Linh hoạt thích ứng với dịch Covid-19: Giúp trẻ tìm niềm vui và hoạt động bổ ích

10/08/2021 12:00 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Mỗi mùa hè đến là thời điểm nhiều gia đình hào hứng với những dự định du lịch, hoạt động vui chơi sau một năm con em học tập miệt mài, căng thẳng. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 lan rộng, những kế hoạch đi chơi, đi học của các em “đều phải hoãn lại”, ở yên trong nhà với thời gian dài.

Linh hoạt thích ứng với dịch Covid-19: Tăng thêm gắn kết gia đình

Linh hoạt thích ứng với dịch Covid-19: Tăng thêm gắn kết gia đình

Thực hiện giãn cách xã hội, phần lớn người dân đã tạm dừng công việc hoặc chuyển sang làm việc tại nhà, hạn chế tối đa ra đường trừ những trường hợp thật sự cần thiết.

Để trẻ có một mùa hè an toàn và bổ ích tại nhà, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, các bậc phụ huynh đã dành nhiều thời gian lên kế hoạch, giúp trẻ cân bằng giữa hoạt động trí óc và thể chất.

Tìm niềm vui, tạo hoạt động bổ ích

Trong thời gian giãn cách xã hội, vợ chồng chị Nguyễn Thị Minh Thu (Quận 7) vẫn thực hiện việc đi làm luân phiên theo sự sắp xếp của công ty. Để hai con ở nhà, dù lắp thêm camera giám sát nhưng anh chị vẫn không thực sự yên tâm. Theo dõi con qua màn hình mỗi ngày, chị không khỏi lo lắng khi các thiết bị điện tử dần trở thành vật “bất ly thân” của con; các con ở nhà xem tivi, chơi game cả ngày, trừ những lúc tự ăn trưa theo những món mẹ đã chuẩn bị từ sáng trước khi đi làm.

Sau mỗi giờ tan làm, chị Minh Thu thường dành thời gian tâm sự với con và thêm hiểu việc trẻ thấy nhàm chán khi chỉ ở trong nhà, thiếu không gian, không có người chơi cùng. Trẻ cần có không gian chạy nhảy, rèn luyện thể lực, chơi các trò chơi tập thể với các bạn đồng trang lứa để rèn luyện sức khỏe, kỹ năng mềm… Thế nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trẻ phải ở yên trong nhà nên phải tìm cách khác.

Chú thích ảnh
Đồng hành cùng trẻ. Nguồn: TTXVN

Em Nguyễn Đức Minh (học sinh lớp 6, Trường Trung học cơ sở Trần Văn Ơn, Quận 1) cho biết, từ đầu hè tới giờ, em chỉ quanh quẩn trong nhà chứ không được ra ngoài. Mẹ em mua cho em bộ sách giáo khoa lớp 7 để em tranh thủ đọc trước cùng một số tài liệu hỗ trợ cho việc học tiếng Anh trực tuyến. Ngoài thời gian tự ôn bài hoặc phụ mẹ một số việc lặt vặt trong nhà, việc không được ra ngoài đá bóng cùng các bạn nhỏ trong khu phố khiến em cảm thấy buồn và chán nản. Như những mùa hè trước đây, em muốn được cùng gia đình đi chơi, đi nhà sách và chọn mua những cuốn sách mình yêu thích, đi bơi, chơi thể thao…

Do trẻ không được tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời tập trung đông người mà chủ yếu chỉ ở trong nhà, anh Hoàng Đức Minh (ngụ tại Quận 1) lên kế hoạch riêng cho hai cậu con trai của mình bằng những hoạt động thiết thực. Buổi sáng hằng ngày, anh duy trì cho con thói quen ngồi vào bàn học, làm bài tập cô giáo giao thông qua ứng dụng zalo. “Xác định chia sẻ công việc với bố mẹ cũng là cơ hội cho con trải nghiệm thêm những hoạt động đời thường, tôi chỉ cho con những việc nhà nhẹ nhàng như nhặt rau, rửa bát, đổ rác, tưới cây...”, anh Hoàng Đức Minh nói. Ngoài những hoạt động sáng tạo được ưu tiên hàng đầu như xếp hình lego, tô màu, vẽ tranh... anh còn dành thời gian hướng dẫn con chơi những trò chơi dân gian như ô ăn quan, đánh thẻ...

Bên cạnh đó, nhiều gia đình thực hiện chiến dịch “Bạn khỏe mạnh, Việt Nam khỏe mạnh”, là chương trình cộng đồng của Vinamilk trên nền tảng online, theo đó cha mẹ sẽ cùng các con thực hành nhiều thói quen tốt hằng ngày như tập thể dục, vào bếp chế biến những món ăn tốt cho sức khỏe và đăng lên mạng xã hội nhằm lan tỏa những hiệu ứng tích cực. Biết bạn nhỏ nhà mình lười uống nước trái cây nhưng rất thích phụ mẹ, chị Hoàng Tố Lan (ngụ quận Bình Thạnh) rủ con cùng chuẩn bị nguyên liệu và phụ trách việc vắt nước cam cho cả nhà. Từ đó, bé con nhà chị có hứng thú hơn hẳn với món nước trái cây bổ dưỡng giúp tăng cường đề kháng này.

Không riêng gì các mẹ, các ông bố cũng có những trải nghiệm thú vị bên các con trong mùa giãn cách. Theo anh Nguyễn Đắc Hà (ngụ tại Quận 3), nhằm tạo thêm niềm vui cho gia đình, anh thường cùng các con của mình vào bếp. Những mâm cơm đầy đủ chất dinh dưỡng, đầy ắp tình yêu thương đều được cả nhà hưởng ứng nhiệt tình. Dù thời gian giãn cách chỉ ở nhà nhưng nhờ những khoảnh khắc gia đình quây quần bên nhau mà nhà anh chị tuần nào cũng rộn ràng tiếng cười, các con cũng giải tỏa được những áp lực, sự bức bách do phải ở trong nhà quá lâu.

Chia sẻ về việc chọn tham gia vào chiến dịch, anh Nguyễn Đắc Hà cho biết, mỗi gia đình hiện tại đều tự ý thức về giữ gìn sức khỏe, từ đó mọi nhà đều khỏe mạnh và con trẻ sẽ sớm được vui chơi thỏa thích. “Mỗi người khỏe mạnh thì Việt Nam khỏe mạnh”, thông điệp của chương trình là tiếng nói chung của nhiều bậc cha mẹ, không chỉ muốn con sẽ chăm chỉ thực hành những bài học tốt cho sức khỏe từ những việc đơn giản như ăn uống, luyện tập, mà còn giúp trẻ có cơ hội đóng góp cho cộng đồng qua các chương trình ý nghĩa. Qua đây, các bé sẽ hiểu sức khỏe không chỉ quan trọng cho bản thân, mà còn góp phần vào sự khỏe mạnh của cả cộng đồng.

Từ những câu chuyện thực tế trên được chia sẻ nhiều trên các nhóm, trang mạng xã hội, nhiều gia đình cũng lấy đó để làm động lực và có thêm kinh nghiệm cùng con trẻ có một mùa giãn cách thật ý nghĩa.

Chú thích ảnh
Cùng trẻ tập thể dục tăng cường thể chất

Chia sẻ để thấu hiểu

Trong điều kiện giãn cách xã hội, trẻ gần như chỉ ở trong nhà, rất ít có lý do để phải ra ngoài, nếu các cậc phu huynh không kiểm soát được, các em rất dễ bị cuốn vào ti vi, điện thoại, máy tính bảng… Thực tế này đang trở thành nỗi lo lắng của nhiều gia đình nói chung.

Những ngày này, sống trong khu phong tỏa dù chùn chân nhưng chị Đỗ Thị Thuý Nga (ngụ tại quận Phú Nhuận) luôn cùng con vào bếp sáng tạo những món ăn, pha chế thức uống bổ dưỡng theo sở thích của từng người. Qua các món như bánh flan, rau câu trái cây, chè dưỡng nhan, chị hướng dẫn các con hiểu về các loại rau củ, biết dinh dưỡng của từng loại, vừa làm chị vừa trò chuyện cùng con.

Thấy con trai nhớ được rất nhiều địa danh, cờ và tên Thủ đô các nước, chị Thuý Nga và cậu con trai 8 tuổi thường “du lịch qua màn ảnh nhỏ”. Nhờ thế mạnh làm trong lĩnh vực du lịch, qua mỗi địa danh, mỗi đất nước trên các chương trình tivi, chị đều hướng dẫn con tìm hiểu, trao đổi những nét nổi bật của cảnh vật, văn hóa và ẩm thực nơi đó. Theo chị Thúy Nga, đây là khoảng thời gian cả gia đình có cơ hội sống bên nhau 24/24 giờ, chia sẻ niềm vui nỗi buồn, làm cho sợi dây tình cảm cha mẹ và con cái gắn bó mật thiết hơn.

Theo các chuyên gia tâm lý, năng lượng hoạt động của trẻ em rất nhiều và mạnh, nếu bị giới hạn sẽ dễ buồn chán, sinh căng thẳng. Vì vậy, khoảng thời gian hè là lúc trẻ cần được bồi đắp kỹ năng sống thông qua các hoạt động trải nghiệm sau một năm học miệt mài với sách vở. Tuy nhiên thực tế hiện nay, các câu lạc bộ dạy kỹ năng sống, năng khiếu, rèn luyện thể chất tại các trung tâm, nhà trường hay đoàn phường, xã đều dừng hoạt động; công viên, khu vui chơi giải trí, bể bơi, sân bóng cũng đóng cửa.

Trước vấn đề “đau đầu” này của nhiều phụ huynh, với hơn 10 năm kinh nghiệm nghiên cứu về tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, Thạc sỹ Phạm Thị Bích Phượng, chuyên gia tâm lý tại Trung tâm tham vấn, trị liệu tâm lý MindCare Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cha mẹ nên dành nhiều thời gian để chơi và đồng hành cùng con, giúp trẻ vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch vừa có những ngày nghỉ hè thực sự bổ ích.  Đối với những phụ huynh làm việc tại nhà, có thể phân bổ, sắp xếp lại quỹ thời gian, chủ động cho con được giải trí tự do hoặc giao việc, bài tập cho con làm… Khi hoàn thành xong việc, họ sẽ quay lại và tiếp tục chơi cùng con.

“Điều quan trọng nhất là phụ huynh nên tập cho con tính kỷ luật, tự lập và chủ động ngay từ nhỏ thì cho dù rơi vào tình huống nào con cũng có thể tự học hoặc tự tạo niềm vui cho riêng mình mà không cần nhiều đến sự vào cuộc của cha mẹ”, chuyên gia tâm lý Phạm Thị Bích Phượng nhấn mạnh.

Tương tự, theo chị Nguyễn Thanh Huệ (giáo viên Trường Mầm non Lữ Gia, Quận 11), khi con chơi, phụ huynh nên tôn trọng con, tránh can thiệp nhiều. Bên cạnh đó, để mỗi ngày trôi qua một cách thuận lợi và bảo đảm cảm xúc ổn định cho cha mẹ và con cái, phụ huynh nên thống nhất và giữ nhịp sinh hoạt cố định mỗi ngày như khi nào là giờ chơi tự do, khi nào chơi với cha mẹ, khi nào cùng đọc sách, giờ ngủ, giờ ăn, xem ti vi bao lâu.

“Mỗi phụ huynh hãy là những người bạn của con trẻ, đừng ngại chia sẻ với chúng những nỗi lo, khó khăn đang xảy ra xung quanh để các con có cơ hội được đóng góp những công việc nhỏ như làm việc nhà, học may khẩu trang thủ công, vẽ tranh tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19… Từ cách chia sẻ như vậy, phụ huynh sẽ dần dần tạo được sự kiên nhẫn, lắng nghe những điều mà trẻ muốn”, chị Nguyễn Thanh Huệ nói.

Với nhiều gia đình, việc con cái phải ở trong nhà quá lâu, không được thoát ra ngoài vui chơi cũng là một vấn đề rất lớn, ảnh hưởng tâm lý của con trẻ. Tuy nhiên trong điều kiện hiện nay, để giải quyết các vấn đề cho con trẻ cũng rất cần sự chung tay của cả gia đình và xã hội, chia sẻ những cách làm hay, tạo được không khí thoải mái, vui vẻ để trẻ cùng vượt qua giai đoạn khó khăn cũng như tiếp thu, học hỏi được thêm các kiến thức mới về văn hóa, xã hội./.(Còn tiếp).

Thu Hương/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm