12/08/2016 07:14 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Lãnh tụ Fidel Castro là người đã lãnh đạo cách mạng Cuba đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đưa quốc đảo anh hùng tiến bước trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, trở thành tấm gương sáng của phong trào độc lập và giải phóng dân tộc ở Mỹ Latinh cũng như trên thế giới.
Tuy không thành công, nhưng sự kiện Moncada đã gây một tiếng vang lớn, làm chấn động dư luận trong cả nước, châm ngòi cho quá trình đấu tranh của quần chúng nhân dân dưới sự dẫn dắt của phong trào cách mạng 26 -7 do Fidel khởi xướng.
Ngày 1/1/1959, cách mạng Cuba thành công, khai sinh nhà nước công nông đầu tiên ở Tây bán cầu. Ở tuổi 33, Fidel trở thành người đứng đầu đất nước Cuba cách mạng, tuy về danh nghĩa, thời kỳ đầu ông chỉ giữ chức Thủ tướng Chính phủ, đến năm 1965 mới trở thành Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba, và từ năm 1976 được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng. Người Cuba thường chỉ quen gọi Fidel là Tổng Tư lệnh, hay đơn giản hơn là Tư lệnh, vị Tư lệnh của Cách mạng.
Tổng tư lệnh Fidel Castro (giữa) dẫn đầu đoàn quân khởi nghĩa tiến vào La Habana ngày 8/1/1959 sau khi Cách mạng Cuba thành công
Chính lãnh tụ Fidel Castro là người đã lãnh đạo cách mạng Cuba đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đưa quốc đảo anh hùng tiến bước trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, trở thành tấm gương sáng của phong trào độc lập và giải phóng dân tộc ở Mỹ Latinh cũng như trên thế giới.
Nhà văn Colombia Garcia Marquez, giải thưởng Nobel Văn học năm 1982, miêu tả Fidel là một lãnh tụ vĩ đại, giản dị, trong sáng và luôn có những hoài bão lớn lao. Đó là một con người với năng lực tư duy siêu việt, luôn luôn trăn trở vì những ý tưởng khác thường.
Ông luôn mơ ước một ngày kia các nhà khoa học Cuba sẽ tìm được phương thuốc chữa ung thư. Ông tạo dựng nền tảng ngoại giao của một cường quốc trên quốc đảo nhỏ bé của mình. Về bản chất, ông là người luôn chống lại mọi giáo điều. Ông từng nói với nữ văn sĩ Katiuska Blanco, tác giả bộ sách “Fidel Castro: Người chiến binh của thời đại” rằng: “Tôi thích chiếc đồng hồ cũ, cặp kính cũ, đôi ủng cũ, còn trong chính trị, tôi thích tất cả những gì mới mẻ”.
Sau gần 50 năm Fidel cầm quyền, vào những năm đầu của thế kỷ 21, rất nhiều nhà báo, học giả, chính trị gia trên thế giới từng đề cập vấn đề chuyển giao quyền lực ở Cuba và đặt câu hỏi: Bao giờ Fidel nghỉ hưu? Năm 2005, Fidel đã trả lời nhà báo Pháp gốc Tây Ban Nha Ignacio Ramonet: “Chúng ta đều biết là thời gian qua đi và sức lực con người sẽ cạn dần. Vì thế, khi Quốc hội bầu lại tôi vào chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước năm 2003, tôi chỉ cam kết sẽ sát cánh cùng với các đồng chí của mình chừng nào trí tuệ còn minh mẫn và còn có ích...”.
Ngày 31/7/2006 Fidel lâm bệnh nặng phải vào bệnh viện mổ cấp cứu, ông đã để lại bản tuyên cáo trong đó giao quyền điều hành đất nước cho người em trai là Bí thư thứ hai của Đảng, Phó Chủ tịch HĐNN và HĐBT, Đại tướng Raul Castro Ruz. Hai năm sau, vào đầu năm 2008 khi sức khỏe đã khá lên và trước những lời đồn đoán, Fidel đã gửi thư tới Quốc hội, từ chối đảm nhận chức vụ lãnh đạo quốc gia một lần nữa vì rằng: “Việc nắm giữ một trách nhiệm đòi hỏi hoạt động cao và sự toàn tâm toàn ý, song khi mà tôi không còn đủ sức khỏe để cống hiến thì sẽ là một việc làm đi ngược lại nhận thức của tôi”.
Từ đó trở đi, mặc dù chính thức rút lui khỏi chính trường, nhưng khi sức khỏe tốt lên, Fidel tiếp tục làm công việc suy ngẫm và viết lại những gì mà mình cảm thấy cần thiết và có giá trị. Fidel là người luôn nhất quán với lý tưởng của mình, dù không còn giữ vai trò lãnh đạo, ông tự nhận là một chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, có nhiệm vụ tiếp tục cuộc đấu tranh khi đầu óc còn minh mẫn và sức lực còn cho phép. Fidel là người tuyệt đối trung thành với nguyên tắc: không bao giờ nói và viết những gì không đúng sự thật.
Cho đến nay, tuy tuổi đã cao nhưng Fidel dường như không ngơi nghỉ. Bộ óc của ông vẫn không ngừng suy nghĩ về những vấn đề nóng bỏng của thế giới. Tầm nhìn sáng suốt và những kiến giải xác đáng của ông luôn cho thấy một tư duy trẻ trung và một phong cách không bao giờ già cỗi.
Đầu năm 2012, trong dịp gặp gỡ với các nhà trí thức Cuba - Mỹ Latinh, lãnh tụ huyền thoại của cách mạng Cuba kêu gọi đấu tranh để nhân dân các dân tộc nhận được những thông tin đầy đủ, khách quan về những gì đang thực sự diễn ra trên thế giới, mà theo đánh giá của ông là hết sức đáng báo động đối với nhân loại. Lãnh tụ Cuba nhấn mạnh: "Nghĩa vụ của chúng ta là phải đấu tranh. Chúng ta phải hành động ngay để cứu vãn nhân loại trước những mối hiểm nguy không phải là trong vòng một trăm năm hay một ngàn năm nữa mà là ngay bây giờ".
Ông nói: “Có một vấn đề mà nếu không giải quyết được thì sẽ không có gì tồn tại, kể cả lịch sử. Tôi xin nhắc lại điều tôi đã phát biểu tháng 6/1992 tại Hội nghị của Liên hợp quốc về môi trường và phát triển ở Brazil.
Khi đó tôi đã nói rằng: "Một loài sinh vật quan trọng đang có nguy cơ biến mất bởi sự hủy diệt nhanh chóng các điều kiện sống tự nhiên của nó: đó là con người". Giờ đây tôi vẫn cho rằng loài người đang đứng trước nguy cơ diệt chủng thực sự, nhưng tôi cũng luôn nghĩ rằng chúng ta có thể và cần phải nỗ lực để ngăn chặn điều đó xảy ra, chúng ta phải đấu tranh như chúng ta đã từng luôn luôn làm như vậy từ trước đến nay”.
Tư tưởng của Fidel mang tính tổng quát, đó là sự tích hợp của những trải nghiệm sống, của những ước mơ và những suy ngẫm về tương lai cùng hòa quyện vào nhau. Fidel là người có tính cách mạnh mẽ, sự nhạy bén và tinh thần cảnh giác cao, nhưng ông cũng luôn thể hiện sự cảm thông với những ai chưa hoàn toàn tán thành những điều ông suy nghĩ. Ông là người từng chiến thắng nhiều trở ngại và luôn biết kiên trì chờ thời cơ, nhưng không bao giờ chấp nhận điều kiện phải từ bỏ cuộc đấu tranh.
Trước mọi sự đe dọa, Fidel không bao giờ sợ hãi, do dự hoặc bi quan dù chỉ một giây. Ý chí kiên cường và lòng tự tin ấy của Fidel đã thấm sâu trong tính cách của người dân Cuba và đó chính là thành trì đạo lý và tinh thần vững chắc đưa đất nước Cuba vượt qua mọi khó khăn, thử thách trên con đường đi tới độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Nhà văn Cuba Miguel Barnet đã rất có lý khi nói rằng: “Người ta có thể trách cứ Fidel bởi một thái độ nào đó chưa đưa đến sự cảm thông đầy đủ hoặc bởi những sai lầm mà chính ông đã chỉ ra, nhưng không ai có đủ lý do để nghi ngờ trí tuệ thông minh và tinh thần quả cảm của Fidel trước mọi sự hiểm nguy mà ông từng chia sẻ với những người cùng thời”.
Theo Hoài Nam - Tin tức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất