24/02/2017 07:20 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Ông Chu Bá Nam, em nhà văn Đỗ Chu là người mà mấy chục năm trước đã để mắt đến cây hương nhu trên cao nguyên Đồng Văn. Nay ông thành công dân Đà Lạt từ lâu rồi. Ông viết văn, và mở thêm quán cà phê. Vẫn không quên công trình nghiên cứu chiết xuất tinh dầu hương nhu khi ngoái lại quá khứ.
Bây giờ trên đất ấy có hàng trăm đàn ong mật với hàng tỉ chú ong cần cù khai thác hoa hương nhu mà người ta gọi là bạc hà. Mật ong bạc hà quý lắm, giờ giá đã lên tám trăm ngàn một can hai lít. Gía đắt gần gấp đôi mật ong Australia hoặc mật ong Bhutan.
Hôm mới rồi lên Phố Là Phó Bảng, ngồi trò chuyện với một cán bộ ngành giáo dục là người Mông, loanh quanh thế nào lại sa vào chuyện canh tác. Anh bảo: mới đây cấp trên có vận động dân trồng cây Atiso, nhưng không thấy có bảo đảm đầu ra nên chẳng ai nghe…
Vâng, chuyện dự án trồng này kia nọ ở đây thì luôn có nhiều như những câu chuyện quán nước. Nghĩa là nó chồng chất lên nhau, nhưng không đầu không đuôi, không kết thúc dù chuyện nào cũng đều có mở đầu… Đơn giản là đang nói chuyện thì có người gọi thì đứng lên đi, thế là bỏ rơi luôn câu chuyện còn dang dở.
Năm 1973 tôi đã nghe một người bạn kể về cái kế hoạch trồng cây xuyên khung đại trà mấy năm trước đó. Đất Hà Giang vốn màu, khí hậu phù hợp, xuyên khung bội thu luôn. Nhưng rồi vào mùa thu hoạch, ngành thu mua không bói ra tiền, trạm đóng im ỉm. Củ xuyên khung bị bỏ thối một thì niềm tin thối gấp mười...
Từ đấy người dân luôn cảnh giác với các cuộc vận động. Họ bảo cán bộ chỉ làm bằng mồm, có bao giờ hỏng đâu. Chỉ người làm bằng tay mới biết việc hỏng!
“Một sự bất tín, vạn sự bất tin”. Trách dân sao được. Mấy năm trước qua Đồng Văn, tôi hỏi: năm nay ở đây trồng cây gì con gì? Cán bộ chưa trả lời thì ông lão người Mông đi chợ vào hút thuốc lào nhờ, nheo mắt “Hỏi gì lạ thế, không biết trồng cây gì con gì mà chúng tao sống được đến hôm nay à, mà còn phải đợi mấy thằng Hà Nội lên dạy?” Nghe choáng quá! Không biết đó có phải người đã lỡ vụ xuyên khung những năm xa xôi trước đây không?
Đến giờ, bốn huyện Cao nguyên vẫn canh tác theo lối “thổ canh hốc đá”, nghĩa là chủ đạo cây ngô, dưới gốc ngô thêm cây đậu tương tăng đạm cho đất, thêm hạt đỗ đỏ leo thân ngô lấy hạt. Còn bò trên mặt đất, len lỏi khe đá vẫn là gốc dưa dây bí … mỗi thứ một tí như ngàn đời vẫn thế.
Năm nay thấy Trung ương đầu tư cho con đường từ tỉnh lên các huyện Đồng Văn, Quản Bạ khá mạnh tay: mở rộng đường, cọc tiêu và dải bảo hiểm mềm đã dựng hàng trăm ki lô mét dài để cho xe cộ qua lại an toàn. Vì có Cao nguyên đá là Công viên địa chất toàn cầu nên Hà Giang có vẻ như đang vận động theo hướng khai thác du lịch. Nhưng tôi e nếu không làm tốt thì người Hà Giang chưa chắc đã được gì nhờ du lịch mà môi trường thiên nhiên sẽ bị tàn phá bởi rác. Hà Giang vẫn phải nghiên cứu lấy vật nuôi cây trồng và có hướng liên kết nào đó thì mới có thể phát triển bền vững.
Bài và tranh minh họa: Đỗ Đức (họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất