Lượt đi vòng 1/8 Champions League: Hiên ngang vào binh lửa!

14/02/2011 14:08 GMT+7 | Champions League

(TT&VH cuối tuần) - Giữa Arsenal và Barcelona, một người khó tính nhất cũng biết chọn ai là kẻ chiến thắng. Một bên là gã khổng lồ ngạo nghễ với sở thích chinh phục mọi kỷ lục, còn bên kia là những cậu bé luôn ngập trong bão táp. Ai sẽ thắng và ai sẽ thua? Hãy để thời gian trả lời. Nhưng có một điều chắc chắn, cuộc đấu giữa họ vẫn sẽ là sàn diễn tôn vinh cái đẹp. Hệt như vũ khúc bất hủ về Cái chết của Thiên nga, khi giai điệu cello cứ vang mãi, ngay cả khi nền hòa âm quyết liệt của 2 cây piano đã lặng tiếng tự bao giờ...

Lionel Messi là nỗi ám ảnh của Arsenal với 4 bàn thắng ở trận tứ kết lượt về Champions League mùa trước, Ảnh Getty

16 chiến thắng liên tiếp ở Liga, 70 bàn được ghi sau 22 trận, những con số đó có lẽ vẫn chưa đủ để nói về Barcelona. Tới London, những vó ngựa Catalan còn mang theo ký ức về cuộc tàn sát kinh hoàng trước chính Arsenal ở vòng tứ kết Champions League mùa giải vừa qua. Một đội hình trong mơ, một lối chơi mãn nhãn, những sát thủ bẩm sinh, một huấn luyện viên Pep Guardiola tài ba nhưng kiệm lời. Barcelona còn thiếu gì cho một chiến thắng?

Những người duy tâm sẽ nói về bánh xe của số phận. Bóng đá cũng như cuộc đời, chẳng ai biết trước ngày mai. Nhưng ngay cả điều đó có giúp được Arsenal bước qua thử thách nghiệt ngã nhất từ đầu mùa bóng?

Xét cho cùng, bất cứ một chuyên gia sành sỏi nào cũng khó thể đưa ra phương án hợp lý nhất dành cho “Các Pháo thủ”. Arsenal không lì lợm như Inter. Họ không rắn mặt cỡ Chelsea. Và cũng chẳng khôn ngoan, lọc lõi bằng Man United. Tấn công hay phòng thủ, tất cả đều đã được “Giáo sư” Arsene Wenger thử trong 2 trận đấu mùa trước. Họ thất bại không chỉ về mặt tỷ số, mà hầu như còn bị đánh bại hoàn toàn trước tốc độ và khả năng kiểm soát bóng của đối thủ. Ai cũng nói, phía trước Barcelona là những chiếc Cúp. Còn phía trước Arsenal là gì? Ngoài một trận chung kết Carling Cup, tất cả đều chỉ nhớ tới những cuộc tự sát khó tin, cùng cuộc bám đuổi nhọc nhằn theo Man United.

Ồ, vậy thì đâu sẽ là nét thú vị của trận đấu? Ai cũng hiểu, dù khoảng cách lớn tới đâu, nhưng khi đôi găng đã chạm, trận chiến sẽ không thể đoán trước kết cục. Dù “Các Pháo thủ” chỉ là những nghệ sỹ lang thang trên đấu trường Champions League. Dù họ chỉ có những giấc mơ nhỏ bé đặt dưới chân người hâm mộ. Dù thế nào đi nữa, họ cũng sẽ chiến đấu cho niềm kiêu hãnh của riêng mình.

Một quyết tâm non dại có lấp đầy được cái hố sâu mang tên “đẳng cấp”? Sự hiên ngang lãng mạn có thắng nổi ngọn lửa của một tượng đài? Những cổ động viên trung thành và thấu hiểu Arsenal sẽ không trả lời những câu hỏi này. Thay vào đó, sau 1 năm, họ sẽ chờ đợi những chàng trai của mình tiến bộ được bao nhiêu trước một Barcelona còn mạnh hơn quá khứ. Họ sẽ chờ Cesc Fabregas ưỡn mình đón những ngọn giáo Catalan như thế nào. Cũng như chờ một Arsenal quật khởi mà cống hiến. Chỉ cần thế thôi, cho những tiếng hô “Gunners, Gunners” lại vang trong cơn bão.

Tin vào điều không thể?

Nếu như đã làm tất cả những điều có thể mà vẫn thất bại, người ta sẽ thử những điều không thể. Cách mà Barcelona đang chơi mang tới cảm giác họ không có điểm yếu. Nhưng thực tế, gót chân Achilles vẫn sẽ lẩn khuất ở đâu đó. Điều quan trọng là mũi tên Paris có nhắm trúng được hay không?

Cho đến khi trở thành kẻ bại trận dưới tay Inter của Jose Mourinho, Barcelona đã để lộ 2 tử huyệt. Thứ nhất là khả năng phòng thủ khu vực (trong trận đấu ở Giuseppe Meazza). Và thứ hai là khả năng chịu đựng áp lực khi phải leo dốc ở lượt về. Thật đáng nể khi cả 2 điều ấy đã được thay đổi. Cũng với những người như Gerard Pique, Maxwell, Daniel Alves, hay Carles Puyol, Barcelona chỉ để thủng lưới có 11 bàn sau vòng 22. Tiếp theo, họ dường như còn đá “dã man” hơn trước các trận cầu được đánh giá là đầy áp lực. Ghi 10 bàn vào lưới Sevilla và Real Madrid, chỉ chừng đó đã đủ là câu trả lời.

Vậy thì Arsenal sẽ tấn công một đội bóng như vậy, hay ngồi chờ một vụ nổ nguyên tử? Có quá nhiều lý do để tin vào điều đầu tiên. Cả 2 đội đều có sở trường tấn công, và sẽ hướng tới điều đó thay vì tìm ra một phương án xa lạ nào đó. Ở Emirates, rất dễ hiểu khi Arsenal phải xông lên phía trước. Cũng ở London năm ngoái, Barcelona đã không thắng, dù vượt trội về chất lượng và có 2 bàn dẫn trước. Kịch bản ấy có thể xảy ra lắm chứ! Khách quan mà nói, đội bóng của Wenger có quyền hy vọng sức nóng Nou Camp sẽ trở thành con dao 2 lưỡi, một khi họ đứng vững sau trận lượt đi.

Sau khi Tây Ban Nha chinh phục cả châu Âu và thế giới, chất Latin ma thuật của Barcelona như càng được tiếp lửa. Đội bóng của Pep không chỉ đá đẹp mắt, mà còn chơi tấn công có tính toán. Cách họ thay đổi nhịp độ bằng tốc độ, cách họ đánh trực diện bằng rất nhiều “số 10”, cách họ kiểm soát không gian một cách độc đoán và khiến đối phương khó thở đã nói lên điều đó.

Tấn công một đội bóng như thế có phải là nhiệm vụ bất khả thi? Tôi không tin đó là điều quan trọng với mọi CĐV Arsenal. “The Gunners” chẳng có gì để mất nếu lại thua Barcelona. Cũng chẳng ai hy vọng họ sẽ lập tức tạo ra những điều phi thường để trở thành số 1. Chỉ cần những tay súng trẻ dám hướng tới điều đó, họ có chết trên đỉnh cao - đó cũng sẽ là cái kết tuyệt vời.

Thời gian làm mòn gót giày. Nhưng thời gian cũng có thể làm đầy 1 thứ khác. Thứ đó không có biển hiệu, mà chỉ đọc được trong tim mình: Hạnh phúc... Khi trái bóng lăn, và những chiến binh hiên ngang vào binh lửa.

Lượt đi vòng 1/8

Thứ Tư, ngày 16/02/2011 02h45

Milan - Tottenham

Valencia - Schalke

Thứ Năm, ngày 17/02/2011 02h45

AS Roma - Shakhtar

Arsenal - Barcelona

Thứ Tư, ngày 23/02/2011 02h45

Copenhagen - Chelsea

Lyon - Real Madrid

Thứ Năm, ngày 24/02/2011 02h45

Inter - Bayern

Marseille - Man United

Yến Thanh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm