Thế hệ vàng của Joachim Loew

11/10/2013 07:39 GMT+7 | Đức

(giaidauscholar.com) - Chỉ cần một chiến thắng trước CH Ireland đêm nay (hoặc hòa, nếu Thụy Điển mất điểm trước Áo), đội tuyển Đức sẽ chính thức giành vé dự VCK World Cup 2014 sớm một lượt đấu. Từ Klinsmann đến Joachim Loew, bóng đá Đức đã thay da đổi thịt.

Sau 2 năm làm trợ lý HLV cho Juergen Klinsmannm, vào ngày 12 tháng 7 nặm 2006, Joachim Loew chính thức được bổ nhiệm làm HLV đội tuyển Đức, mở ra một triều đại mới. 



Triều đại mới, từ Klinsmann sang Joachim Loew

Với triết lý bóng đá tấn công và ưa chuộng sử dụng những tài năng trẻ, Loew đã “thổi” một làn gió mới quyến rũ và đẹp mắt hơn vào đội tuyển Đức. Vẫn dựa trên nền tảng kỷ luật vốn có của người Đức, nhưng thế hệ những “Die Mannschaft” bây giờ chơi cống hiến đậm chất kỹ thuật hơn là hình ảnh xù xì, gai góc khi xưa.  

Đội tuyển Đức dưới thời ông Loew không thay đổi nhiều so với thời Klinsmann. Những tài năng trẻ một thời như Bastian Schweinsteiger, Philipp Lahm, Lukas Podolski giờ đã trở thành trụ cột. Nhưng lối đá mà ông Loew áp dụng cho đội tuyển có phần đa dạng và chắc chắn hơn. Những Marco Reus, Mario Goetze đang được dự đoán là “thế hệ vàng” mới của bóng đá Đức, đều đang khẳng định mình từng ngày trong màu áo tuyển quốc gia dưới thời ông Loew.

Từ 4-4-2 sang 4-2-3-1

World Cup 2006, cả thế giới túc cầu phải trầm trồ trước màn trình diễn đẹp mắt của những cái tên  trẻ lúc bấy giờ còn rất vô danh như Lahm, Podolski, Schweinsteiger, Per Metersacker, Tim Borrowski…Họ xuất sắc lọt vào vòng bán kết trước khi bị đội tuyển Ý loại tại đây ở hiệp phụ. Và khi ông Klinsmann đưa ra quyết định không tiếp tục gia hạn hợp đồng, Joachim Loew bắt đầu gánh toàn bộ trách nhiệm của bóng đá Đức trên vai.

Bóng đá châu Âu đã có nhiều thay đổi đáng kể trong quãng thời gian từ 2006 đến 2008. Đội tuyển Pháp và Zinadine Zidane đã không thể tiếp tục thống trị mà phải nhường lại sân cho người Ý và Fabio Cannavaro. Thế nhưng khi bước vào Euro 2008, đội tuyển Đức lại được đánh giá cao hơn và là một trong những ứng cử viên vô địch mặc dù ông Loew không có trong tay đội hình mạnh nhất. Lúc đó, tiền vệ trụ cột Bernd Schneider bị chấn thương, Schweinsteiger mất phong độ, hậu vệ phải Clemes Fritz buộc phải chơi cao lên hàng tiền vệ khi bắt đầu giải đấu.

Và quả thật đội Đức đã không thể hiện được nhiều sau vòng đấu bảng. Họ chơi khá mờ nhạt và không giữ được hình ảnh đẹp như đã trình diễn 2 năm trước đó. Ông Loew buộc phải thay đổi. Việc hậu vệ Marcel Jansen thi đấu tệ bên hành lang trái đã khiến Loew phải thay đổi vị trí 2 bên cánh. Lahm trở lại cánh trái, trong khi Arne Friedrich vốn là một trung vệ, chuyển sang chơi cánh phải. Ở hàng công, Mario Gomez cho thấy anh thực sự là một thảm họa với những pha bỏ lỡ không thể vô duyên hơn. Điều này khiến Loew một lần nữa phải thay đổi, từ sơ đồ 4-4-2 sang 4-2-3-1 với tiền vệ trụ là Thomas Hitzlsperger. Đội tuyển Đức vẫn vào chung kết, nhưng lại để thua trước đội tuyển Tây Ban Nha. Một thất bại rất xứng đáng.


4-2-3-1 với Thomas Hitzlsperger đá trụ

Thực ra, đội tuyển Đức của Loew đã thay đổi từ trước khi Euro diễn ra. Tuy vậy, mãi đến sau Euro, ông mới thực sự tin dùng sơ đồ 4-2-3-1 với 1 trung phong duy nhất là Miroslav Klose (hoặc Mario Gomez). Tiền đạo Lukas Podolski lùi sâu xuống hành lang trái hàng tiền vệ và chỉ thỉnh thoàng tham gia vào những pha tấn công từ trung lộ. Đội Đức mạnh hơn nữa hậu Euro 2008.

Trẻ hóa mạnh mẽ

Hệ quả từ chức vô địch Euro 2009 của U21 Đức, ông Loew đã “nhắm” được thêm khá nhiều cái tên trẻ triển vọng từ đội bóng đó. Mesut Oezil là một trong số đấy và ngay lập tức chàng tiền vệ gốc Thổ này đã đem lại một lối đá tấn công hoàn toàn khác biệt, thông minh hơn, đẹp mắt hơn, nguy hiểm hơn cho đội tuyển Đức.


Làn gió mới Oezil, Reus

Ngày 10 tháng 11 năm 2009, đội tuyển Đức đón hung tin: thủ thành số 1 Robert Enke từ trần sau một vụ tự tử. Lúc này, ông Loew lại phải vất vả với một cuộc Cách mạng mới ở vị trí thủ môn. Người nắm giữ chiếc áo số 1 là Rene Adler, và cái tên dự bị cho anh là thủ môn đội U21 Manuel Neuer. Từ đây, Schweinsteiger cũng đảm nhiệm vị trí mới, anh dạt từ cánh sang trung tâm hàng tiền vệ, chơi hơi lùi xuống so với vị trí cũ. Những cái tên trẻ “vô danh” khác được gọi lên tuyển là Thomas Mueller của Bayern và Jerome Boateng từ Hamburg. Đó cũng là những thay đổi đáng kể cuối cùng 3 tháng trước khi World Cup 2010 diễn ra.

Trong một trận giao hữu hồi tháng 3 năm đó với Argentina, ông Loew bắt đầu sử dụng Schweinsteiger đá song song với đội trưởng Michael Ballack lần đầu tiên tại trung tâm hàng tiền vệ. Thomas Mueller cũng ra mắt trận đầu trong màu áo tuyển ở hành lang phải trước khi được thay thế bằng Toni Kroos. Đội Đức thua 0-1 hôm đó nhưng những gì các chàng trai trẻ đã trình diễn lại đem lại niềm hy vọng mới cho người hâm mộ.

Làn gió mới ở World Cup 2010

Nhưng một lần nữa, đội tuyển Đức lại đi trong bão tố. Trước thềm World Cup, Adler dính chấn thương nặng trong một trận đấu thuộc khuôn khổ Bundesliga. Tiền vệ đội trưởng Michael Ballack “dính” cú triệt hạ ác ý của Kevin-Prince Boateng và chính thức trở thành khán giả World Cup. Chưa hết, những Simon Rolfes, Heiko Westermann cũng nằm trong danh sách “bệnh nhân”. Ở vào thế bị động, ông Loew buộc phải thay Adler bằng thủ thành Schalke 04 Manuel Neuer. Vị trí của Ballack thì được thay bằng Sami Khedira.

Và rồi đội tuyển Đức bước vào kỳ World Cup đó với dàn cầu thủ trẻ nhất trong lịch sử 76 năm. Họ thực sự đã bước vào cơn bão, rồi vượt qua nó một cách mạnh mẽ trước sự thán phục đầy kinh ngạc của làng túc cầu thế giới. Đánh bại đội tuyển Anh 4-1 tại vòng knock out, đánh bại Argentina của Maradona 4-0 tại tứ kết, “Die Mannschaft” không Ballack bỗng trở thành cơn sốt trên khắp các mặt báo, nhận được mọi lời tán dương, ca ngợi. 


Hạ nhục Argentina của Maradona 4-0

Clip Đức đại thắng Argentina 4-0


Bạn cài Flash Player để xem được Clip này.

Ông Loew bắt đầu có những thay đổi nhỏ, từ sơ đồ 4-2-3-1 cải biến thành 4-4-1-1, tập trung hơn cho phòng ngự - vốn đang là điểm yếu của đội bóng. Nhưng sự thay đổi ấy lại đem về thất bại trước Tây Ban Nha. Vắng Mueller – cầu thủ sau đó đạt danh hiệu “Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất giải”, khâu tấn công của đội tuyển Đức trở nên đơn điệu về mờ nhạt hoàn toàn trước đoàn quân của HLV Del Bosque. Một lần nữa, “Die Mannschaft” phải dừng chân ở bán kết World Cup.

Có thể giành cúp nhờ đá đẹp?

Sau thất bại cay đắng ấy, một đội Đức trẻ và non kinh nghiệm vẫn đủ mạnh mẽ để đứng dậy. Ông Loew bắt đầu cho thấy những dấu hiệu rụt rè về việc có nên tiếp tục ngồi trên ghế HLV trưởng hay không. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn là ở lại. Trong một bài phát biểu với tờ Guardian, ông cho biết: “Sự phát triển chỉ vừa mới thực sự bắt đầu. Tôi vẫn sẽ ở lại đây thêm vài năm tới để giúp các cầu thủ”.

Và quả thực, năm 2010 mới chỉ là một sự khởi đầu với đội tuyển Đức trẻ ấy. Ông Loew đặt nhiều niềm tin hơn vào những cầu thủ trẻ và quản lý đội bóng như thể một CLB. Ông không đánh giá 1 cầu thủ qua màn trình diễn hiện tại mà tin vào tiềm năng lâu dài bộc lộ trong mỗi người. Trong trận giao hữu hồi tháng 11 với Thụy Điển, lần đầu tiên ông sử dụng Lewis Holtby, Andre Schuerrle và tiền đạo lúc ấy mới 18 tuổi Mario Goetze. Những cái tên khác như Marko Marin, Kevin Grosskreutz, Marcel Schmelzer, Mats Hummels và Andreas Beck cũng được gọi lên tuyển.

Hướng đến Euro 2012, đội tuyển Đức tiếp tục là ứng cử viên nặng ký cho ngôi vô địch. Họ rơi vào bảng tử thần cùng với Bồ Đào Nha, Hà Lan và Đan Mạch. Tuy nhiên, đội Đức  lại cho thấy tính chất ngược lại của bảng đấu này khi thể hiện phong độ tuyệt vời và giành chiến thắng trước cả 3 đối thủ này. Nhưng tại bán kết, mọi thứ lại diễn ra không như mong đợi, một lần nữa, người Đức lại để thất thủ trước người Ý. Lần này thì rõ ràng là ông Loew đã sai lầm khi thay đổi công thức chiến thắng. Ông sử dụng Kroos ở vị trí tiền vệ trung tâm với mục đích “khống chế” Andrea Pirlo, Oezil chơi cánh phải. Người Đức lại thêm một lần “vỡ mộng”.


Đá đẹp, vẫn có thể vô địch?

Cho đến giờ, dù vẫn là lối đá đẹp mắt, cống hiến và đầy nhiệt huyết ấy nhưng đội tuyển Đức vẫn chưa thể có được những chiếc cúp danh giá mà họ mong chờ. Kể từ ngày Oliver Bierhoff mang lại bàn thắng vàng tại Euro 1996 đến nay, chưa có bất kỳ cầu thủ nào mang lại được cho đội tuyển quốc gia danh hiệu lớn. Đó cũng là bài toán mà ông Loew trăn trở, nhất là khi World Cup 2014 đang đến rất gần. Nắm trong tay hàng loạt ngôi sao cùng một thế hệ tài năng trẻ sáng giá nhất trong lịch sử, ông Loew ở trong tình trạng buộc phải vô địch. Và đó là cái đích duy nhất cuối cùng của ông.

Yến Nhi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm