21/11/2023 07:30 GMT+7 | Văn hoá
Chương trình "Điện ảnh với Phú Yên" do UBND tỉnh Phú Yên và Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) phối hợp tổ chức vừa diễn ra tuần qua.
Với quy mô và nội dung như một "liên hoan phim thu nhỏ", chương trình "Điện ảnh với Phú Yên" có ý nghĩa rất thiết thực đối với sự phát triển ngành công nghiệp điện ảnh trong mối gắn kết với phát triển du lịch và các ngành kinh tế - xã hội.
Chuỗi sự kiện gồm các hoạt động điện ảnh nổi bật như: Hội thảo quốc tế "Bộ chỉ số môi trường làm phim gắn với phát triển kinh tế, xã hội từ thực tế tỉnh Phú Yên"; Gala "Đến với Phú Yên, trường quay lớn" (Truyền hình trực tiếp trên VTV8, VTV9, được tiếp sóng trên ANTV, Đài PTTH Phú Yên và các đài TH địa phương); chương trình trình chiếu 11 bộ phim chọn lọc tại rạp và chiếu phim lưu động; giao lưu với các nghệ sĩ, diễn viên, nhà làm phim; triển lãm ảnh "Bối cảnh quay phim độc đáo của Phú Yên"; tham quan các điểm đến nổi tiếng và bối cảnh quay phim kỳ thú tại Phú Yên.
Trên 100 nghệ sĩ và các nhà làm phim trong nước và quốc tế cùng các nhà quản lý, đại diện các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế đã đến dự chương trình. Nhiều diễn viên, nghệ sĩ và nhà làm phim tên tuổi góp mặt tại Phú Yên để tham gia chương trình điện ảnh lớn này: NSƯT Thanh Quý; NSND Lan Hương "Em bé Hà Nội"; NSƯT - Đạo diễn Đặng Tất Bình; NSND Lan Hương "Bông"; NSƯT Đỗ Kỷ; nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã; các đạo diễn: Nguyễn Quang Dũng, Phan Đăng Di, Phan Gia Nhật Linh, Đinh Tuấn Vũ, Namcito và Bảo Nhân, Aaron Toronto, Trần Bửu Lộc; các nhà sản xuất Nguyễn Trinh Hoan, Trần Thị Bích Ngọc; các diễn viên được yêu mến Huỳnh Kiến An, Đỗ Thúy Hằng, Avin Lu, Lâm Thanh Mỹ, Trọng Khang, Ngọc Xuân, Nhật Hoàng, Lan Thy...
Đặc biệt, chương trình có sự tham gia của các chuyên gia và nhà sản xuất phim quốc tế có tiếng: chuyên gia Hollywood Ming Pan - đồng sáng lập Mixel Media; Ông Rahul Sudesh Bali - diện đoàn làm phim Ấn Độ, Giám đốc điều hành của Innovations India, phụ trách Liên hoan phim Ấn Độ trên thế giới (IFFW); Ông Rahat Shah Kazmi, đạo diễn đạt nhiều giải quốc tế được biết đến qua các bộ phim như "Lihaaf" (đồng sản xuất với Marc Baschet, nhà sản xuất phim từng đoạt giải Oscar) và bộ phim quốc tế "Đất nước của người mù"; Ông Jared Dougherty, Cố vấn Chiến lược và Chính sách Kinh tế số sáng tạo.
Tại Hội thảo quốc tế "Bộ chỉ số môi trường làm phim gắn với phát triển kinh tế, xã hội từ thực tế tỉnh Phú Yên" sáng 16/11, lần đầu tiên tại Việt Nam "bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim - PAI (Production Attraction Index)" do Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam xây dựng được công bố và nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng mạnh mẽ của các địa phương, chuyên gia điện ảnh và các nhà làm phim.
Cụ thể, PAI đánh giá sự quan tâm của các tỉnh, thành phố trong việc đón đoàn làm phim, từ đó nâng cao sức hấp dẫn của từng địa phương theo 5 tiêu chí là: Hỗ trợ tài chính; Hỗ trợ thông tin; Hỗ trợ thực địa; Hỗ trợ thủ tục pháp lý và Hạ tầng sẵn có của địa phương. Trên cơ sở địa phương tự đánh giá theo tiêu chí PAI, Phú Yên đang đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số thu hút đoàn làm phim.
Điều này thể hiện tỉnh Phú Yên đang có sự quan tâm rất lớn và sẵn sàng tạo mọi điều kiện để đón đoàn phim trong và ngoài nước đến quay phim. Bên cạnh Phú Yên, 9 tỉnh thành trong cả nước là Tuyên Quang, Khánh Hòa, Nam Định, Đà Nẵng, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Ninh Bình, Bắc Cạn và Cần Thơ đã tham gia giới thiệu và tự đánh giá mức độ sẵn sàng đón các dự án phim đến địa phương mình. Đây chính là lời mời đáng giá nhất của mỗi địa phương gửi đến các nhà làm phim, các hãng phim Việt Nam và quốc tế.
Cũng trong chương trình, trang website vietnamfilmproduction.vn của Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, do Công ty Luật quốc tế Baker and Mckenzie Việt Nam phối hợp xây dựng đã chính thức ra mắt. Qua đó lần đầu tiên "hệ sinh thái" làm phim ở Việt Nam được giới thiệu bài bản để các nhà làm phim, hãng phim quốc tế và Việt Nam tìm được tiếng nói chung, tiến đến các dự án hợp tác làm phim hiệu quả.
Bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim (PAI)
Điện ảnh - không chỉ là văn hóa, nghệ thuật mà còn là kinh tế và hội nhập quốc tế. Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam - VFDA đã xây dựng Bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim PAI (Production Attraction Index - gọi tắt là PAI), với mong muốn mang các đoàn làm phim trong nước và quốc tế đến giới thiệu và khám phá những vẻ đẹp tiềm ẩn của đất nước, và của mỗi địa phương trong cả nước.
Mục tiêu chính của PAI là đánh giá và nâng cao sức hấp dẫn của các vùng miền khác nhau của Việt Nam đối với hoạt động sản xuất phim. Thông qua PAI, VFDA mong muốn khai phá thế mạnh của ngành điện ảnh Việt Nam và giới thiệu với thế giới về vẻ đẹp cũng như những câu chuyện nằm sâu trong biên giới đất nước. PAI không chỉ là một chỉ số; đó là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa dẫn đến một thế giới đầy tiềm năng điện ảnh.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất