07/12/2014 11:41 GMT+7 | Các ĐTQG
(giaidauscholar.com) - Kể từ thời điểm bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại với đấu trường khu vực đến nay, bóng đá Thái Lan luôn được xem là đối trọng lớn nhất với chúng ta, nhưng nếu để tìm ra đội bóng nào có nhiều duyên nợ nhất với các ĐTQG Việt Nam thì Malaysia phải là số 1.
Sở dĩ nói thế là bởi những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của bóng đá Việt Nam trong khoảng 2 thập kỷ vừa qua luôn có phảng phất bóng dáng của Malaysia ở phía sau.
Năm 1995, bóng đá Việt Nam đánh dấu sự trỗi dậy mạnh mẽ ở đấu trường khu vực bằng thành tích HCB SEA Games 18 được tổ chức năm 1995 tại Chiang Mai (Thái Lan), và đội tuyển đầu tiên thua đội tuyển Việt Nam ở kỳ SEA Games lịch sử ấy chính là Malaysia. Khi ấy, ông Dollah Salleh, HLV trưởng đương nhiệm của đội tuyển Malaysia, là một trong 2 ngôi sao sáng của đội tuyển Malaysia ở SEA Games 1995.
Năm 2008, chiến thắng may mắn tới không ngờ trước đội tuyển Malaysia ở vòng bảng AFF Cup 2008 đã mở toang cánh cửa vào bán kết cho đội tuyển Việt Nam, và từ đó thầy trò HLV Henrique Calisto thẳng tiến tới danh hiệu vô địch Đông Nam Á đầu tiên và duy nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
Nhưng ký ức về bóng đá Malaysia của chúng ta không chỉ toàn là kỷ niệm đẹp, bởi vỏn vẹn trong 2 năm 2009 và 2010, cái tên Malaysia đã trở thành nỗi ám ảnh cho những người hâm mộ bóng đá Việt Nam khi đội tuyển U23 Malaysia đánh bại đội tuyển U23 Việt Nam trong trận chung kết SEA Games 25 diễn ra vào năm 2009, và đội tuyển Malaysia biến đội tuyển Việt Nam thành nhà cựu vô địch AFF Cup sau chiến thắng với tổng tỷ số 2-0 ở bán kết năm 2010.
Và như là định mệnh, sau đúng 4 năm, đội tuyển Malaysia và đội tuyển Việt Nam lại gặp nhau ở một kỳ bán kết AFF Cup trong bối cảnh 2 nền bóng đá đều vừa trải qua những biến động lớn, khi đội tuyển Malaysia bổ nhiệm cựu danh thủ Dollah Salleh vào ghế HLV trưởng, còn đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử được đặt dưới quyền dẫn dắt của HLV người Nhật Bản, ông Toshiya Miura.
Tuy nhiên, có điểm khác biệt là trong khi đội tuyển Malaysia đang bước vào giai đoạn cuối của chu kỳ thành công với những trụ cột đã ngấp nghé tuổi 30 như Safee Sali, Shukhor Adan… thì đội tuyển Việt Nam lại được làm mới và trẻ hoá triệt để với thành phần chủ yếu là các cầu thủ trong độ tuổi Olympic.
Đây có thể được xem là sự hoán đổi vị trí giữa 2 đội tuyển so với AFF Cup 2010, bởi ở kỳ giải cách đây 4 năm, đội tuyển Việt Nam khi ấy đang là ĐKVĐ AFF Cup sở hữu dàn cầu thủ đang ở độ chín nhất của sự nghiệp như Dương Hồng Sơn, Như Thành, Huy Hoàng…, trong khi nòng cốt của đội tuyển Malaysia dưới quyền HLV K.Rajagopal lúc đó là lứa cầu thủ trẻ tài năng vừa đoạt HCV SEA Games năm 2009 ở Lào.
Điểm lại hàng loạt sự kiện như thế để thấy rằng dường như bóng đá Việt Nam và bóng đá Malaysia luôn ở 2 thái cực hoàn toàn trái ngược với nhau nên thời điểm nền bóng đá này khởi sắc cũng chính là lúc nền bóng đá kia bắt đầu bước vào giai đoạn thoái trào sau một chu kỳ thành công.
Nếu chiếu theo ý nghĩa ấy thì đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2014 được xem như là ánh bình minh đầy hứa hẹn dưới quyền HLV Toshiy Miura, còn đội tuyển Malaysia lại đang bước vào giai đoạn hoàng hôn để chờ đợi một chu kỳ thành công khác trong tương lai.
Hoàng Huy
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất