Hồi ức về giải Sư Tử Vàng Venice duy nhất của nước Việt

28/09/2016 21:11 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Tháng 9/2015, có một sự kiện điện ảnh đặc biệt của Việt Nam mà ít ai để ý: kỷ niệm 20 năm phim Cyclo (Xích lô, 09/1995 – 09/2015) của đạo diễn Trần Anh Hùng, tác phẩm đã ghi dấu son hai chữ Việt Nam trên bản đồ điện ảnh thế giới, với Giải thưởng cao quý Sư Tử Vàng ở Venice (Italy) – Liên hoan phim lâu đời nhất thế giới! Nhưng số phận bộ phim này thật long đong…

Kỳ 1: 'Eternité' của Trần Anh Hùng: Cái chết bất lực trước cái đẹp

Bao nhiêu triệu người Việt mới có một Trần Anh Hùng?

Cuối thập niên 1980 đến đầu thập niên 1990, điện ảnh Châu Á nổi bật lên cái tên Trương Nghệ Mưu – người đã viết hai chữ Trung Quốc lên bản đồ điện ảnh thế giới với giải Gấu Vàng phim Cao lương đỏ (1987), đề cử Oscar Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất hai năm liên tiếp với Cúc Đậu (1990) và Đèn lồng đỏ treo cao (1991), giải Sư Tử Vàng với Thu Cúc đi kiện (1992).

Trong vô số những bài báo ca ngợi Trương Nghệ Mưu lên tận mây xanh lúc ấy, nổi bật nhất là một tít bài ấn tượng: “Một tỉ người Trung Quốc mới có một Trương Nghệ Mưu”!

Nước Việt nhỏ bé, dân số nếu tính luôn cả cộng đồng người Việt đông đảo ở hải ngoại cũng chưa bằng 1/10 Trung Quốc. Nhưng ta cũng có một Trần Anh Hùng đáng để tự hào. Anh sinh năm 1962 tại Đà Nẵng.

Vào thời chiến tranh ly loạn, gia đình anh sang Lào sinh sống. Đến năm 12 tuổi gia đình anh di cư sang Pháp. Là một trong những người Việt hiếm hoi được học tại trường điện ảnh danh tiếng Louis Lumiere College – Nơi anh có chỗ đứng trang trọng trong kỷ yếu của những sinh viên điện ảnh từng làm rạng danh trường này từ cổ chí kim như: Fred Zinnemann, Claude Zidi, Jean-Jacques Annaud, Jaco Van Dormael, Gaspar Noé (Đạo diễn)… Philippe Rousselot, Eduardo Serra, Benoit Delhomme (Quay phim)…

Sau hai phim ngắn đầu tay, năm 1992 anh thực hiện bộ phim đầu tay Mùi đu đủ xanh khi vừa tròn 30 tuổi. Năm 31 tuổi, Mùi đu đủ xanh đã mang lại cho anh giải Camera Vàng dành cho phim đầu tay tại LHP Cannes 1993. Đầu năm 1994, Mùi đu đủ xanh đại diện cho Việt Nam được đề cử Oscar Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.

Đầu năm 1994, Trần Anh Hùng 32 tuổi, thực hiện bộ phim thứ hai, Cyclo. Tháng 09/1995, Cyclo đã mang lại cho Trần Anh Hùng và quê hương Việt Nam vinh dự lớn nhất: Giải Sư Tử Vàng tại LHP Venice, khi ấy anh mới 33 tuổi!…

Có bao nhiêu người trên thế giới từ xưa đến nay đạt được kỳ tích như anh ở độ tuổi đó, chỉ với 2 phim đầu tiên? Xin thưa, chỉ duy nhất có Trần Anh Hùng!

“Cyclo” – Bản giao hưởng của bạo lực và bản ngã hướng thiện

Những ai từng ngưỡng mộ lối kể chuyện chậm rãi, nhịp điệu khoan nhặt như một bài thơ trữ tình của Mùi đu đủ xanh, sẽ cực kỳ sửng sốt khi xem Cyclo – nó giống như vừa dứt bản slow mùi mẫn, ngay lập tức chuyển sang một khúc rock cuồng loạn như trong sàn nhảy vậy!

Đó là câu chuyện với bối cảnh đương đại về một gia đình nghèo ở Sài Gòn chỉ có mấy chị em sống đùm bọc cùng với ông nội. Nhân vật chính là cậu em trai làm nghề đạp xích lô. Một ngày nọ cậu sơ ý bị cướp chiếc xích lô phải thuê hàng ngày của bà chủ. Để có tiền đền lại chiếc xích lô, cậu buộc phải trở thành tay sai dưới quyền bà chủ, buộc phải thực hiện những phi vụ bẩn thỉu dưới sự sai khiến của tên trùm ma cô xã hội đen có biệt danh Nhà thơ.

Suốt bộ phim là một sự cào cấu giằng xé nội tâm của anh chàng xích lô giữa ranh giới mong manh của thiện và ác. Bởi tuy ít học và đang ở tận đáy của sự cùng cực, nhưng tâm tư của cậu vẫn hướng về tinh thần của người cha quá cố: Kiểu gì cũng phải sống cho lương thiện!

Tất cả các nhân vật trong phim đều không có tên cụ thể. Người xem gọi tên các nhân vật tuỳ theo tính cách và nhân dáng trên phim:Cậu em xích lô (Lê Văn Lộc), Cô chị(Trần Nữ Yên Khê), Bà chủ (Như Quỳnh), Gã chơi dao (Quang Hải), Gã đau răng (Hoàng Phúc), Gái vui (Tuyết Ngân), Gái buồn (Đoàn Việt Hà)… Riêng vai tên trùm ma cô Nhà thơ, do tài tử Hong Kong sáng giá bậc nhất thập niên 1990 là Lương Triều Vỹ thủ vai.


Cảnh trong phim "Cyclo" (Xích lô)

Ngoài ra, tất cả những vai phụ trong phim dù chỉ xuất hiện 1, 2 phân đoạn cũng đều rất đáng nhớ bởi được các nghệ sĩ tài danh của Việt Nam đảm nhận: Lão mê bàn chân (Trịnh Thịnh), Lão mê nước tiểu (Mạc Can), Tên cướp (Chu Hùng), Ca sĩ (Thanh Lam), Mẹ Nhà thơ (Minh Đức), Cha Nhà thơ (Nguyễn Đình Thơ), Tay chơi còng (Lê Tuấn Anh), Gã say (Lê Công Tuấn Anh), Gã bán súng AK (Hoàng Kiểm), và đặc biệt gây ám ảnh nhất là tên “đao phủ” có biệt danh Thầy ru con (Nguyễn Văn Đây) – mặc dù chỉ xuất hiện duy nhất một cảnh…

Câu chuyện trong Cyclo làm chúng ta liên tưởng đến dòng phim Tân hiện thực Italy lừng danh thế giới ở thập niên 1940 – 1950. Bản thân Trần Anh Hùng cũng cho biết anh đã cố gắng để kết hợp phong cách và quan điểm của ba trong số những bộ phim mà anh yêu thích: Hoàn cảnh đáng thương của người lao động nghèo Ý sau chiến tranh trong The Bicycle Thief (Kẻ cắp xe đạp) của Vittorio De Sica (Ý), Ngụ ngôn chát đắng về thế giới ngầm ở Pháp trong Pickpocket (Tên móc túi) của Robert Bresson (Pháp), và những tổn thương tinh thần của một cựu binh Mỹ sống dưới đáy xã hội trong Taxi Driver (Tài xế Taxi) của Martin Scorsese (Mỹ). Ba chủ đề khác biệt tưởng như không thể trộn lẫn vào nhau, nhưng đã được Trần Anh Hùng tạo thành một thế giới hình ảnh độc đáo, dưới nhãn quan của một người đã từng là cựu sinh viên triết học ưu tú của Trường đại học Sorbonne (Pháp).

Ai đã từng mê đắm những chuyển động chậm rãi, những khung hình đầy chất thơ của Mùi đu đủ xanh, thì với Cyclo họ sẽ bị sốc ngay lập tức trước những chuyển động bạo liệt của máy cầm tay, những cú cắt cảnh sắc lẹm, diễn biến của phim dồn dập trên nền âm thanh cuồng nộ chát chúa, mang đầy hơi thở náo nhiệt của đô thị Sài Gòn lấm lem. Máy quay len lỏi vào những khu ổ chuột với cống rãnh đen ngòm, những hành lang chung cư cũ kỹ ám khói loang lổ, những con hẻm, những góc phố với hàng quán hàng rong đầy màu sắc…

Từ trước và sau Cyclo, đến giờ tôi vẫn chưa thấy bất cứ phim nào thấu hiểu và mô tả Sài Gòn tuyệt như Trần Anh Hùng. Anh cảm nhận Sài Gòn bằng một thứ rất đặc trưng: Nước! Chất lỏng hiện diện khắp nơi như một nhân tố “ẩn dật” từ đầu đến cuối phim. Một số cảnh nó đã được nhấn mạnh, tạo ấn tượng thị giác nổi bật bằng các định dạng khác nhau như: mồ hôi, bùn, xăng, nước bể cá, thuốc tẩy, sơn… và máu!

Đối với tôi, Cyclo của Trần Anh Hùng đã đưa anh lên chiếu trên, ngang tầm với những Quentin Tarantino (Mỹ), Beat Takeshi (Nhật), Kim Ki Duk (Hàn Quốc)… trong danh sách những đạo diễn đương đại dùng bạo lực để truyền tải những thông điệp xã hội trong các tác phẩm điện ảnh.

Tuy nhiên, với Cyclo cách mà Trần Anh Hùng mô tả bạo lực khá nghệ thuật. Ngoài bề mặt thì rất nhẹ nhàng thậm chí rất thơ, nhưng bên dưới thì lại rất dữ dội, và cực kỳ chú trọng đến hiệu ứng thị giác và tính biểu tượng, khiến người xem phải ớn lạnh và… nhớ lâu hơn.

Không ai xem phim có thể quên cảnh Thầy ru con chọc tiết một nạn nhân, hay cảnh Nhà thơ “xử” Tay chơi còng trên sân thượng. Cảnh đuôi thằn lằn ngoe nguẩy trên môi cậu xích lô, cảnh con cá vàng giãy giụa trên gương mặt đầy sơn của hắn, hay cảnh hắn cho đầu và mặt dính đầy bùn dơ vào bể cá…

Tất cả đều mang tính biểu tượng cho sự ngây thơ bị đánh mất và thay vào đó tội ác hình thành... và suốt phim là sự giãy giụa của thằng xích lô muốn gột rửa để thoát khỏi bến mê, để trở về với tính bản thiện mà người cha quá cố đã răn dạy!   

“Long đong” một danh hiệu quốc tế

Tháng 09/1995, phim Cyclo tham dự LHP Venice lần thứ 52, với sự có mặt của đạo diễn Trần Anh Hùng và các diễn viên chính Lương Triều Vỹ, Trần Nữ Yên Khê và Lê Văn Lộc. Niềm vui vỡ oà cho cả đoàn, khi phim Cyclo của Việt Nam đoạt giải Sư Tử Vàng dành cho phim hay nhất – vinh dự càng lớn hơn khi nó đến vào đúng dịp thế giới đang kỷ niệm sinh nhật 100 năm điện ảnh.

Lúc ấy chẳng ai hay “sóng to gió lớn” đang nổi lên ở quê nhà của đạo diễn…

'Eternité' của Trần Anh Hùng: Cái chết bất lực trước cái đẹp

'Eternité' của Trần Anh Hùng: Cái chết bất lực trước cái đẹp

Sự kiện Trần Anh Hùng mang bộ phim nói tiếng Pháp đầu tiên của mình - 'Eternité' (Vĩnh cửu) - về chiếu tại Việt Nam đã làm cho nhiều người phải sửng sốt.

Thế là dự định “vinh quy bái tổ” của Trần Anh Hùng và kế hoạch chiếu ra mắt Cyclo tại Việt Nam đã không bao giờ được diễn ra…

… Hai mươi năm qua, không còn mấy người ở Việt Nam nhớ đến phim Cyclo. Hai mươi năm qua, điện ảnh Việt Nam vẫn cứ mò mẫm trong các liên hoan phim hạng “cá kèo” (mà lâu lâu mới tham gia). Hầu như mọi người đã quên mất rằng, Việt Nam từng có một giải thưởng điện ảnh thuộc loại danh giá bậc nhất thế giới, mà ở Châu Á nếu tính luôn Việt Nam, thì mới chỉ có 6 quốc gia được giải này (khổng lồ như Hàn Quốc mà mãi đến 2012 mới có Sư Tử Vàng!)…

... Suốt hai mươi năm kể từ sau Cyclo, Trần Anh Hùng vẫn nặng lòng với quê nhà Việt Nam mà không một lời oán trách. Hàng năm anh vẫn thu xếp quỹ thời gian ít ỏi của mình để về chỉ dạy bảo ban cho lớp lớp đàn em. Một số ít đã đi theo con đường gập ghềnh đầy trắc trở của anh…

Tôi chưa từng dự một lớp học nào do anh giảng dạy, cũng như chưa có dịp ngồi nghe một buổi trò chuyện nào về điện ảnh của anh. Nhưng tôi đã có may mắn được quan sát anh làm việc trong hơn một năm, may mắn được làm việc trong phim của anh – một Sư Tử Vàng danh giá, mà dù ai có cố tình quên đi, thì lịch sử điện ảnh cũng mãi mãi ghi nhận hai chữ Việt Nam trên bảng vàng Venice!     

Dù Trần Anh Hùng không thể biết tôi trong số hàng trăm nhân viên Việt Nam từng làm việc trong các phim của anh, nhưng mãi mãi tôi vẫn xem anh như “Anh Hùng” – Một con người nhỏ bé, nhưng đã mang lại vinh quang lớn nhất cho điện ảnh nước nhà – Một vinh quang cực đỉnh mà không cần phải “đụng” đến một đồng ngân sách của nhà nước, của nhân dân! Tôi và rất nhiều người yêu Trần Anh Hùng, mong lắm một lời “giải oan” chính thức cho Cyclo, dù gì thì cũng đã hai mươi năm rồi…!

Mời độc giả đón đọc Kỳ 3: 'Gốc Việt' & thành danh ở Hollywood

Bá Vũ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm