14/03/2014 07:19 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Những người lính còn sống sót, những người mẹ tóc bạc phơ, những người vợ mòn mỏi vì chờ đợi, những đứa con chưa biết mặt cha… đó là người thân của 64 chiến sĩ đã chiến đấu và nằm lại nơi vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc trong trận hải chiến bi tráng ngày 14/3/1988, bảo vệ đảo đá Gạc Ma.
Chiều 13/3, tất cả họ cùng dự cuộc giao lưu tại Đà Nẵng, mừng mừng tủi tủi chia sẻ cho nhau những ký ức, những khoảnh khắc và nỗi nhớ, nỗi đau vô bờ. Họ về lại đây, có khi chưa từng gặp nhau, nhưng đã ôm chầm lấy nhau, khóc nức nở, như người một nhà.
Tại buổi giao lưu với thân nhân các gia đình liệt sĩ, các cựu chiến binh từng tham gia trận hải chiến Gạc Ma, mỗi người ở mỗi miền của Tổ quốc. Tôi cũng như bao người thuộc thế hệ trẻ của đất nước, không được tận mắt chứng kiến cuộc chiến đấu năm ấy như thế nào. Chúng tôi chỉ có thể tưởng tượng, nó cũng như các cuộc chiến đấu ghi trong sách lịch sử, súng đạn nổ, người chết…
Quang cảnh buổi giao lưu “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” tại Đà Nẵng
Ngày ấy đã qua lâu rồi, nhưng vẫn còn đó những nỗi đau. Mang theo kỷ vật là cuốn nhật ký đã ố vàng, chiếc áo hải quân đã bạc màu của con trai là liệt sĩ Nguyễn Bá Cường (Quảng Nam), mẹ Ngò khóc: “Tôi rất đau xót khi nó mất. Hai năm sau khi nó hy sinh, gia đình tôi mới “u hồn, úp nấp” (làm mộ gió) cho nó ở nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn. Năm 2008, khi Bộ Quốc phòng đến nhà xin mẫu ADN để xác định hài cốt, tôi đã hy vọng thêm lần nữa… Giờ tôi chỉ mong tìm được hài cốt con mới yên lòng khi nhắm mắt”.
Không chỉ có các bà mẹ mòn mỏi chờ tin con, trận chiến không cân sức năm ấy đã đắp nên hàng chục hòn vọng phu, những người phụ nữ khắc khoải chờ chồng, ở vậy nuôi con.
Đến từ xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, Nghệ An, chị Phạm Thị Ninh, vợ liệt sĩ Phan Huy Sơn nức nở: “Khi biết tin anh ấy mất, tôi không thể tin được. Anh ấy đã hứa sẽ trở về với mẹ con tôi, vậy mà…Những tháng ngày vô vọng ngóng tin chồng, mẹ con tôi vô cùng vất vả… Khi anh mới hy sinh, đứa út mới 2 tuổi nhưng bị bại não, nằm một chỗ suốt đời…”.
Gánh nặng gia đình đáng lẽ phải do người đàn ông gánh vác, những những người phụ nữ này vừa phải làm cha vừa phải làm mẹ. Vượt qua khó khăn ấy, họ phi thường biết bao.
Tôi chợt nhớ đến câu chuyện Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Bé Thu, với chiếc lược ngà đã đợi tin cha suốt mười mấy năm, nhưng cô bé vẫn biết mặt cha cùng vết thẹo dài bên má trước khi anh Sáu mất. Còn anh Vũ Xuân Khoa, con trai thuyền trưởng tàu HQ 604 Vũ Phi Trừ không thể nhớ nổi khuôn mặt cha mình. “Khi bố hy sinh, em mới 3 tháng tuổi. Nghe mẹ kể, trước chuyến đi định mệnh, bố về thăm mẹ con em và hứa sau chuyến đi ấy sẽ về đưa mẹ con em ra Cam Ranh sống. Thế nhưng, không ngờ đó là chuyến đi mãi mãi của bố. Bây giờ nghe các chú kể lại, em như được chứng kiến hình ảnh cuối cùng của bố đã ngã xuống trước mắt mình…”.
Đã 26 năm, vết thương vẫn chưa thể lành. Và mỗi chuyến tàu ra Trường Sa hôm nay, đều có những phút lặng yên trên biển cả để tưởng niệm họ. Chúng ta vẫn đang ngày đêm đấu tranh khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng chúng ta đừng quên rằng, nỗi đau của thân nhân các chiến sĩ đã ngã xuống vẫn còn nhức nhối.
Hồng Thúy
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất