Cầu viện tư vấn nước ngoài để làm rõ nguyên nhân nứt hầm Thủ Thiêm

24/08/2008 11:19 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Hôm qua 23/8, Bộ Xây dựng và UBND TP.HCM đã thống nhất giải pháp khắc phục sự cố nứt 4 đốt hầm Thủ Thiêm là tìm tư vấn nước ngoài để làm rõ nguyên nhân. Trong thời gian qua 4 đốt hầm vượt sông Sài Gòn, nằm trong dự án đại lộ Đông - Tây đã xảy ra rạn nứt vượt quá tiêu chuẩn cho phép khiến dư luận đặc biệt lo lắng.

Khó tìm nguyên nhân

Ông Huỳnh Ngọc Sỹ, Giám đốc Ban quản lý Dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP.HCM cho biết: Gói thầu xây dựng hầm vượt sông Sài Gòn và đường mới Thủ Thiêm (thuộc dự án đại lộ Đông - Tây) trị giá 2.083 tỉ đồng. Hầm dìm Thủ Thiêm là hạng mục chính của gói thầu, có chiều dài 1.490m, đoạn hầm dìm dưới sông dài 371m chia làm 4 đốt hầm. Mỗi đốt dài 92,4 m, rộng 33,2 m, cao 9 m, nặng 27.000 tấn), đủ cho 6 làn xe lưu thông. Nhà thầu đã đúc đốt hầm đầu tiên vào ngày 13/9/2007. Đến tháng 6/2008, cả 4 đốt hầm đã được đúc xong tại bãi đúc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
 
Cả 4 đốt hầm đều bị rạn nứt cả mặt trong và ngoài
 
Hàng loạt nguyên nhân gây ra sự cố rạn nứt 4 đốt hầm cũng được ông Huỳnh Ngọc Sỹ nêu lên như: Khi đúc hầm nhiệt độ bên ngoài và nhiệt độ của bê tông chênh nhau xấp xỉ 30oc nên xảy ra hiện tượng khô nước của bê tông, trong khi đó bản thân bê tông đúc hầm cũng dễ bị co ngót khi nhiệt độ môi trường thay đổi. Kỹ năng đầm lăn do công nhân thực hiện còn chưa thuần thục nên dẫn đến tình trạng bê tông bị mất nước. Hiện tại, các vết nứt đã được kiểm soát, bề rộng các vết nứt vẫn trong ngưỡng cho phép là dưới 0,28mm. Tuy nhiên, để xác định nguyên nhân cuối cùng, ông Huỳnh Ngọc Sỹ cũng kiến nghị cần thuê tư vấn độc lập, chuyên nghiệp để điều tra.
 
Chưa rõ có bao nhiêu vết rạn nứt tại 4 đốt hầm

Không đồng ý với cách lý giải này, ông Nguyễn Văn Hiệp, PGĐ Sở Xây dựng và đại diện Cục Giám định chất lượng công trình Bộ Xây dựng đề nghị Ban quản lý dự án cần có văn bản yêu cầu các nhà thầu có báo cáo rõ ràng về sự cố và biện pháp khắc phục. Trước khi mời đơn vị tư vấn độc lập, thì phải đánh giá được hiện trạng chất lượng công trình. Cụ thể ông Hiệp cho rằng các báo cáo về nguyên nhân sự cố còn chung chung, thay vì đi sâu vào quan trắc để đưa ra lý do các vết nứt sâu trên các đốt hầm thì đơn vị tư vấn và Cty Obayashi Corporation (Nhật Bản), đơn vị thi công chỉ tập trung đến độ lớn của vết nứt mà thôi. Vì vậy, nếu có đơn vị tư vấn độc lập thì đề nghị phải làm rõ có thể khắc phục việc rạn nứt để thi công tiếp giai đoạn sau hay là phải đập bỏ cả 4 đốt hầm để đảm bảo an toàn.

Theo ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM đây là công trình trọng điểm quốc gia, nên chất lượng thi công phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Sau khi xảy ra hiện tượng bề mặt bê tông đúc 4 đốt hầm tại bể đúc thuộc xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai bị rạn nứt, Thành phố đã thành lập tổ công tác liên ngành để điều tra, giám sát và đánh giá toàn bộ công đoạn thi công để tìm ra nguyên nhân sự cố. Quan điểm của UBND TP, cũng là chủ đầu tư của toàn bộ dự án là có thể tiến độ thi công chậm, nhưng chất lượng thi công phải đảm bảo vì công trình này có thời gian sử dụng là 100 năm, lại nằm sâu dưới đáy sông. Nếu xảy ra sự cố sau khi được đưa vào sử dụng thì thiệt hại sẽ rất lớn và khó khắc phục.
 
Đồng ý với quan điểm xử lý này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang đề nghị UBND TP.HCM nhanh chóng chọn đơn vị tư vấn độc lập trên cơ sở tham khảo ý kiến của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cùng các cơ quan chức năng khác để đánh giá tổng thể về chất lượng hiên nay của 4 đốt hầm sau khi xảy ra hiện tượng rạn nứt. Sau đó dựa trên đánh giá của đơn vị tư vấn, Bộ Xây dựng và UBND TP.HCM sẽ thống nhất biện pháp tiếp tục xử lý khắc phục các vết nứt hoặc tiến hành đúc lại toàn bộ 4 đốt hầm này.

Rạn nứt cả trong lẫn ngoài

Trưa ngày 23/8, theo chân đoàn kiểm tra của Bộ Xây dựng, chúng tôi ghi nhận tại bể đúc 4 đốt hầm chui tại xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch thì mật độ các vết nứt nhiều hơn so với nội dung báo cáo của đơn vị tư vấn cũng như chủ đầu tư. Cả 4 đốt hầm đều bị rạn nứt với mất độ dày đặc cả bên trong lẫn bên ngoài. Nhiều công nhân vẫn tiếp tục đếm các vết nứt mới phía mặt ngoài 4 đốt hầm. Hiện nay, chưa có thống kê đầy đủ về số lượng vết nứt, nhưng theo một số kỹ sư thi công thì cả 4 đốt hầm sau khi đúc xong bị rạn đều giống như được phủ một lớp gốm men rạn. Thậm chí một số chỗ nước thấm qua hơn 1m bê tông làm ố cả một mảng hầm và được ghi chú bằng dòng chữ bút lông đỏ: Thấm nước.
 
Nước thấm qua hơn 1m bêtông làm ố cả một mảng hầm

Đánh giá về tình trạng rạn nứt các đốt hầm, một cán bộ thuộc Ban chỉ huy công trình bể đúc cho biết: Mỗi đốt hầm có khoảng 10 vết nứt sâu, có thể ảnh hưởng đến việc chống thấm của hầm khi đặt xuống đáy sông Sài Gòn. Để khắc phục phải tiến hành siêu âm độ sâu để có giải pháp chống thấm thích hợp. Riêng các vết rạn có chiều rộng nhỏ hơn 0,1 mm, không cần phải xử lý vì toàn bộ mặt ngoài của các đốt hầm sẽ được phun chống thấm theo thiết kế trước khi dìm xuống nước. Đối với các vết nứt rộng từ 0,1 mm đến 0,2 mm thì phủ keo Epoxy chuyên dụng lên bề mặt vết nứt. Đối với vết nứt lớn hơn 0,2 mm, nhà thầu sẽ tiến hành bơm phụt keo Epoxy chuyên dụng chèn kín vào bên trong vết nứt.

Giáng Thăng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm