Giải Nobel Văn học 2012: Mạc Ngôn - người kể chuyện bẩm sinh

12/10/2012 06:30 GMT+7 | Đọc - Xem


(TT&VH) - Vinh quang của giải Nobel đã được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao cho một người được nhận định là “nhà văn đương đại duy nhất của Trung Quốc có khả năng giành giải Nobel”. Đó là Mạc Ngôn.

Theo AP, khi công bố giải, Viện Hàn lâm Thụy Điển nhận định Mạc Ngôn là một nhà văn với “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trộn lẫn với những câu chuyện dân gian, lịch sử và hiện đại”. Mạc Ngôn có thể coi là người “thuần” Trung Quốc đầu tiên giành giải Nobel Văn chương trong lịch sử 111 năm của giải thưởng này.

“Tôi không có ý kiến gì”

Theo Guardian, ông Peter Englund, chủ tịch Viện Hàn lâm Thụy Điển, cho biết khi thông báo tin này cho Mạc Ngôn, phản ứng của ông là “quá vui sướng và hơi sợ hãi”. Hiện nhà văn đang sống cùng người bố 90 tuổi ở Trung Quốc.

Vậy là, sau 12 năm mới có một người gốc châu Á giành giải Nobel Văn chương, và lại gắn với Trung Quốc. Người chiến thắng năm 2000 - Cao Hành Kiện - sinh ra ở Trung Quốc nhưng mang quốc tịch Pháp. Tại châu Á có hai quốc gia cũng đang rất khao khát giải thưởng này là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trong đợt tranh cãi đồn đoán ồn ào tiền Nobel năm nay (nhà văn Trung Quốc đứng thứ hai danh sách cá cược, sau nhà văn Nhật Haruki Murakami), báo chí và giới văn chương Trung Quốc cũng dậy sóng, riêng Mạc Ngôn im lặng, đúng như ý nghĩa bút danh của ông: Không nói (Do not speak). Khi được báo chí hỏi đến, ông trả lời mà cũng như không: “Tôi không có ý kiến gì”.

Chiến thắng của Mạc Ngôn là một kết quả gây nhiều phản ứng phức tạp. Trước đó, bất chấp tỷ lệ cá cược nghiêng hẳn về châu Á, giới phê bình Thụy Điển hướng về Bắc Mỹ, nơi có những tên tuổi như Alice Munro (Canada) hay Philip Roth (Mỹ). 

“Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” không học từ Marquez

Nhưng, cùng lúc đó, ở bên kia bờ Thái Bình Dương, Trung Quốc nín thở đợi Nobel xướng tên Mạc Ngôn. Đó là tên một bài viết trên China Daily về khả năng chiến thắng của Mạc Ngôn tại Nobel năm nay. Một trường hợp “cầu được ước thấy” thực sự.

Ông Peter Englund, Chủ tịch Viện Hàn lâm Thụy Điển nói trên Guardian rằng: “Sự nghiệp văn chương của Mạc Ngôn có được là do gốc gác nông dân”.

"Ông viết về nông dân, về cuộc sống nông thôn, về những người đấu tranh để tồn tại, đấu tranh cho phẩm giá của họ, đôi khi chiến thắng nhưng đánh mất gần hết thời gian của cuộc đời" - Englund nói. “Nền tảng cho các cuốn sách đã được đặt ra khi Mạc Ngôn còn nhỏ, được nghe kể các truyện dân gian mô tả chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Nhưng nếu chỉ nghĩ như vậy thì hơi coi thường ông. Đây không phải là thứ ông học từ Gabriel Garcia Marquez, mà là thứ gì đó của riêng ông. Rất biết cách lồng yếu tố siêu nhiên vào những thứ thông thường, ông là một người kể chuyện bẩm sinh”.

Mạc Ngôn bỏ học từ năm 12 tuổi, trong thời Cách mạng Văn hóa, để làm việc kiếm sống rồi gia nhập quân đội. Ông bắt đầu viết khi ở trong quân ngũ, vào năm 1981. Tác phẩm thành công đầu tiên là Cao lương đỏ (1987), đã được đạo diễn Trương Nghệ Mưu dựng thành phim cùng tên, diễn viên Củng Lợi đóng vai chính.

Sở hữu một vị trí không nhỏ trong nền văn chương thế giới, nhưng người Trung Quốc luôn cho rằng rất ít tác giả, tác phẩm Trung Quốc được quảng bá rộng rãi bên ngoài bên giới, nhất là ở các nước phương Tây. Mạc Ngôn là một trong số ít đó. Trong một buổi giao lưu ở Bắc Kinh năm 2010, ông từng nói: “Nhân vật của tôi là người bản địa, ngôn ngữ in đậm dấu ấn Trung Quốc, có lẽ đó là lý do tôi có độc giả quốc tế”.

Phản ứng của báo chí quốc tế

Vui vẻ nhất là những ý kiến từ Trung Quốc. Tờ Global Times trích dẫn lời của Kenzaburo Oe - nhà văn Nhật đoạt giải Nobel Văn chương năm 1994, rằng ông nghĩ Mạc Ngôn là một ứng cử viên châu Á có khả năng lớn nhất để cạnh tranh Nobel Văn chương trong thời điểm hiện nay.

Còn New York Times nhận định “Mạc Ngôn là một trong 3 nhà văn đương đại được giới phê bình quốc tế trông cậy là sẽ góp phần làm giảm ưu thế đang nghiêng hẳn về châu Âu của Nobel Văn chương những năm gần đây”.

Vài giây sau khi giải Nobel Văn chương 2012 được công bố, trên trang tường thuật trực tiếp của trang Guardian (Anh) xuất hiện bình luận đầu tiên, đầy tính khiêu khích: “Một lựa chọn đậm chất chính trị?”.

Tuy nhiên, trong danh sách “10 cuốn sách hay nhất về Trung Quốc” do nhà báo Paul Mason (Guardian) lập ra hồi tháng 2, tiểu thuyết Báu vật của đời của Mạc Ngôn được xếp thứ 2, chỉ sau truyện vừa kinh điển AQ chính truyện của văn hào Lỗ Tấn.

Trong tuần này, Viện hàn lâm đã công bố các giải thuộc lĩnh vực Vật lý, Hóa học và Y học. Giải Nobel Hòa bình 2012 sẽ được Ủy ban Nobel Na Uy công bố vào ngày mai, 12/10, giải Nobel Kinh tế do Học viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố vào thứ Hai 15/10.


Mi Ly

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm