bóng đá (tình huống giả định nhiều khả năng sẽ trở thành hiện thực), theo ông, bóng đá Việt Nam liệu có thành công hơn so với trước đây?
- Cái này khó nói lắm, bởi trong bóng đá, điều gì cũng có thể xảy ra. Song tôi cho rằng, với những mẫu người “hành động” như anh Lê Hùng Dũng và anh Đoàn Nguyên Đức, nền bóng đá sẽ có những đột phá.
Cụ thể, đội ngũ trọng tài, những người cầm cân nảy mực sẽ minh bạch hơn, các đội bóng và cá nhân cầu thủ tuân thủ cuộc chơi hơn. Khi chúng ta có một sản phẩm tốt, các doanh nhân sẽ nhảy vào đầu tư cho bóng đá nhiều hơn, thay vì trước đây họ còn ngại ngùng, sợ sệt. Đó là những tín hiệu lạc quan ban đầu, trước khi nền bóng đá chắp cánh những giấc mơ. Ví như suất tham dự VCK World Cup chẳng hạn.
* Lại nói VCK World Cup, mà cụ thể là World Cup 2018, với tiêu chí hướng tới là nòng cốt những cầu thủ thuộc biên chế Học viên HA.GL Arsenl JMG sẽ hiện thực hóa giấc mơ này. Nhưng cần lưu ý là khi tham dự vòng loại, các cầu thủ mới chỉ ngoài đôi mươi?!
- Ý anh muốn nói là khi chúng ta tham dự các trận vòng loại World Cup 2018 (khoảng thời gian từ 2016 - 2017), những cầu thủ của Học viện HA.GL Arsenal JMG rõ ràng là còn quá trẻ và có thể chưa khoác áo ĐTQG.
Nhưng giấc mơ tham dự một VCK World Cup là có thật và khả thi, nếu chúng ta vạch ra được một lộ trình đúng đắn và khoa học. Tôi không nghĩ phát biểu của quyền Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng là thiếu cơ sở. Ông ấy chỉ đảm bảo rằng chúng ta đã và đang đi đúng hướng nếu thật sự quyết tâm mà thôi.
* Cơ thể các ĐTQG được thành hình từ các giải bóng đá chuyên nghiệp. Theo ông, V-League, hạng Nhất và Cúp QG có thể mang diện mạo mới, khi nền bóng đá được đặt dưới quyền điều hành của các doanh nhân?
- Các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia hiện được giao cho VPF, một Cty thành viên và VFF là cổ đông chính, tổ chức. Đó là một sự thay đổi quan trọng về suy nghĩ và cách làm, thậm chí nó còn là bước đột phá. Tôi cho rằng, nếu cơ chế “mở” tiếp tục được duy trì, bóng đá Việt Nam sẽ được hưởng lợi.
Như tôi đã nói, Nhà nước có thể không phải bỏ tiền, nhưng hãy tạo cơ chế để tư nhân làm việc. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, việc thu hút được doanh nhân đầu tư vào bóng đá mang tính tiên quyết.
* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
Tùy Phong (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất